Tại SMC, có những đơn hàng không mang lại lợi nhuận, nhưng DN vẫn thực hiện để giữ khách hàng, giữ thị phần - Ảnh: Lê Toàn

Tại SMC, có những đơn hàng không mang lại lợi nhuận, nhưng DN vẫn thực hiện để giữ khách hàng, giữ thị phần - Ảnh: Lê Toàn

Doanh nghiệp thép gặp khó

(ĐTCK-online) Nhu cầu thép giảm mạnh do khó khăn chung của nền kinh tế khiến các doanh nghiệp thép đang niêm yết như POM, SMC, HPG... gặp những khó khăn nhất định trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong 2 tháng qua, nhu cầu thép giảm mạnh do khó khăn chung của nền kinh tế và thị trường bất động sản gần như đóng băng khiến các dự án ngừng trệ đầu tư xây dựng. Các doanh nghiệp thép vì thế gặp khó trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc CTCP Thép Pomina (POM) cho biết, ước tính thì còn số lợi nhuận 6 tháng đầu năm có thể đạt gần bằng kế hoạch tính theo tháng, nhưng doanh thu không tăng, sản lượng bán hàng không tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận đạt được chủ yếu là trong các tháng đầu năm, còn hai tháng gần đây, nhu cầu thép sụt giảm mạnh. POM đã cắt giảm sản lượng còn 50% công suất nhà máy.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư thương mại SMC (SMC) cho hay: "Quý II rất khó khăn với ngành thép do lượng tiêu thụ giảm. Có những đơn hàng thép xây dựng lợi nhuận bằng 0, nhưng doanh nghiệp vẫn phải làm để giữ khách hàng, giữ thị phần".

Tuy nhiên, khi kinh doanh thép xây dựng khó khăn thì SMC có mảng gia công thép tấm, thép lá bù lại. Nhà máy của SMC mới đi vào hoạt động từ đầu năm nay đã hoạt động 2/3 công suất 120.000 tấn/năm. Với nhà máy mới, hoạt động nhập khẩu thép cán nóng của SMC mang lại hiệu quả phục vụ gia công theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Theo ông Anh, nhà máy của SMC sử dụng công nghệ loại trung bình khá của Đài Loan, đắt gấp 3 lần công nghệ mà một số doanh nghiệp nhỏ khác đang sử dụng, nhưng chất lượng sản phẩm đạt được tương đương 90 - 95% sản phẩm của dây chuyền đắt tiền của châu Âu hoặc Nhật Bản, có giá đắt gấp 3 lần. Bước đầu, các doanh nghiệp nước ngoài của Nhật Bản, Đài Loan đã đặt hàng SMC gia công sản phẩm như Sanyo.

Vẫn theo ông Anh, hoạt động sản xuất gia công thép (công nghiệp phụ trợ) đã đóng góp 25% lợi nhuận của SMC trong nửa đầu năm. Lợi nhuận nửa đầu năm đạt được khoảng 52 - 53% kế hoạch năm, với doanh thu tăng cao. Sau khi trừ yếu tố tăng doanh thu do giá tăng thì doanh thu của SMC tăng trưởng ở mức hợp lý.

Tại CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), chưa có con số ước tính kết quả kinh doanh của cả Tập đoàn trong nửa đầu năm, nhưng HPG cho biết, chính sách tín dụng thắt chặt và lạm phát đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, buộc HPG phải linh hoạt thực hiện chính sách chiết khấu, rải đều hàng cho các đại lý để tăng độ phủ thị trường. Riêng ở thị trường miền Trung, thép tiếp tục là sản phẩm chủ lực đóng góp 225,8 tỷ đồng trên tổng số 470 tỷ đồng doanh thu của các Chi nhánh Hòa Phát ở miền Trung, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước.

Các doanh nghiệp ngành thép rất quan tâm đến con số doanh thu đạt được ở giai đoạn này. Ngành thép có đặc thù là doanh thu lớn, tăng trưởng cùng sản lượng bán hàng và sản xuất thì mới có lợi nhuận cao. Việc giữ thị trường với doanh nghiệp thép quan trọng không kém lợi nhuận trước mắt.

Câu chuyện Tổng công ty Thép vừa thực hiện phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) dự định kiện Công ty Thép Posco Việt Nam do có hành vi bán phá giá thị trường khiến nhiều nhà đầu tư thận trọng khi đầu tư vào doanh nghiệp ngành thép trong giai đoạn cạnh tranh cao hiện nay.

Tổng công ty Thép cho biết, Posco liên tục bán dưới giá thành khoảng 30 USD/tấn đối với mặt hàng thép cán dẹp, khiến nhiều công ty thành viên của Tổng công ty bị thua lỗ. Tổng công ty Thép đã phải hạ giá bán, nhưng vẫn cao hơn sản phẩm cùng loại của Posco 20 USD/tấn.

Một số ý kiến cho rằng, với giá bán cạnh tranh, Posco hầu như không có lãi, nhưng có thể hoạt động gần hết công suất. Cách tính toán bài toán lời lỗ của doanh nghiệp nước ngoài nhìn trong dài hạn 5 - 10 năm, chứ không phải là một thời điểm. Ngoài ra, không chỉ do giá bán thấp hơn, mà chất lượng sản phẩm, cung cách phục vụ của Posco tốt hơn của Tổng công ty Thép, nên sản phẩm của Posco được tiêu thụ tốt hơn. Hy vọng, sau khi IPO, trở thành công ty đại chúng, Tổng công ty Thép sẽ tái cơ cấu để hoạt hiệu quả hơn trong thị trường thép đầy cạnh tranh như hiện nay.

Về tình hình 6 tháng cuối năm 2011, ông Thái dự đoán, có thể còn khó khăn hơn. Ở trong nước, giá thép phụ thuộc vào diễn biến cung cầu, giá không tăng nếu nhu cầu sử dụng thấp như hiện nay. Bên cạnh đó, sức cầu sản phẩm thép còn phải nhìn vào nguồn vốn trên thị trường.