Nhiều doanh nghiệp rộng cửa với khối ngoại
Theo phân tích của PGS. TS Vũ Anh Dũng, Phó hiệu trưởng Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng Hội đồng giám khảo Thương vụ M&A tiêu biểu Việt Nam 2017, một trong những điểm kém thu hút nhà đầu tư ngoại của doanh nghiệp Việt là tỷ lệ cổ phần bán cho nhà đầu tư ngoại bị hạn chế.
Không chỉ vì quy định giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại (từ 49% trở xuống) trước kia, mà còn xuất phát từ một thực tế là tại các công ty nhà nước cổ phần hóa, cổ đông nhà nước vẫn muốn nắm giữ cổ phần chi phối, trong khi tại nhiều công ty tư nhân quy mô lớn, các cổ đông trong nước cũng không muốn tỷ lệ lớn cổ phiếu rơi vào tay nhà đầu tư ngoại.
Trong khi hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đều muốn nắm tỷ lệ chi phối để có thể can thiệp vào công tác quản trị cũng như xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
Kể từ khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP được ban hành, có gần 20 doanh nghiệp thực hiện các thủ tục nâng tỷ lệ sở hữu tối đa cho các nhà đầu tư ngoại. Vì vậy, nới room đã trở thành câu chuyện “nóng” trong mùa đại hội cổ đông năm nay. Cổ phiếu của các doanh nghiệp có kế hoạch nới room theo đó cũng được các nhà đầu tư săn tìm.
Đơn cử, CTCP Dược phẩm Hậu Giang, doanh nghiệp đầu ngành dược nội địa, với SCIC đang là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 43,31%, mới đây đã xin ý kiến đại hội đồng cổ đông về việc nâng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư ngoại. Điều này gây bất ngờ lớn cho cổ đông của DHG.
Giới chuyên gia ngành chứng khoán phân tích, hành động nới room của Dược Hậu Giang cho thấy tư duy mở của lãnh đạo khi đã gỡ bỏ hoàn toàn giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, nhằm đạt được tối đa các lợi ích từ việc thu hút thêm nguồn vốn nước ngoài. Kế hoạch của Dược Hậu Giang đã nhận cái gật đầu đồng thuận của cổ đông, theo đó doanh nghiệp này mở room ngoại lên trên 49%.
Với quyết định mở room của Dược Hậu Giang, thị trường kỳ vọng, tới đây, doanh nghiệp này sẽ thu hút thêm cổ đông chiến lược nước ngoài, bên cạnh cổ đông chiến lược ngoại hiện tại là CTCP Chế tạo thuốc Taisho (nắm giữ 24,44% vốn). Đến nay, dù chưa có thông tin cụ thể về thời gian chính thức nới room của Dược Hậu Giang, nhưng cổ phiếu DHG đang được giới đầu tư mua bán tích cực.
Quý II vừa qua, Dược Hậu Giang ghi nhận doanh thu 1.031 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 186 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm 2016. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Dược Hậu Giang có doanh thu thuần 1.808 tỷ đồng, tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 360 tỷ đồng, tăng 17,2%.
CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) và CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP) là hai doanh nghiệp được khối ngoại “nhòm ngó” sau khi SCIC thông báo thoái vốn toàn bộ tại hai doanh nghiệp này trong năm 2017 và cổ đông của BMP, NTP đã thông qua kế hoạch nới room 100% tại Đại hội cổ đông hồi đầu năm. Nhựa Bình Minh và Nhựa Thiếu niên Tiền phong là hai doanh nghiệp lớn, thống trị ngành ống nhựa xây dựng Việt Nam với hiệu quả kinh doanh tốt.
