Tác động trên mọi mặt trận
Hệ lụy của dịch Covid-19 không chừa bất cứ doanh nghiệp nào, không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu mà kể cả những ngành được coi là thiết yếu như dược phẩm, tiêu dùng thực phẩm.
"DN thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đặc biệt ở các ngành phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, châu Âu, Mỹ. Thị trường đầu ra xuất khẩu bị giảm mạnh. Thị trường trong nước cũng gặp khó khăn do tâm lý ngại ra ngoài mua sắm của người dân”, báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư gửi lên Thủ tướng Chính phủ mới đây nêu rõ.
Đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới các doanh nghiệp có trong danh mục đầu tư, SCIC cho biết, ngay doanh nghiệp trong ngành hàng thực phẩm thiết yếu như CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), dự kiến doanh số quý II, III giảm so với kế koạch ban đầu, đến quý IV mới trở lại bình thường. Khả năng năm 2020 lợi nhuận trước thuế giảm khoảng 400 tỷ đồng.
Ở ngành dược phẩm, thông tin từ CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC) cho thấy, các sản phẩm chính có nguồn gốc từ nguyên liệu Trung Quốc có giá trị tương đương khoảng 20 triệu USD/năm trong doanh thu của Công ty, chưa kể nhiều nguyên liệu phụ và tá dược khác được nhập từ Trung Quốc.
Chỉ cần thiếu một thành phần của thuốc thì phải ngưng sản xuất mặt hàng đó. Hiện nay, tỷ lệ nguyên phụ liệu trong đơn vị sản phẩm ngành dược tương đương 70-80% giá thành phẩm. Do vậy, khi nguyên liệu lên giá, tỷ lệ tăng giá là gần như tương đương vào giá thành sản phẩm. Mức độ ảnh hưởng từ dịch Covid-19 có thể lên tới hàng chục tỷ đồng/năm với mỗi doanh nghiệp.
Tại CTCP Traphaco, theo ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Công ty, suy giảm sức mua là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất. Doanh thu tháng 1 và nửa đầu tháng 2 của Traphaco tăng so với cùng kỳ nhưng đã bắt đầu giảm từ cuối tháng 2 và tháng 3. Công ty đã phải chủ động thúc đẩy các mặt hàng phòng dịch để giảm thiểu ảnh hưởng về doanh thu.
Với các doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông đa dạng, đặc biệt nhiều cổ đông tổ chức, để đạt được sự đồng thuận cao trong doanh nghiệp về các kịch bản kinh doanh thay đổi, doanh thu lợi nhuận điều chỉnh, đòi hỏi sự tương tác, trao đổi và kết nối tích cực giữa các cổ đông. Ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC nhận xét, đây là vấn đề cần lưu ý trong quản trị doanh nghiệp mùa đại hội đồng cổ đông năm nay.
Đại hội đồng cổ đông 2020 của Traphaco nhận được sự đồng thuận lớn của các cổ đông.
Lấy lợi ích doanh nghiệp làm trọng để nhận được sự đồng thuận lớn
Tại DHG, cổ đông Taisho là một trong các doanh nghiệp dược lớn nhất ở Nhật Bản bắt đầu tham gia vào Công ty từ năm 2016 và nâng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối vào năm 2019. Với lợi thế về kinh nghiệm trong ngành, Taisho có thể mang lại những đóng góp mang tính nền tảng cho hoạt động sản xuất dược phẩm tại doanh nghiệp, đặc biệt là về các vấn đề kỹ thuật và quản lý sản xuất. Ngoài ra, hệ thống báo cáo của doanh nghiệp cũng chịu sức ép phải cải thiện theo hướng khoa học và đúng chuẩn hơn.
Để có thể hợp tác với cổ đông ngoại, doanh nghiệp phải thay đổi tổng thể về nhiều mặt trong đó bao gồm các thay đổi cơ bản về cơ cấu tổ chức, thể chế và văn hoá làm việc. Quản trị doanh nghiệp tại DHG khi đó còn cần tập trung vào việc quản trị sự thay đổi nhằm đạt được yêu cầu của các bên đối với doanh nghiệp và giúp cho quá trình thích ứng của doanh nghiệp diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.
Ông Đoàn Đình Duy Khương, Tổng giám đốc điều hành DHG nhận xét, SCIC có kinh nghiệm làm việc lâu năm với các đối tác nước ngoài đã phát huy vai trò phối hợp với các cổ đông nước ngoài trong công tác quản trị doanh nghiệp nhằm hài hoà được lợi ích của cổ đông, của doanh nghiệp, của người lao động và các bên liên quan. SCIC thường cụ thể hoá định hướng quản trị doanh nghiệp và sự trao đổi hợp tác giữa các cổ đông lớn thông qua đàm phán và ký kết thoả thuận cổ đông.
