Các showroom ô tô tấp nập sau khi chính sách giảm 50% phí trước bạ được áp dụng.

Các showroom ô tô tấp nập sau khi chính sách giảm 50% phí trước bạ được áp dụng.

Doanh nghiệp ô tô vượt dốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2021, đại dịch Covid-19 khiến hầu hết showroom ô tô đóng băng từ cuối quý II đến hết quý III, nhưng hoạt động của các doanh nghiệp đang khởi sắc trở lại.

Chính sách kích cầu tiêu dùng

Ngày 30/11/2021, anh Nguyễn Xuân Lộc chia sẻ với bạn bè hình ảnh chiếc Vinfast Lux SA 2.0 màu trắng vừa làm thủ tục hợp đồng đặt cọc mua. Thanh niên 9x hồ hởi khoe tài sản mới là chiếc ô tô sau một thời dài làm việc và tích lũy tài chính.

“Tôi chọn mua xe thời điểm này vì chính sách quá tốt, được giảm 150% phí trước bạ khi đi đăng ký. Hãng xe dành tặng ưu đãi 100%, còn 50% là ưu đãi từ Chính phủ”, anh Lộc nói và cho biết, với ưu đãi này, giá xe giảm đến 200 triệu đồng.

Tương tự, chị Nguyễn Khánh Hà đã quyết định mua xe Mercedes- Benz GLC 300 sau khi Nhà nước có chính sách giảm 50% phí trước bạ.

Theo Nghị định 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 của Chính phủ, từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022, mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu quy định hiện hành. Đây được coi là một cú huých đối với thị trường ô tô trong nước, cả doanh nghiệp sản xuất, đại lý phân phối và người tiêu dùng được hưởng lợi.

Tại thị trường ô tô Việt Nam hiện nay, xe sản xuất, lắp ráp trong nước đang có giá bán thấp nhất là 302 triệu đồng đối với Kia

Morning và cao nhất 4,69 tỷ đồng đối với Mercedes-Benz S 450

Luxury. Với việc giảm 50% phí trước bạ, người mua xe Kia Moring chỉ phải nộp phí 15,1 - 18,1 triệu đồng. Các dòng xe khác như Vinfast Fadil, Huyndai Accent, Toyota Vios…, phí trước bạ từ 19 - 29 triệu đồng.

Đối với dòng xe sang, người mua xe được hưởng lợi nhiều hơn. Như Mercedes-Benz lắp ráp trong nước có mẫu xe đắt nhất là S 450 Luxury, giá niêm yết 4,969 tỷ đồng, phí trước bạ trước đây từ 496,9 - 596,28 triệu đồng, nhưng nay giảm còn 248,45 - 298,14 triệu đồng.

Chính sách giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được coi là một cú huých tạo động lực để doanh nghiệp ô tô vượt qua khó khăn.

Có mặt tại một showroom ô tô ở Hà Nội sáng 1/12, người viết ghi nhận không khí mua xe khá tấp nập. Nhân viên tư vấn tại showroom Haxaco 46 Láng Hạ cho hay, nhiều mẫu xe không còn để bán. Một sự hứng khởi mới đang thổi vào ngành ô tô Việt Nam từ chính sách giảm 50% phí trước bạ. Đây là lần thứ hai, Chính phủ áp dụng chính sách này để hỗ trợ doanh nghiệp ô tô trong nước vượt qua khó khăn vì đại dịch Covid-19. Năm ngoái, phí trước bạ giảm 50% từ ngày 28/6 đến 31/12/2020.

Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã chứng khoán HAX) nhận xét, giảm phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng, hơn cả việc hỗ trợ, ưu đãi về lãi suất cho vay. Không chỉ doanh nghiệp hưởng lợi, mà xã hội cũng hưởng lợi.

Chính sách này góp phần kích cầu tiêu dùng, bởi người dân tăng mua xe sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng xăng dầu, cầu phà, bến bãi, đi du lịch..., giúp các lĩnh vực liên quan có thêm nguồn thu, việc làm.

