Sự lên ngôi của chủ đề trách nhiệm xã hội trong giới đầu tư
Lần đầu tiên tôi được nghe trình bày bài bản về khái niệm đầu tư có trách nhiệm (socially responsible investing) là cách đây 6 năm, vào năm 2013, từ hai diễn giả: một người đến từ PRI (Principles for Responsible Investment) - tổ chức thiết lập các nguyên tắc về đầu tư có trách nhiệm, hình thành từ nhiều chương trình sáng kiến của Liên hợp quốc và những định chế đầu tư lớn nhất thế giới, và một diễn giả khác đến từ Aberdeen Asset Management, một trong những quỹ quản lý tài sản hàng đầu châu Âu (khi đó còn chưa sáp nhập với Standard Life).
Trong hiểu biết một cách lờ mờ của tôi khi đó thì đây là một phong cách đầu tư mà các quỹ tránh bỏ vốn vào những công ty hoạt động trong các ngành gây ô nhiễm môi trường, phát thải nhiều khí carbon và sử dụng nhiên liệu hóa thạch, lẫn những ngành công nghiệp “độc ác” như gây tệ nạn xã hội hay ảnh hưởng tới sức khỏe con người như casino, thuốc lá…
Tôi đã nghe đâu đó về những khái niệm này từ đồng nghiệp ở đại học lẫn đồng nghiệp cũ đang làm trong các quỹ đầu tư trước đó nhưng tôi không mấy chú ý.
Ngay cả sau hai bài trình bày rất hệ thống và nhiều thông tin đó, tôi vẫn còn nhiều ngờ vực với chủ đề này.
TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh.
Đó là vì, với tôi, ranh giới để phân biệt ngành công nghiệp hay công ty có trách nhiệm xã hội rất mong manh và câu chuyện đánh đổi giữa lợi nhuận và trách nhiệm xã hội đôi khi rất phức tạp.
Thứ nhất, các công ty “độc ác” thường mang lại lợi nhuận cao. Cho đến năm 2016, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng Barrier Fund, còn được gọi là Quỹ Độc Ác (Vice Fund) vì chỉ toàn đầu tư vào cổ phiếu các công ty thuốc lá, rượu bia, cờ bạc và vũ khí, luôn mang lại lợi nhuận vượt trội so với các quỹ đầu tư chỉ đầu tư vào các công ty có đạo đức.
Thứ hai, tại thời điểm năm 2013 và mãi đến những năm 2015, 2016, quan điểm lợi ích cổ đông là tối thượng vẫn là nền tảng trong nhiều chương trình dạy về kinh doanh.
Cho đến bây giờ, lợi nhuận vẫn là một trong những yếu tố cốt lõi của doanh nghiệp. Vậy thì, vì sao công ty hay quỹ đầu tư phải đánh đổi lợi nhuận cho trách nhiệm xã hội hay vấn đề đạo đức?
Vào lúc đó, đã có những đồng nghiệp thân thiết với tôi nghiên cứu về thành quả hoạt động của những công ty trong những chỉ số như FTSE4Good, chỉ số chứng khoán dành riêng cho những công ty được xếp loại có đạo đức và trách nhiệm xã hội mà FTSE bắt đầu khởi tạo từ năm 2001 và họ cho tôi biết là chỉ số này thường có kết quả đầu tư không tốt lắm so với thị trường chung.
Nếu đầu tư vào giá trị dài hạn, có trách nhiệm xã hội thật sự tạo ra lợi nhuận, FTSE4Good phải biểu hiện tốt hơn Quỹ Độc Ác hay chỉ số FTSE-All Share hoặc FTSE-100. Kết quả là ngược lại.
nhanh chóng nhận ra là mình sẽ bị lạc hậu rất nhanh sau 4 - 5 năm nữa và hoảng hốt đi tìm cách vá lại các lỗ hổng về quản trị rủi ro cũng như mất đi cơ hội huy động vốn rẻ qua các sản phẩm tài chính “xanh”, “sạch”
Hơn thế nữa, nhiều công ty trong FTSE 4Good có những báo cáo hời hợt về hoạt động liên quan đến môi trường, cộng đồng và quản trị (ESG) và việc một công ty được đưa vào và loại ra khỏi chỉ số này diễn ra thường xuyên và đôi khi gây tranh cãi. Một số đồng nghiệp khác thì cho biết họ nghi ngờ rằng đa số báo cáo ESG là kiểu điền theo biểu mẫu, làm cho có.