Các quyết định quan trọng của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Đại hội cổ đông và Hội đồng quản trị đều được đại diện của các bên và Ban Điều hành DHG cùng thảo luận thống nhất để quyết định, việc này giúp các quyết định quản trị quan trọng tại doanh nghiệp luôn thể hiện được sự thống nhất cao giữa các cổ đông lớn, giữa cổ đông và doanh nghiệp, đảm bảo hiệu quả và lợi ích cho các bên.
Cách thức kết nối và trao đổi công việc như vậy đã tạo nền tảng tốt cho DHG chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với biến động thị trường, có được sự thống nhất, đồng thuận và ủng hộ từ các cổ đông lớn.
“Trước tình hình khó khăn chung của môi trường kinh doanh và nhiều diễn biến bất thường của dịch bệnh, doanh nghiệp mong có được sự chia sẻ, ủng hộ của cổ đông đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ổn định được hoạt động sản xuất kinh doanh bao gồm đầu tư, cổ tức, và xây dựng, điều chỉnh kế hoạch theo tình hình thực tế”, lãnh đạo Dược Hậu Giang chia sẻ.
Để cổ đông đồng thuận và ủng hộ các biện pháp “giảm sốc”, có điều kiện duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Traphaco, một trong 3 đại diện vốn của SCIC cho rằng, cần sự chủ động từ doanh nghiệp, tích cực cập nhật đến các cổ đông lớn tình hình hoạt động trong thời điểm này, có thể bằng các cuộc họp trực tuyến với các cổ đông lớn, để đảm bảo các hoạt động của công ty diễn ra thông suốt.
“Traphaco luôn ý thức cần làm tốt công tác IR (quan hệ nhà đầu tư), công ty luôn có những chia sẻ, cập nhật, tham vấn kịp thời với các cổ đông theo đúng quy định. Công ty cũng thấy rằng việc các cổ đông, đặc biệt là cổ đông lớn quan tâm và tham gia định hướng các hoạt động của công ty là quyền lợi và trách nhiệm của các cổ đông”, ông Mã nói và cho biết thêm, cổ đông lớn SCIC thường đóng góp rất quan trọng vào định hướng chiến lược, cũng như cải thiện các hoạt động của công ty theo tiêu chuẩn quản trị hiện đại phù hợp với một công ty đại chúng và theo quy định của pháp luật.
Traphaco cũng đã có những phản ánh kịp thời với SCIC về những thực tế của thị trường, doanh nghiệp, qua đó Tổng Công ty có thể xem xét đóng góp ý kiến cho các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Đề cập đến quan điểm thích ứng với tình hình hiện nay, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC cho biết, với vai trò là cổ đông năng động, luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp, thông qua hệ thống người đại diện vốn, SCIC đã có văn bản khuyến nghị các doanh nghiệp rà soát kế hoạch sản xuất kinh doanh trình đại hội cổ đông thông qua trên cơ sở đảm bảo mục tiêu, lợi ích của cổ đông tại doanh nghiệp. Duy trì ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, linh hoạt về nguyên liệu sản phẩm, tồn kho và chi phí để nâng cao hiệu quả sản xuất.
“Trong bối cảnh hiện nay, những doanh nghiệp có nguồn lực tốt, thương hiệu mạnh sẽ có nhiều cơ hội để thành công. Điều cần thiết là sẵn sàng nắm bắt cơ hội, thay đổi mạnh mẽ về quản trị, để bắt nhịp ngay với thị trường khi tình hình dịch bệnh cải thiện. Chúng tôi đạt được sự thống nhất cao trong hệ thống người đại diện rằng, chúng ta sẽ chọn giải pháp đối mặt với khó khăn và cùng tìm kiếm cơ hội trong khó khăn”, ông Thành chia sẻ về nguyên tắc hoạt động đang tạo ra “trợ lực” không nhỏ cho nhiều doanh nghiệp nằm trong danh mục đầu tư của Tổng công ty.
Tại buổi làm việc ngày 29/4/2020 với SCIC, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá: “Công tác quản trị doanh nghiệp của SCIC đã được tăng cường, tập trung, cơ cấu lại để nâng cao hiệu quả hoạt động tại DN. Tuy nhiên, cần xây dựng để SCIC là nhà đầu tư chuyên nghiệp của Chính phủ. SCIC cần phải góp phần chủ đạo vào nền kinh tế của đất nước, đầu tư vào lĩnh vực có tính chiến lược nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế, bảo đảm vị thế cạnh tranh quốc gia trong tương lai”.