BMP khá sốt sắng với việc nới room, tìm nhà đầu tư chiến lược. Mới đây nhất, vào tháng 6/2017, ngay khi nhận được công văn phản hồi của Bộ Công Thương khẳng định hai ngành nghề kinh doanh của BMP là hoạt động xuất khẩu, phân phối nguyên liệu, hóa chất và hoạt động dịch vụ kiểm tra và phân tích kỹ thuật không nằm trong diện hạn chế sở hữu nước ngoài, công ty này cho biết hiện đã gửi văn bản trả lời của Bộ Công thương sang Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và chờ được thông qua mở room.
Nhiều doanh nghiệp cũng phát đi tín hiệu sẽ nới room để thu hút dòng vốn ngoại như CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM), Tổng CTCP PVI, CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC), CTCP Tập đoàn KIDO (KDC). Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KIDO cho hay, hiện nhiều nhà đầu tư đến từ Singapore, Thái Lan, Indonesia đang muốn rót vốn vào KIDO để cùng hợp tác phát triển.
Bắt tay với các doanh nghiệp ngoại cũng là bước đi để KIDO có đủ lực, nhanh chóng ra mắt các sản phẩm mới, gia tăng độ phủ thị trường. Tham vọng của KIDO là vươn ra chinh phục một số ngành hàng mới như nước chấm, sản phẩm đồ uống (từ sữa), thịt gà…
Ông Nguyên tiết lộ, tính đến cuối năm 2016, Công ty đang có 50,99 triệu cổ phiếu quỹ, chiếm gần 20% vốn với giá trị sổ sách là 1.959,5 tỷ đồng. KDC dự tính sẽ bán lượng cổ phiếu quỹ này khi có đối tác mua với giá trên 50.000 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, năm 2016 -2017, KIDO nằm trong danh sách những doanh nghiệp Việt tích cực nhất trong các thương vụ M&A tại Việt Nam với chiến lược mua và bán chủ động, nổi bật là tiếp tục nâng cao sở hữu chi phối tại Vocarimex và IPO Công ty Kem Kido.
Hút vốn ngoại để có những chiến lược dài hơi trong chinh phục thị trường quốc tế, CTCP Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) cũng xem xét nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2017.
Theo ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HBC, đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam cần có tư duy toàn cầu và việc thu hút dòng vốn ngoại là bước đi cần thiết để tăng cường sức mạnh, vươn ra gặt hái thành công ở nước ngoài.
Hiện HBC đang có mặt ở các thị trường Myanmar, Malaysia, Trung Đông, Nhật Bản, Quatar… Công ty đang chuẩn bị những kế hoạch lớn hơn để gặt hái thành công trên thị trường thế giới.
Hoạt động nới room của hàng loạt doanh nghiệp niêm yết như Dược Hậu Giang, KIDO, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền phong, Xây dựng và địa ốc Hòa Bình đang góp phần đem lại nguồn cung lớn, thúc đẩy dòng vốn ngoại gia nhập thị trường M&A.
M&A sẽ bùng nổ
Dòng vốn ngoại rất quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam, xem đây là thị trường nhiều tiềm năng. Ở phía khác, theo PGS. TS Vũ Anh Dũng, nới room để thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, nhằm cải thiện quản trị doanh nghiệp, tăng cường năng lực tài chính, thị trường và thương hiệu đang là hướng đi được nhiều doanh nghiệp niêm yết lựa chọn.
Về lý thuyết thì khi rào cản tỷ lệ sở hữu được gỡ bỏ, nhà đầu tư ngoại sẽ có cơ hội gom mua tỷ lệ lớn cổ phiếu trong doanh nghiệp nội.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, không phải cứ nới room là các doanh nghiệp đều hấp dẫn được dòng vốn ngoại. Thực tế cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các doanh nghiệp có quy mô lớn, có tiềm năng phát triển.
Trong khi đa số doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam chỉ có quy mô vốn điều lệ từ 50 - 80 tỷ đồng, tương đương 2 - 4 triệu USD, vốn hóa khoảng 5 - 10 triệu USD. Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp này yếu, mô hình kinh doanh thiếu bền vững nên cũng không phải là đối tượng được các nhà đầu tư ngoại quan tâm.