Những điều đó càng khiến tôi ngờ vực về chuyện đầu tư có trách nhiệm xã hội.
Thời gian trôi đi và tới nay, tôi nhận ra mình đã sai lầm. Khái niệm trách nhiệm xã hội lớn mạnh nhanh chóng trong giới đầu tư. Đến lúc này, đầu tư có trách nhiệm xã hội đang trở thành một dòng chính.
Gillian Tett, cây viết tài chính nổi tiếng của Financial Times mà nhiều người phải đấu giá để được ăn trưa cùng, đã tuyên bố như vậy trong bài viết “Đầu tư có trách nhiệm đã đạt đến điểm bùng phát” vào tháng 6/2019.
Lấy trường hợp phát hành hơn 1 tỷ USD trái phiếu “xanh” của Tập đoàn truyền thông Verizon đã được đăng ký mua vượt 8 lần số lượng có thể bán ra làm ví dụ, bà cho rằng, các lãnh đạo công ty đã nhận ra rằng cái giá phải trả cho việc phớt lờ các chủ đề trách nhiệm xã hội và môi trường có thể là vô cùng lớn.
Chí ít, các công ty phải tiếp cận nó như một phần trong chương trình quản trị rủi ro của công ty.
Cuối tháng 10/2019, Business Roundtable, một định chế do các nhà lãnh đạo của 181 công ty lớn nhất nước Mỹ đã chỉnh sửa một thông cáo kéo dài hai thập kỷ của họ từ “các công ty cổ phần tồn tại chủ yếu để phục vụ cổ đông” thành “mặc dù mỗi công ty trong chúng tôi đều hướng về phục vụ mục tiêu của doanh nghiệp, chúng tôi cũng phải có trách nhiệm cơ bản đối với các bên liên quan”.
Khái niệm “các bên liên quan” gồm khách hàng, nhân viên, nhà cung cấp, cộng đồng và cổ đông. Đây là một bước chuyển biến rất xa trong quan điểm tối thượng của công ty cổ phần, từ phục vụ cổ đông sang phục vụ một cộng đồng lớn hơn rất nhiều, mà nhiều thành phần trong đó có xung đột với lợi ích tài chính của cổ đông.
Cụ thể, công ty có thể được xem là thiếu trách nhiệm với các bên liên quan nếu họ có các thủ đoạn “ăn chặn” hay “nợ tiền” nhà cung cấp, ép giá nhà cung cấp, trả lương quá thấp cho nhân viên và gây ô nhiễm môi trường.
Nói cách khác, báo cáo ESG của công ty sẽ trở thành một phần giải trình hết sức trọng yếu của công ty để “các bên liên quan” giám sát và chất vấn hoạt động điều hành của chủ doanh nghiệp niêm yết.
Trách nhiệm của chủ doanh nghiệp niêm yết phải giải trình hiện tại không chỉ là về vấn đề lợi nhuận, tăng trưởng, cổ tức, mà còn là chênh lệch về lương lãnh đạo/lương trung bình nhân viên, về hoạt động kiểm soát các tác động tiêu cực đến môi trường mà công ty gây ra…
Công ty có thể vướng vào nhiều vụ kiện tỷ đô phải bồi thường cho hàng nghìn hay chục nghìn người nếu vi phạm những quy định về môi trường hay trách nhiệm xã hội.
Nguy cơ tụt hậu từ những tầm nhìn lạc hậu, làm cho có
Quỹ đầu tư ngoại như Dragon Capital khẳng định “đã đầu tư là đầu tư có trách nhiệm” .
Đương nhiên đó là chuyện ở châu Âu và Mỹ. Còn ở Việt Nam, việc thiếu quan tâm tới câu chuyện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng sẽ là sai lầm lớn và cái giá phải trả là vô cùng đắt đỏ.
Thứ nhất, rủi ro biến đổi khí hậu và xuống cấp môi trường sống được nhận diện rất rõ. Lũ lụt, hạn hán diễn ra tại nhiều nơi, chất lượng không khí xấu đi và gần đây, theonghiên cứu của Climate Central, gần như cả miền Nam Việt Nam sẽ ngập trong nước biển vào năm 2050.
