Doanh nghiệp ở ngưỡng nào trong thang điểm đánh giá sơ khảo?

Doanh nghiệp ở ngưỡng nào trong thang điểm đánh giá sơ khảo?

(ĐTCK) Điểm khác biệt trong Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (BCTN) năm 2017 đó là các tiêu chí đánh giá được dựa theo Thông tư số 155/2015/TT-BTC, thay vì theo Thông tư số 52/2012/TT-BTC như Cuộc bình chọn năm 2016. 

Sau quá trình chấm điểm sơ khảo cho các DN niêm yết tại sàn HNX, chúng tôi chia sẻ một số đánh giá và khuyến nghị để các DN làm tốt hơn ấn bản này.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội

Năm nay, HNX có 349 doanh nghiệp niêm yết tham gia Cuộc bình chọn. Sau vòng sơ khảo, kết quả có 48 DNNY trên HNX trên tổng số 125 DNNY có BCTN được vào vòng chung khảo. Các DN có số điểm chấm sơ khảo BCTN cao ở cuộc bình chọn năm ngoái tiếp tục giữ vững được phong độ như BVS, ACB, ALT, VCS, PGS, NTP, TNG, DBC, CPC, DBT, SHS, SHB, VXB... Bên cạnh đó, một số doanhh nghiệp khác có Báo cáo phát triển bền vững vào vòng chung khảo như DNY, HHC, HOM, HTC, KKC, L35, NET, PIC, PMP, PLC, PTI, PVC, TV2, TV4, VBC, VNR...

Các doanh nghiệp niêm yết có điểm chấm sơ khảo BCTN cao là các DN nắm rất chắc các thay đổi về quy định pháp lý hiện hành liên quan đến hướng dẫn lập BCTN, hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong lập BCTN, đồng thời biết chú trọng, đầu tư cả về chất lượng nội dung và hình thức báo cáo.

Việc trình bày một BCTN đẹp, sáng tạo từ hình ảnh đến cách sắp xếp nội dung, cộng với chất lượng thông tin công bố đầy đủ, minh bạch có khả năng mang đến nhiều điều thú vị và bất ngờ cho cổ đông cũng như những nhà đầu tư tiềm năng, qua đó thể hiện sự tôn trọng cổ đông và cơ hội thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới.

Tuy nhiên, nhiều DN trên HNX chưa có được sự chú trọng cần thiết trong quá trình lập BCTN. Việc lập BCTN của các DN này đang dừng lại ở mức tuân thủ quy định về công bố thông tin, nhiều báo cáo mặc dù đầy đủ các đầu mục theo mẫu BCTN quy định tại Thông tư 155/2015/TT-BTC nhưng nội dung còn sơ sài và thiếu thông tin.

Nhiều DN vẫn còn tâm lý ngại chia sẻ các thông tin liên quan đến tình hình tài chính, không chỉ các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh chưa tốt mà ngay cả các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt cũng chưa biết cách nhấn mạnh và chia sẻ thông tin, dẫn đến kết quả điểm chấm cho nội dung này thường thấp.

Theo thống kê, gần 50% số công ty được chấm chỉ đạt trung bình 50% tổng số điểm mục này. Các thông tin ít được nêu chi tiết trong BCTN như: những phân tích về chiến lược trung, dài hạn của công ty, những thay đổi trong chiến lược kinh doanh, đánh giá, phân tích sâu về nguyên nhân thay đổi doanh thu, lợi nhuận, chi phí, thị trường, sản phẩm, nguồn cung cấp; tiến độ và tình hình thực hiện các dự án (đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản), tình hình tài chính của các công ty con.

