Gần 500 nhà máy thủy điện nhỏ (công suất phát điện dưới 30 MW) đứng trước khả năng có thay đổi lớn trong hoạt động kinh doanh với kiến nghị sửa đổi Biểu giá chi phí tránh được (ACT) cho các nhà máy thủy điện nhỏ mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi Bộ Công Thương theo công văn số 5718/EVN-TTĐ ngày 20/9/2021.
Theo đó, EVN kiến nghị Bộ Công thương xem xét sửa đổi Thông tư 32/2014/TT-BCT như sau:
Đối với các nhà máy thủy điện nhỏ đã ký Hợp đồng mua bán điện (PPA) theo Thông tư 32, áp dụng cố định Biểu giá chi phí tránh được năm 2021 cho đến hết thời hạn PPA, trừ trường hợp lựa chọn tham gia trực tiếp thị trường điện; mở rộng đối tượng được lựa chọn hình thức tham gia trực tiếp thị trường điện; EVN được áp dụng linh hoạt các giải pháp thực hiện PPA đã ký với chủ đầu tư như thỏa thuận thay đổi giờ phát điện cao điểm, thay đổi khung thời gian Mùa khô, Mùa mưa theo ba miền Bắc- Trung- Nam trên nguyên tắc tránh quá tải, đảm bảo an ninh hệ thống điện, đảm bảo tối ưu và không ảnh hưởng đến lợi ích của chủ đầu tư trong các PPA đã ký, phản ánh đặc điểm thực tế thủy văn từng miền, phù hợp với điều kiện vận hành hệ thống điện và lộ trình phát triển thị trường điện.
Đối với các nhà máy thủy điện nhỏ chưa ký PPA, EVN đề nghị Bộ Công thương xây dựng cơ chế, chính sách mới thay thế Biểu giá chi phí tránh được quy định tại Thông tư 32 phù hợp với điều kiện vận hành hệ thống điện và thị trường phát điện hiện nay và xu hướng thay đổi trong tương lai, trong đó điều chỉnh giảm quy mô công suất định mức của nhà máy điện được hưởng cơ chế, chính sách mới thay thế Biểu giá chi phí tránh được.
Cơ chế chi phí tránh được áp dụng cho thủy điện nhỏ (ACT) được Bộ Công Thương ban hành tại Quyết định 18/2008/QĐ- BCT ngày 18/7/2008 và sau này thay thế bằng Thông tư 32/2014/TT-BCT ngày 09/10/2014 quy định về trình tự xây dựng, áp dụng Biểu giá chi phí tránh được và ban hành Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các nhà máy thủy điện nhỏ. Đây là chính sách của Nhà nước nhằm khuyến khích đầu tư các dự án thủy điện nhỏ trên nguyên tắc đảm bảo sự công bằng, minh bạch giữa bên mua và bên bán, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo an sinh xã hội.
Các nhà máy thủy điện nhỏ cho rằng, các đề xuất trên của EVN sẽ có tác động lớn đến các nhà máy thủy điện nhỏ. Bởi thay vì giá bán điện được Đơn vị vận hành hệ thống điện tính toán trình Cục Điều tiết Điện lực thẩm định và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành hàng năm theo biến động thị trường điện, theo đề xuất của EVN, giá mua điện của các nhà máy thủy điện nhỏ áp dụng với biểu giá chi phí tránh được năm 2021, hiện thấp hơn đáng kể so với mặt bằng giá các loại hình điện năng khác như: nhiệt điện, điện mặt trời, điện gió,…
Cũng trong văn bản gửi Bộ Công Thương, EVN đề xuất Bộ Công Thương sửa đổi Thông tư 32/2014/TT-BCT theo hướng quy định:
Hàng năm, EVN sẽ tính toán báo cáo Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt giờ được hưởng giá công suất tránh được cho các nhà máy ACT, theo từng miền, theo từng mùa… Điều này có thể dẫn đến việc thay vì quy định thống nhất và áp dụng công bằng, công khai minh bạch giữa các nhà máy điện như hiện nay, EVN có quyền được áp dụng với mỗi nhà máy mỗi khác, mỗi vùng miền một cơ chế, một quy định khác nhau.
Nhận xét về đề xuất này, một chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành điện cho rằng, nếu sửa đổi quy định như vậy và EVN được trao quyền rất lớn như trên, câu hỏi đặt ra là, cơ chế nào sẽ đảm bảo việc thực thi của EVN là công bằng, minh bạch, tránh cơ chế xin cho. Các nhà máy thủy điện sẽ khó có thể chủ động kế hoạch kinh doanh vì mỗi năm, mỗi thời điểm lại phải thực thi và tuân thủ các quy định khác nhau.
Đặc biệt, việc sửa quyết định có liên quan đến hàng trăm doanh nghiệp cần hết sức thận trọng và việc này là nhằm để áp dụng dài hạn chứ không phải do hệ thống hiện nay bị áp lực tăng chi phí, phải tăng giá điện và biến đổi khí hậu theo năm mà vài tháng hay mỗi năm lại thay đổi giờ cao điểm cho thủy điện nhỏ áp dụng ACT, khiến chính sách trở thành bất định, mang tính sự vụ.
Các chuyên gia cũng cho rằng, cần tránh tình trạng cho EVN quyền được điều hành (do A0 vẫn đang thuộc EVN) lẫn đàm phán hợp đồng vì như thế các doanh nghiệp làm thủy điện nhỏ chân chính sẽ bị khó và bị ép trong quá trình đàm phán.