Dù mô hình dự báo của Climate Central đúng hay sai, không thể phủ nhận biến đổi khí hậu, mà cụ thể là nước biển dâng lên, đã trở thành một rủi ro chủ chốt của nhiều công ty, chẳng hạn với ngành ngân hàng và bảo hiểm.
Nhiều công ty bảo hiểm sẽ đối mặt với rất nhiều yêu cầu bồi thường liên quan đến tổn thất do môi trường gây ra và có thể liên quan đến nhiều vụ kiện lớn nếu không chấp nhận bồi thường do những quy định mập mờ.
Báo cáo rủi ro môi trường đối với công ty bảo hiểm đang trở thành mối quan tâm chính của cơ quan quản lý ở Anh. Tương tự, ngành ngân hàng sẽ đối mặt với rủi ro cho vay các dự án chịu rủi ro môi trường như năng lượng, nông nghiệp, thậm chí là bất động sản và hạ tầng (xây dựng ở những nơi có thể bị sạt lở hay bị chìm dưới nước).
Không chỉ dừng lại ở những rủi ro bất khả kháng do thiên nhiên gây ra, công ty không có tầm nhìn hiện đại về trách nhiệm với xã hội và môi trường có thể bị động trước những rủi ro từ trên trời rơi xuống, chẳng hạn vụ việc cháy nhà xưởng Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Rạng Đông).
Công ty Rạng Đông hành xử sau vụ cháy có dấu hiệu lập lờ, thậm chí là gian dối khi cung cấp thông tin rằng, Công ty đã nghiên cứu sử dụng viên amalgam thay thế thủy ngân để sản xuất bóng đèn từ năm 2016, cho rằng các sản phẩm bị cháy đều vô hại với môi trường.
Mãi một tuần sau đó, lãnh đạo của Rạng Đông mới thừa nhận kho chứa sản phẩm rộng khoảng 6.000 m2 bị cháy hôm đó có 480.000 bóng đèn huỳnh quang chứa 9,6 kg thủy ngân lỏng (độc tính cao hơn viên amalgam).
Đây là một rủi ro về trách nhiệm xã hội, vì Công ty có thể bị kiện tập thể do thiếu trách nhiệm với môi trường.
Rạng Đông có thể “thoát” được trách nhiệm lần này, nhưng ai đảm bảo công ty khác sẽ thoát được, nhất là trong bối cảnh các hiệp định thương mại và đầu tư toàn cầu sẽ ngày càng “cài cắm” nhiều quy định về trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Ngày càng nhiều quỹ đầu tư nước ngoài mặc nhiên chấp nhận ký tuân thủ các quy định về trách nhiệm xã hội và môi trường trong quy định đầu tư của quỹ.
Vì vậy, họ sẽ phải rút vốn, thậm chí kiện công ty niêm yết nếu sau khi đầu tư phát hiện ra công ty không tuân thủ trách nhiệm xã hội.
Gần đây, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital chia sẻ rằng, “đã đầu tư thì phải đầu tư có trách nhiệm” khi trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư Chứng khoán về chủ đề ESG.
Những điều này là bằng chứng cho thấy công ty phớt lờ trách nhiệm xã hội và môi trường có thể nhanh chóng nhận ra là mình sẽ bị lạc hậu sau 4 - 5 năm nữa và hoảng hốt đi tìm cách vá lại các lỗ hổng về quản trị rủi ro cũng như mất đi cơ hội huy động vốn rẻ qua các sản phẩm tài chính “xanh”, “sạch” và “có đạo đức”, bởi vì đó là những thứ không thể xây dựng “cho có”, qua đêm.
Và nếu Việt Nam còn duy trì tham vọng là một trong những trung tâm tài chính của khu vực hay muốn được nâng hạng thành một thị trường mới nổi, đây sẽ sớm trở thành một rào cản. Rất nhiều quỹ đầu tư thụ động lẫn chủ động sẽ sớm bị hạn chế không được đầu tư vào một số thị trường không chỉ vì giới hạn về thanh khoản, về quy định bảo vệ cổ đông, hay room cho nhà đầu tư ngoại, mà còn là về các chỉ tiêu ESG.
