Nghị định 108 và Thông tư 195 vừa đưa vào thực hiện đã khiến các DN đồng loạt phản ứng và kêu cứu khắp nơi

Nghị định 108 và Thông tư 195 vừa đưa vào thực hiện đã khiến các DN đồng loạt phản ứng và kêu cứu khắp nơi

Doanh nghiệp rượu bia khốn đốn với thuế tiêu thụ đặc biệt

(ĐTCK) Gần đây, Hiệp hội Rượu Bia Nước giải khát (VBA) đại diện cho phần lớn DN trong lĩnh vực này tiếp tục gửi đơn thư và công văn tới hàng loạt cơ quan Chính phủ và Quốc hội, kêu cứu xem xét lại các quy định hướng dẫn thực hiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đó là Nghị định 108/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Thông tư 195/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định 108.

Có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, chỉ mới qua hơn 2 tháng áp dụng, hai văn bản này đang khiến các DN rượu, bia, nước giải khát khốn đốn về những thay đổi và điều chỉnh trong cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), cơ sở giá tính thuế.

Doanh nghiệp bị “ úp sọt”

Tại cuộc tọa đàm mới đây về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho rằng, Nghị định 108 và Thông tư 195 có hiệu lực thi hành quá gấp, các DN trong ngành đồ uống khó có thể điều chỉnh kịp thời các kế hoạch kinh doanh năm 2016, vì các kế hoạch hoạch này đã được xây dựng từ nhiều tháng trước đó.

Tại văn bản kiến nghị vừa gửi tới Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các ủy ban của Quốc hội, bà Virginia Foot, thành viên HĐQT Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) và bà Hương Vũ, Trưởng nhóm Công tác Thuế của VBF cũng nhấn mạnh các thay đổi về giá tính thuế TTĐB được ban hành một cách đột ngột khiến các ngành chịu ảnh hưởng, trong đó có lĩnh vực rượu, bia, nước giải khát không kịp thích ứng, gây tác động mạnh tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN, đồng thời ảnh hưởng đến sự ổn định của chính sách và môi trường đầu tư của Việt Nam.

Cùng quan điểm đề xuất của các DN, VBF kiến nghị hoãn thi hành Nghị định 108, Thông tư 195 và cùng với các DN, hiệp hội xem xét lại các bất cập của hai văn bản để có hướng điều chỉnh phù hợp. 

Hướng dẫn trái luật hay tận thu thuế?

Không chỉ có hiệu lực quá gấp gáp, hai văn bản nêu trên, theo đánh giá chung của các DN, là đưa ra nhiều điều chỉnh khó hiểu, rối rắm, không tiếp thu các ý kiến đóng góp về tình hình thực tiễn trước đó của các DN và VBA trong quá trình xây dựng. Thậm chí, có nhiều thay đổi một cách có chủ ý so với các quy định về cách tính thuế trong Luật Thuế TTĐB.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho biết, Luật Thuế TTĐB hiện hành quy định về giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra. Theo Luật, không có sự phân biệt giữa giá bán ra của cơ sở kinh doanh độc lập và cơ sở kinh doanh trong hệ thống thương mại. Tuy nhiên, Nghị định 108 và Thông tư 195 đã loại cơ sở kinh doanh trong hệ thống thương mại ra khỏi quy định về cơ sở thương mại, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN trong ngành.

Ông Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng cho rằng, nội dung hai văn bản nêu trên thực sự có vấn đề khi vừa đưa vào thực hiện đã khiến các DN đồng loạt phản ứng và kêu cứu khắp nơi.

“Cơ quan chủ quản và đơn vị ban hành là Bộ Tài chính có quan tâm tiếp thu các ý kiến của DN không, Bộ Công thương và VCCI có tiếng nói không? Các DN và Hiệp hội có góp ý trước khi Nghị định 108 và Thông tư 195 ra đời hay không?”, ông Khải đặt câu hỏi.

Trả lời vấn đề này, ông Việt khẳng định, VBA có được Bộ Tài chính mời và trực tiếp tham gia từ lúc soạn thảo, đồng thời đã có văn bản tập hợp ý kiến đóng góp của DN gửi Bộ này.

“Nhưng Bộ Tài chính không tiếp thu. Chúng tôi theo trình tự gửi văn bản phản ánh tới các bộ hữu quan, tiếp theo gửi Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội. Người đứng đầu Quốc hội đã cử cán bộ làm việc trực tiếp với Hiệp hội rồi gửi cho Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng chuyển xuống Bộ Tài chính tiếp nhận xử lý. Song Nghị định và Thông tư vẫn được ban hành và thực thi. Hiệp hội chỉ xin lùi thời hạn áp dụng, chứ không dám kiến nghị hủy văn bản pháp luật”, ông Việt nói.

Trước tình trạng này, ông Khải đặt vấn đề, cần có một cuộc đối thoại trực tiếp giữa VBA, các DN với Bộ Tài chính để làm sáng tỏ liệu có việc tận thu DN bằng cách ban hành văn bản trái với quy định của Luật.

“Tôi được biết, có quan điểm cho rằng, vì lợi ích nhóm một số người ở cơ quan tham mưu cố gắng thu thật tốt, đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách”, ông Khải nói và cho rằng, nếu 2 văn bản hướng dẫn nêu trên là trái luật thì nên kiến nghị dừng hẳn việc thi hành.

“Cái gì trái luật thì nên dừng lại hết”, ông Khải nhấn mạnh.  

Tin bài liên quan