Một khía cạnh khác mà các DN cũng dễ bị mất điểm là về các nội dung trọng yếu trong báo cáo đánh giá của Ban giám đốc, đó là thiếu đánh giá hoặc chưa có đánh giá, phân tích chuyên sâu về hiệu quả sử dụng tài sản, các khoản phải thu xấu, phải trả xấu và tài sản xấu, ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá hối đoái đến kết quả kinh doanh, ảnh hưởng của chênh lệch lãi vay, phương án phát triển ngắn, trung và dài hạn.

Hoặc nhiều báo cáo có nội dung về báo cáo tác động đến môi trường và xã hội chưa đầy đủ. Đây là điểm mới trong BCTN năm nay, là nội dung bắt buộc phải có theo quy định và cũng là một điểm yếu của nhiều DN trên HNX khi chưa nắm bắt được quy định mới hoặc chưa biết cách trình bày về báo cáo tác động đến môi trường và xã hội dẫn đến điểm trung bình bị thấp.

Những điểm Doanh nghiệp cần chú trọng để làm tốt hơn

Với mong muốn các doanh nghiệp chú trọng hơn đến việc đầu tư xây dựng BCTN, qua đó ngày càng thể hiện tính chuyên nghiệp hơn trong quan hệ với cổ đông công ty, cũng như góp phần thu hút mạnh mẽ vốn góp của các nhà đầu tư tiềm năng, HNX đưa ra một số khuyến nghị với các DN.

Thứ nhất, BCTN nên bám sát vào mẫu hướng dẫn về cách lập BCTN tại  Thông tư 155/2015/TT-BTC, nhưng nội dung cần có thêm phân tích đánh giá chuyên sâu, đầy đủ hơn. Cách trình bày vấn đề cũng cần sáng tạo, hấp dẫn, làm cho báo cáo trở thành phương tiện giao tiếp hữu ích giữa Ban quản trị, Ban điều hành và các cổ đông.

Ngoài ra, để đạt điểm cao, doanh nghiệp cũng cần tập trung vào các tiêu chí trọng yếu và điểm thưởng mà Ban tổ chức đã đề ra và công bố, hướng dẫn. Đối với các nội dung đã quy định theo mẫu BCTN tại Thông tư, nếu lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp không có một số nội dung nào đó hoặc không có ảnh hưởng gì thì nên ghi rõ trong BCTN.

Việc thể hiện rõ có/không có các nội dung này giúp doanh nghiệp không bị mất điểm một cách đáng tiếc.

Thứ hai, các nội dung về quản trị công ty và phát triển bền vững cần được chú trọng nhiều hơn, do đó các doanh nghiệp cũng nên trình bày báo cáo riêng về quản trị và phát triển bền vững. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp có được đánh giá tốt về tầm nhìn của công ty, cũng như ghi nhận các cam kết của công ty đối với môi trường, xã hội, mà còn tạo thông lệ tốt cho bản thân công ty trong cả quá trình hoạt động và phát triển hướng tới các thông lệ quốc tế tốt nhất.

Thứ ba, đối với các doanh nghiệp muốn thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, BCTN bằng tiếng Việt cũng nên được lập song song với BCTN tiếng Anh. Ngoài việc có được điểm thưởng, BCTN tiếng Anh cũng là phương tiện hữu ích giúp nhà đầu tư nước ngoài hiểu rõ hơn, nhanh hơn về quá trình và kết quả hoạt động sản xuất trong năm của doanh nghiệp, cũng như tầm nhìn và sự cam kết của Ban quản trị, Ban điều hành công ty về định hướng phát triển của công ty.

Để lập một BCTN tốt, doanh nghiệp cần có một sự đầu tư nghiêm túc. Việc xây dựng một BCTN minh bạch, chuẩn mực và sáng tạo cũng là cách giúp các doanh nghiệp tiếp cận với cổ đông hiện tại và tiềm năng, từ đó tạo thêm những giá trị vô hình cho DN. Đó là một khoản đầu tư xứng đáng để DN tự soi chiếu vào mình mỗi năm, xác lập con đường và dẫn dắt niềm tin của công chúng. 

Tin bài liên quan