Trong trường hợp doanh nghiệp quy mô lớn, kinh doanh hiệu quả, nhà đầu tư ngoại đã chiếm được cổ phần chi phối (trên 50%) và họ đã tham gia sâu vào việc quản trị điều hành doanh nghiệp thì việc tăng thêm tỷ lệ sở hữu không có nhiều ý nghĩa trong việc thu hút nhà đầu tư ngoại. Đôi khi, việc gia tăng tỷ lệ sở hữu còn có thể gây tốn kém hơn cho nhà đầu tư ngoại.
Một hạn chế khác là tính minh bạch của doanh nghiệp. Nhà đầu tư vẫn e ngại về tính chính xác của các thông tin trên báo cáo tài chính, nhất là khi chuẩn mực kế toán Việt Nam còn nhiều điểm chưa khớp với chuẩn mực kế toán quốc tế.
Ngoài ra, nhà đầu tư ngoại vẫn còn gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận thông tin về đối tượng tiềm năng (bên bán, chuyển nhượng). Khắc phục được những điểm yếu này thì doanh nghiệp trong nước mới kỳ vọng gia tăng sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại.
Song song với việc cải thiện nguồn cung như trên thì Nhà nước cũng cần tháo gỡ về cơ chế, chính sách như chính sách cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp lớn, cải thiện điểm nghẽn “nới room” đối với nhà đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực được coi là nhạy cảm như ngân hàng.
Theo các chuyên gia, lĩnh vực ngân hàng Việt Nam luôn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài và nằm trong kế hoạch tái cấu trúc ngành ngân hàng, Chính phủ đã mở cửa cho nhà đầu tư ngoại vào mua ngân hàng 0 đồng và để ngỏ khả năng cho phép một số ngân hàng yếu kém bán cổ phần với tỷ lệ lớn cho nhà đầu tư ngoại…
Theo thống kê, các thương vụ có nhà đầu tư ngoại chiếm 77% về tổng giá trị M&A tại thị trường Việt Nam. Đa số các thương vụ có quy mô lớn hơn 20 triệu USD gần như đều có mặt của bên mua hoặc bên bán là nhà đầu tư ngoại. Điển hình trong số này là các nhà đầu tư đến từ Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản.
Trong một số lĩnh vực như bất động sản hoặc sản xuất, đã bắt đầu có sự tham gia của nhà đầu tư Trung Quốc. Cùng với hoạt động thoái vốn và cổ phần hóa hàng loạt doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, việc mở room của nhiều công ty niêm yết được dự báo sẽ tạo sự bùng nổ cho thị trường M&A.
Một đặc điểm đáng chú ý là xu hướng các tập đoàn quốc tế mua lại các khoản đầu tư từ các quỹ đầu tư. Các quỹ đầu tư sau một thời gian nắm giữ có thể thoái khoản đầu tư để hiện thực hóa lợi nhuận, trong khi đó các công ty nước ngoài có thể mua một lượng cổ phần lớn, thậm chí có thể chi phối hoặc có vai trò lớn trong công ty mục tiêu.
Với xu hướng này, các quỹ đầu tư và các tổ chức trung gian đang đóng vai trò là xúc tác cho các thương vụ. Điển hình như thương vụ mua lại của Domesco năm 2014 và Công ty Nhật bản Taisho mua lại các khoản đầu tư để chiếm 24% cổ phần của Dược Hậu Giang năm 2016. Các công ty mà nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ cao có thể là những đối tượng cho các thương vụ M&A lớn trong tương lai. Ví dụ như Dược Hậu Giang, Vinamilk, Traphaco…
Tại Việt Nam, tổng giá trị M&A năm 2016 theo thống kê của IMAA đạt mốc kỷ lục đạt 5,8 tỷ USD - 2016, cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 11,92% so với năm 2015.