Về phía Nhà nước, tuy ngân sách giảm thu từ phí trước bạ, nhưng nhu cầu mua xe gia tăng sẽ giúp các loại thuế khác thu được nhiều hơn như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.

“Xét cả trong ngắn hạn và dài hạn, chính sách giảm phí trước bạ đều tốt. Nhà nước không bị thất thu thuế, các doanh nghiệp ô tô nâng cao năng lực sản xuất... Một vấn đề vô cùng quan trọng là thu hút được dòng tiền nhàn rỗi trong dân. Trong bối cảnh đất nước khó khăn như hiện nay, việc này rất có ý nghĩa”, lãnh đạo Haxaco nói.

Doanh nghiệp kỳ vọng bức tranh tài chính sáng trở lại

Báo cáo tài chính quý III/2021 cho thấy, hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh ô tô thua lỗ. Cụ thể, Công ty cổ phần City Auto (mã chứng khoán CTF) lỗ 7,17 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 935 triệu đồng.

Tương tự, Haxaco lỗ 33 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 51 tỷ đồng. Đầu năm 2021, doanh nghiệp này đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 126 tỷ đồng, sau đó kỳ vọng thị trường sẽ phát triển tốt nên điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế lên 200 tỷ đồng.

Nhưng làn sóng Covid-19 lần thứ tư ập đến khiến các showroom Haxaco phải đóng cửa trong thời gian dài, kế hoạch kinh doanh đề ra gần như bất khả thi, lũy kế 9 tháng đầu năm mới đạt 44,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico, mã chứng khoán SVC) đặt kế hoạch doanh thu năm 2021 đạt 17.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 236 tỷ đồng, nhưng thực tế quý III lỗ 50,6 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lãi 68 tỷ đồng).

Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh ô tô dần sáng trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát, biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ. Đơn cử, trong tháng 11, Haxaco đã bán được hơn 400 xe. Với chính sách giảm phí trước bạ có hiệu lực từ đầu tháng 12, doanh nghiệp kỳ vọng tháng cuối năm 2021 sẽ có sự bùng nổ về doanh số.

“Haxaco kỳ vọng có thể đạt kế hoạch 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2021 như Hội đồng quản trị đề ra, nếu triển vọng thị trường tốt; trường hợp thị trường vẫn xấu, lợi nhuận dự kiến đạt 180 tỷ đồng”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Haxaco chia sẻ.

Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, doanh số ô tô tại thị trường Việt Nam phục hồi mạnh từ tháng 10 nhờ vào hai yếu tố chính là sự trở lại hoạt động của tất cả các đại lý ô tô trên toàn quốc và chính sách giảm 50% phí trước bạ được áp dụng từ 1/12/2021.

Động lực tăng trưởng đang lan tỏa mạnh mẽ trong khối ngành sản xuất, kinh doanh ô tô. Các doanh nghiệp đang nỗ lực vượt qua khó khăn để tiến về đích 2021.

Sáu tháng đầu năm 2020, lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là hơn 102.900 xe, bình quân gần 17.600 xe/tháng. Sau khi lệ phí trước bạ giảm 50%, số xe đăng ký tăng gấp đôi trong nửa cuối năm 2020. Nhờ đó, số thu phí trước bạ tuy giảm 7.314 tỷ đồng, nhưng tổng số thu ngân sách nhà nước tăng 14.110 tỷ đồng.

Năm 2021, dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp khiến ngành ô tô gặp nhiều khó khăn. Trong quý III/2021, số xe đăng ký trước bạ lần đầu bình quân là 16.200 xe/tháng, giảm gần một nửa so với bình quân quý II. Sang tháng 10/2021, doanh số tăng lên, nhưng vẫn giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Với chính sách giảm phí trước bạ mới, riêng ngày đầu tiên có hiệu lực (1/12/2021), số ô tô nội địa đăng ký nộp phí trước bạ đạt 11.826 xe.

Tin bài liên quan