Theo đại diện các doanh nghiệp trong Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA) trực thuộc Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có quy mô nhỏ, khó tiếp cận được cơ hội vay nguồn vốn có chi phí rẻ.
Trong khi đó, đa số ngân hàng thương mại Việt Nam chỉ cho vay nguồn vốn ngắn và trung hạn với lãi suất không thật sự ưu đãi.
Thiếu vốn khiến các doanh nghiệp không có dòng tiền để đầu tư cho sản xuất, chứ chưa nói đến đầu tư áp dụng công nghệ, nâng cao năng suất. Trong khi đó, công nghệ lạc hậu thì chi phí sản xuất cao, giá thành không thể cạnh tranh, doanh nghiệp không có lợi nhuận.
“Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, Chính phủ cần nghiên cứu, tạo cơ chế xây dựng nguồn vốn đầu tư dài hạn cho nông nghiệp, ví dụ mô hình quỹ hưu trí tự nguyện nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, người lao động và doanh nghiệp có nhiều lựa chọn thích hợp để tích lũy cho hưu trí, thị trường vốn có thêm các nhà đầu tư, các tổ chức trong nước tham gia lâu dài, nâng cao tính ổn định của thị trường vốn”, đại diện DAA gợi ý giải pháp cho vấn đề.
Trong lĩnh vực sản xuất cà phê, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao cho hay, thiếu vốn luôn là vấn đề nan giải khiến doanh nghiệp sản xuất cà phê gặp khó khăn trong việc đầu tư cho tái canh và nâng cao giá trị khâu chế biến sau thu hoạch.
Đây là các công đoạn có tính quyết định làm tăng giá trị của ngành xuất khẩu cà phê trị giá hàng tỷ USD cũng như duy trì vị thế xuất khẩu của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.
“Mỗi năm, xuất khẩu cà phê nhân của Việt Nam chỉ được hưởng 1/20 trong chuỗi giá trị cà phê thế giới trị giá khoảng 500 tỷ USD. Do đó, để tăng giá trị hạt cà phê, phải đầu tư vào rang xay, hòa tan và các sản phẩm chế biến khác.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp giải được bài toán này, không thể thiếu vai trò của các ngân hàng trong việc bố trí nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn với lãi suất hợp lý và chi phí bảo lãnh các nguồn vay trung hạn để đầu tư”, ông Tự nói.
Ở lĩnh vực thủy sản, vốn là ngành phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp cũng đang “đau đầu” khi phải vay vốn ngoại tệ với lãi suất và chênh lệch tỷ giá cao.
“Lãi suất cho vay bằng USD của BIDV hiện nay là 4,8 - 5,2%/năm cho khoản cho vay thời hạn 6 tháng. Với lãi suất này, doanh nghiệp xuất khẩu khó có thể có lãi, vì lợi nhuận thấp.
Nhu cầu vay USD là có thật, vì vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, các ngân hàng cần gia hạn cho vay USD và lãi suất phải theo các nước khác, khoảng 1,5%/năm”, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị.
Theo VASEP, trong khi gửi USD vào ngân hàng thì lãi suất 0%/năm, nhưng ngân hàng cho vay lại áp lãi suất 4 - 5%/năm. Như vậy, lợi nhuận chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay USD ở mức cao. Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản phải chuyển sang vay VND, rất bất lợi cho doanh nghiệp.
Vấn đề chênh lệch tỷ giá gần đây cũng khiến nhiều doanh nghiệp lao đao vì không cạnh tranh được về giá thành.
Gần đây, mức độ chênh lệch tỷ giá đang có có xu hướng gia tăng khi nhiều nơi trong khu vực phá giá đồng tiền ở mức cao như Đài Loan phá giá 5%, Indonesia 7%, Malaysia 7%, Philippines 6%, trong khi mức chênh lệch tỷ giá giữa VND và USD được kiểm soát không quá 2% trong năm 2018 vô hình trung gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp trong nước.
Với cơ cấu giá thành sản phẩm hiện nay, giá thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, khiến doanh nghiệp Việt Nam bị mất khách hàng, đặc biệt là khách hàng tại Thái Lan và Trung Quốc, còn nhà nhập khẩu nước ngoài có cơ hội ép doanh nghiệp Việt Nam phải hạ giá, dẫn tới thiệt đơn, thiệt kép.
Trong bối cảnh này, VASEP kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh tỷ giá USD/VND trong tương quan với tỷ lệ điều chỉnh tỷ giá của các nước trong khu vực để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.
Bên cạnh đó, hiệp hội này đề nghị các ngân hàng thương mại khi cho vay xuất khẩu phải mở rộng loại hình cho vay kinh doanh như vay cho tài sản cố định chứ không chỉ cho vay vốn lưu động.
“Khi đầu tư, mở rộng nhà xưởng, sửa chữa máy móc, thiết bị, phát lương…, ngân hàng không cho vay là gây khó cho doanh nghiệp”, đại diện VASEP nói.
Cùng với giải quyết khó khăn về vốn, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ nên xem xét lại chính sách thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; bỏ thuế xuất khẩu hàng nông sản, thuế nhập khẩu công nghệ ứng dụng cho nông nghiệp; đánh thuế một lần cho thu nhập vì người góp vốn trong các doanh nghiệp nông nghiệp vừa chịu thuế thu nhập cá nhân, vừa chịu thuế thu nhập doanh nghiệp với các khoản doanh thu, lợi nhuận từ nông nghiệp.
Đồng thời, xem xét miễn thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành, khu vực địa lý cần thu hút đầu tư trọng tâm, trọng điểm, miễn giảm thuế cho các chi phí minh bạch của doanh nghiệp thuộc diện chi phí cho hạng mục Nhà nước khuyến khích thực hiện như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.