Vì sao vậy? Đơn giản là vì một số quỹ đầu tư bắt đầu sẽ đưa các chỉ tiêu ESG vào trong các KPI để trả lương thưởng cho chuyên gia đầu tư và quản lý quỹ của mình, biến nó thành động lực để những chuyên gia này cân nhắc vấn đề ESG của những công ty mà mình đầu tư.
Đó là chưa kể ngày càng nhiều chuyên gia quản lý quỹ đầu tư thuộc thế hệ thiên niên kỷ (những người sinh ra trong giai đoạn 1980 - 2000), thế hệ này được đánh giá là ngày càng quan tâm tới trách nhiệm xã hội và môi trường theo các nghiên cứu xã hội học.
Xu thế hành vi theo nhân khẩu học sẽ quyết định xu thế tiêu dùng và đầu tư, cũng như trong thái độ hành xử đối với công ty niêm yết.
Châu Á vốn được xem là đi sau về lĩnh vực ESG so với châu Âu và Mỹ, nhưng gần đây Trung Quốc đã tỏ rõ tham vọng là họ muốn bắt kịp cuộc chơi này.
Động lực từ Trung Quốc sẽ dễ dàng kích thích phong trào ESG trong khu vực ASEAN, nhất là Singapore, vốn đang tham vọng trở thành trung tâm tài chính cạnh tranh với Hồng Kông. Việt Nam nếu không muốn tụt lại phía sau thì phải đi theo trào lưu này.
Những trở ngại trong thực tế
Ở Việt Nam, có một vài trở ngại đặc thù cần nhận ra trong việc tiếp nhận làn sóng ESG. Đó là Việt Nam là một thị trường phụ thuộc mạnh vào vốn ngân hàng. Điều này khiến cho trọng tâm của phong trào ESG ở Việt Nam phải khác đi.
Các công ty phớt lờ trách nhiệm xã hội có thể nhanh chóng bị lạc hậu sau 4 - 5 năm nữa. Nếu có tìm cách vá lại các lỗ hổng về quản trị rủi ro cũng như mất đi cơ hội huy động vốn rẻ qua các sản phẩm tài chính “xanh”, “sạch” và “có đạo đức”.
Nó không phải chỉ gói gọn trong công ty niêm yết, mà còn là với những nhà cung cấp vốn chủ yếu của nền kinh tế, đó là các ngân hàng. Các ngân hàng phải được khuyến khích đi đầu trong việc hạn chế cấp vốn hoặc áp đặt lãi suất cao hơn cho các dự án có rủi ro về trách nhiệm xã hội và môi trường, bằng cả “củ cà rốt” và “cây gậy” từ các cơ quan quản lý.
Đó cũng là cách giúp Việt Nam có thể thoát khỏi nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.
Điều đó cũng đúng với định hướng của Nghị quyết số 50-NQ/TW về hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong đó an ninh quốc gia và tăng trưởng bền vững đã được xác định là vấn đề trọng tâm.
Thế nhưng, làm sao thực thi được các đánh giá ESG một cách đáng tin cậy? Hầu hết các thảo luận ở trên sẽ là vô nghĩa nếu không có một bộ dữ liệu, phương pháp xếp hạng và đánh giá ESG đáng tin cậy ở Việt Nam, ít nhất là với công ty niêm yết và nếu ESG không được xếp vào một trong những cấu trúc cơ bản của chương trình quản trị rủi ro của công ty niêm yết và ngân hàng.
Làm sao làm được những điều đó nếu doanh nghiệp không bị bắt buộc phải cung cấp thông tin về ESG cho đại chúng?
Nói cách khác, việc triển khai chương trình ESG ở Việt Nam đang thiếu cả về hạ tầng (xếp hạng ESG, báo cáo ESG, thông tin về ESG) cho đến thượng tầng (các chương trình quản trị rủi ro theo đó ESG là một nhân tố rủi ro).
Những thiếu thốn đó hàm chứa cơ hội cho các sáng kiến đánh giá chất lượng ESG công ty, các bộ dữ liệu về ESG và những chương trình đào tạo về ESG và quản trị rủi ro cho doanh nghiệp. Và các công ty làm thực chất về ESG sẽ gặt hái những quả ngọt về dài hạn. Những quả ngọt đó phải được hình thành từ việc chế tài những công ty “làm cho có” hoặc làm sai thật nặng.