Nhiều doanh nghiệp lãi đột biến
Trong quý III/2014, CTCP Minh Phú (MPC) đạt 197,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Công ty đạt 565 tỷ đồng lợi nhuận, vượt 34% kế hoạch năm. Theo MPC, Công ty ký kết được nhiều hợp đồng cung cấp số lượng lớn với các đối tác, đồng thời tiêu thụ được những mặt hàng có giá trị gia tăng, giúp sản phẩm của MPC tăng khả năng cạnh tranh tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, năm 2014 được đánh giá là năm mang đến cơ hội lớn cho sản phẩm tôm nước lợ Việt Nam, do sản lượng tôm của 2 nước sản xuất lớn nhất thế giới là Thái Lan và Trung Quốc chưa có nhiều cải thiện, ảnh hưởng đến nguồn cung.
CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) đạt 4.313 tỷ đồng doanh thu và 383 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý III/2014, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận đột biến của VHC đến từ thương vụ chuyển nhượng cổ phần CTCP Thức ăn thủy sản Vĩnh Hoàn 1 cho Pilmico International với giá 19,6 triệu USD. Do đó, trong kỳ, VHC ghi nhận hoạt động tài chính có lãi 233 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ giảm thuế chống bán phá giá cá tra lần 9 (POR9) xuống 0 USD/kg đối với VHC.
CTCP Hùng Vương (HVG) ghi nhận doanh thu 10.788 tỷ đồng trong quý III/2014, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, hoạt động nuôi trồng chế biến thuỷ sản nội địa tăng 2,8 lần, hoạt động nội địa từ hàng hoá khác tăng 3,5 lần. Theo HVG, Công ty chủ động được trong sản xuất - kinh doanh nên đạt kết quả tốt. Cụ thể, hoạt động nuôi trồng đáp ứng 85 - 90% nhu cầu sản xuất giúp giá thành ổn định, thấp hơn thị trường bình quân trên 10%; mảng thức ăn chăn nuôi tăng; xuất khẩu tăng.
Các DN có quy mô nhỏ hơn cũng đạt kết quả kinh doanh khả quan. Chẳng hạn, CTCP Thủy sản An Giang (AGF) lãi ròng 23,5 tỷ đồng trong quý III/2014, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm bằng 77% kế hoạch năm. CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) đạt 51 tỷ đồng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm, vượt 28% kế hoạch năm. CTCP Chế biến thuỷ sản Ngô Quyền (NGC) lãi 9,5 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, trong đó lợi nhuận quý III gấp 26 lần cùng kỳ năm ngoái nhờ sản lượng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tăng mạnh, như mực, bạch tuộc, surimi. Sản phẩm xuất khẩu vào các thị trường Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc ổn định và có chiều hướng phát triển tốt.
Thuận lợi và thách thức
Trong quý III/2014, các DN thuỷ sản đón nhận một số thông tin tốt như mức thuế giá trị gia tăng mặt hàng thức ăn chăn nuôi sản xuất công nghiệp giảm từ 5% xuống 0%; Nga dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu cá tra từ Việt Nam (đây là mặt hàng chiếm 40% giá trị hàng thủy sản xuất sang Nga).
Tuy nhiên, rào cản về thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ đối với cá tra và kỹ thuật kháng sinh với con tôm Việt Nam ở thị trường Nhật Bản… luôn là bài toán khó đối với DN. Mới đây, Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) đã ra quyết định cuối cùng về việc tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra, cá basa nhập khẩu từ Việt Nam, sau khi rà soát thuế lần thứ 2 đối với mặt hàng này. Theo đó, trong ít nhất 5 năm tới, sản phẩm cá tra, cá basa Việt Nam vẫn bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá, đồng nghĩa với việc các DN xuất khẩu sẽ phải chịu thêm 5 lần rà soát thường niên và 1 cuộc rà soát hoàng hôn (là rà soát được thực hiện ngay trước khi hết thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức hoặc kể từ ngày có kết quả rà soát) lần thứ III. Trước đó, mặt hàng tôm Việt Nam bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá cho giai đoạn xuất hàng từ 1/2/2012 đến 31/1/2013 (POR8), với mức thuế cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, MPC chịu mức thuế 4,98%, CTCP Thủy sản Sóc Trăng chịu mức thuế 9,75%, 30 công ty bị đơn khác chịu mức thuế 6,37%. Mức thuế chung cho toàn quốc là 25,76%.
11 tháng đầu năm, toàn ngành thủy sản đạt 7,22 tỷ USD giá trị xuất khẩu, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thị trường Hoa Kỳ chiếm 21,85% tổng giá trị xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu sang hầu hết các thị trường khác đều tăng, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc có các mức tăng tương ứng là 8,47%, 37,49% và 16,17%. |