2 thương hiệu “vang bóng một thời”
Dự kiến chào sàn vào 10/7 tới đây, CTCP Lương thực thực phẩm Colusa-Miliket (CMN) là cái tên đáng chú ý nhất.
Sản phẩm mì gói Miliket với hình ảnh “hai con tôm” của CMN từng có thời gian thống trị thị trường mì ăn liền Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây không còn duy trì được vị thế khi các thương hiệu trong và ngoài nước như Vina Acecook, Masan, Asia Foods tham gia thị trường. Hiện thị phần kinh doanh mì gói của CMN ở Việt Nam chỉ còn khoảng 4% (theo số liệu CMN cung cấp).
Với mức lãi ròng hằng năm từ 20-31 tỷ đồng trong 5 năm gần nhất, tình hình kinh doanh CMN không tệ, song không thể phủ nhận đà đi xuống của CMN.
Năm 2016, CMN đạt doanh thu 458,87 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 19,69 tỷ đồng, giảm tương ứng 3,82% và 36,76% so với năm 2015. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, doanh thu CMN sụt giảm, mức lợi nhuận 2016 cũng là thấp nhất trong 5 năm qua. Cổ tức giai đoạn 2013-2015 duy trì 30-35%, cũng đã giảm xuống 25% trong năm 2016.
Dẫu vậy, trong năm 2017, với kỳ vọng về việc phát triển sản phẩm mới, mở rộng được thị trường và cải thiện công tác phân phối, CMN đặt mục tiêu doanh thu thuần 575 tỷ đồng và lãi sau thuế 22,4 tỷ đồng, đều tăng mạnh so với thực hiện 2016.
Một doanh nghiệp có thương hiệu gây chú ý một thời cũng chuẩn bị lên UPCoM là CTCP Thực phẩm Hà Nội (HAF), công ty con của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). Dù sở hữu chuỗi cửa hàng Haprofood, song HAF lại không duy trì được hiệu quả với ngành nghề chính.
Năm 2017, HAF đặt kế hoạch doanh thu 170 tỷ đồng, giảm 3 tỷ đồng so với doanh thu 2016, lợi nhuận sau thuế mục tiêu là 13 tỷ đồng, trong khi 2016 lỗ 13,6 tỷ đồng. Cơ sở để đặt mục tiêu lãi “khủng” trong 2017 được HAF cho biết đến từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại số 112 Phố Huế (dự kiến mang về 17,8 tỷ đồng).
Tại thời điểm cuối năm 2016, theo ý kiến của kiểm toán, HAF còn gặp nhiều vấn đề về tài chính như một số khoản cho vay, khoản phải thu khách hàng chưa thu hồi và chưa được trích lập dự phòng, bên cạnh khoản lỗ nặng tại công ty con là CTCP Thương mại dịch vụ Bắc Qua.
Chào sàn giá cao, doanh nghiệp nông sản có gì hấp dẫn?
Cũng chào sàn vào 10/7, CTCP Lương thực Bình Định (BLT) sẽ giao dịch với giá khởi điểm 41.500 đồng/CP. BLT có hoạt động chính là chế biến các mặt hàng lương thực và nông sản, trong đó sản phẩm chính là gạo và sắn lát.
Ở thị trường trong nước, địa bàn kinh doanh chủ yếu của BLT tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM. Tuy nhiên, xuất khẩu mới là thị trường chính của BLT (chiếm 85% doanh thu năm 2015 và 97% năm 2016).
Trong các năm gần đây, doanh thu và lợi nhuận BLT liên tục sụt giảm, từ mức hơn 1.000 tỷ đồng năm 2013 xuống còn 580,8 tỷ đồng năm 2016. Mặc dù vậy, BLT vẫn duy trì mức lợi nhuận từ 21-26 tỷ đồng mỗi năm. Nhờ đó, BLT vẫn chia cổ tức đều đặn cho cổ đông ở mức từ 22-25% trong 3 năm qua.
Gây ấn tượng bởi giá chào sàn lên tới 55.000 đồng/CP, CTCP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (APF), doanh nghiệp chuyên sản xuất tinh bột sắn và cồn Ethanol này cũng có chỉ số kinh doanh đáng chú ý.
Báo cáo kết quả kinh doanh 2 năm gần nhất của APF ghi nhận doanh thu đạt lần lượt 3.267,6 tỷ đồng và 2.850 tỷ đồng. Lợi nhuận năm 2015 và 2016 tương ứng là 103,5 tỷ đồng và 78,9 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt lần lượt 23,6% và 19,1%. EPS năm 2015, 2016 là 7.663 đồng và 6.740 đồng.
Mức giá cổ phiếu cao của APF cũng phần nào được lý giải qua mức trả cổ tức hào phóng của doanh nghiệp này. Tỷ lệ cổ tức năm 2015, 2016 lần lượt là 66,2% và 50,2% đều bằng tiền mặt. Kế hoạch chi trả cổ tức năm 2017 là 40% vốn điều lệ.
Kết thúc năm 2016, các khoản nợ của APF là 1.416,7 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu 379 tỷ đồng. Theo APF, Công ty gặp áp lực trong việc quay vòng vốn và thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Cũng bởi vậy, trong 2 năm tới, APF đưa ra lộ trình tăng vốn điều lệ từ 90,78 tỷ đồng lên 130,7 tỷ đồng và 156,8 tỷ đồng. Cùng với quy mô này, mức lợi nhuận ròng năm 2018 mà APF phấn đấu là 140 tỷ đồng. Cổ tức từ 40-50%.
APF có tỷ lệ cổ phiếu tự do giao dịch cao, với gần 90% cổ phiếu nằm trong tay cổ đông nhỏ lẻ, song thanh khoản trên sàn không mấy sôi động. Sau gần 1 tháng giao dịch, giá APF leo lên mức 60.000 đồng/CP.
Ngoài APF, có 2 cái tên khác đã gia nhập UPCoM từ đầu tháng 6 là CTCP Bột mỳ Vinafood 1 (BMV) và CTCP Nông lâm nghiệp Bình Dương (AFC). Trong khi 5 tháng đầu năm, chỉ có 3 doanh nghiệp trong lĩnh vực lương thực-thực phẩm lên UPCoM là CTCP Lương thực TP.HCM (FCS), CTCP Thủy hải sản Việt Nhật (VNH) và CTCP Thủy đặc sản (SPV).