Các doanh nghiệp đề nghị có thời gian 6 tháng chuẩn bị lao động thay thế trước khi thực hiện yêu cầu của Công văn 4706-V01P3 của Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (C10 Bộ Công an)

Các doanh nghiệp đề nghị có thời gian 6 tháng chuẩn bị lao động thay thế trước khi thực hiện yêu cầu của Công văn 4706-V01P3 của Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (C10 Bộ Công an)

Doanh nghiệp sử dụng phạm nhân lao động học nghề bất ngờ nhận thông báo thanh lý hợp đồng

Các doanh nghiệp đang sử dụng phạm nhân lao động học nghề vừa gửi đơn kêu cứu tới Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, Bộ Công an..., đề nghị cho phép thời gian 6 tháng để tìm kiếm lao động thay thế trước khi thanh lý hợp đồng với các trại giam.

Cùng ký trong đơn kêu cứu khẩn cấp là 10 doanh nghiệp, gồm Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất kinh doanh Trường Thịnh, Công ty cổ phần cơ khí xây dựng CPT Việt Nam, Công ty TNHH Thành Lộc, Công ty cổ phần Gốm xây dựng Hợp Thịnh Phát, Công ty cổ phần Công nghiệp Minh Long, Công ty TNHH Hùng Anh, Công ty cổ phần Tinh hoa nghệ thuật Thêu Việt, Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Thiên Trần Vũ, Công ty cổ phần Tiến Mạnh.

Các doanh nghiệp này vừa nhận được công văn của các trại giam có lao động học nghề là phạm nhân tại các doanh nghiệp yêu cầu thanh lý hợp đồng và rút lao động học nghề là phạm nhân ra khỏi doanh nghiệp. Căn cứ của yêu cầu này là Công văn số 4706- V01P3 của Cục quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (C10 Bộ Công an) về việc rút phạm nhân đang lao động học nghề ngoài trại giam trong tháng 11 năm 2019. Các công văn có ngày ký vào đầu tháng 11/2019, có công văn ký ngày 11/11/2019.... 

“Tổng số doanh nghiệp đang hợp tác sử dụng phạm nhân lao động học nghề trên cả nước là 500 doanh nghiệp. Cách đây 1 tuần, chúng tôi phải tập hợp với nhau để gửi đơn khẩn cấp này vì quyết định trên được đưa ra quá đột ngột, không có thời gian thực hiện, khiến nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay”, ông Phan Nhất Thống, Giám đốc Công ty cổ phần Tiến Mạnh, đại diện nhóm công ty giải thích với phóng viên baodautu.vn về nội dung đơn kêu cứu mà các doanh nghiệp vừa gửi đi.

Trong đơn kêu cứu, các doanh nghiệp cho rằng, quyết định rút lao động không phù hợp với pháp luật về hợp đồng hai bên đã ký kết, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp không thể tìm được lao động để thay thế trong thời gian chỉ khoảng nửa tháng, có thể gây nên tình trạng sản xuất bị tê liệt.

“Chúng tôi không được thông tin hay thảo luận trước về việc này. Chúng tôi đã cam kết cùng với ngành công an sử dụng phạm nhân ra lao động học nghề theo đúng luật và các quy định của Nhà nước. Nhưng nếu do pháp luật thay đổi, không cho phép phạm nhân ra ngoài trại giam để lao động, chỉ mong Bộ Công an thực hiện trong khoảng thời gian ít nhất là 6 tháng kể từ ngày các doanh nghiệp nhận được thông báo để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị nguồn lao động thay thế phù hợp”, ông Thống nói những đề nghị đã được các doanh nghiệp thảo luận và viết trong đơn kêu cứu.

Phải nói rõ, Luật  Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) vừa được thông qua trong kỳ họp Quốc hội đầu năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 đã không cho phép trại giam phối hợp và đưa phạm nhân ra lao động tại các khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, xây dựng, trực tiếp tổ chức sản xuất, quản lý.

Trước đó, mô hình trên đã được Bộ Công an cho phép thí điểm. Các trại giam được tổ chức “khu sản xuất” và được liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tổ chức các “điểm lao động” ngoài trại giam. Đã có khoảng 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động theo hình thức này. Các doanh nghiệp ký tên trong đơn đã ký hợp đồng với các trại giam về việc sử dụng phạm nhân lao động học nghề. 

Đánh giá về mô hình này khi bàn thảo về nội dung dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) trước khi thông qua, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, cả nước có 54 trại giam do Bộ Công an quản lý, hầu hết đều được đóng tại các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, nhất là về giao thông. Phần lớn các trại giam tại khu vực miền Bắc và miền Trung có diện tích đất hạn chế, phân tán, thổ nhưỡng xấu, rất khó khăn trong việc phát triển sản xuất, dạy nghề cho phạm nhân.

Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau, nên điều khoản này chưa được thông qua. Đây là lý do có Công văn số 4706- V01P3.

“Chúng tôi rất mong muốn Bộ Công an có tổng kết mô hình nói trên, đánh giá hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng, hợp tác lao động đã ký kết có báo cáo để tháo gỡ hợp lý nhất lao động học nghề là phạm nhân, giảm thiệt hại cho các doanh nghiệp và để các doanh nghiệp có thời gian tổ chức đào tạo nghề. Nếu trường hợp phải rút lao động, thì cần thông báo cho doanh nghiệp sử dụng lao động học nghề biết trước ít nhất 6 tháng để chuẩn bị lao động thay thế. Hiện tại, tất cả chúng tôi đang rất hoang mang với yêu cầu rút lao động ngay trong tháng 11/2019, nghĩa là chỉ còn vài ngày nữa”, ông Thống nêu.

Tin bài liên quan