DTL khó có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh
Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (DTL)
Nhà máy của Công ty đặt tại Khu công nghiệp Sóng Thần, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương hiện tạm ngừng hoạt động. Công nhân không đồng ý phương án 3 tại chỗ (ăn tại chỗ, ở tại chỗ và sản xuất tại chỗ) với lý do không sắp xếp được việc gia đình. Vì thế, hơn 200 công nhân tạm nghỉ việc và nhà máy đóng cửa từ ngày 9/7/2021.
DTL duy trì đội ngũ kinh doanh bán hàng online, nhân viên kho, bảo vệ và một số lãnh đạo thay nhau trực Công ty. Chúng tôi đành chấp nhận tình trạng thực tế này và chờ khi dịch được kiểm soát thì mở cửa hoạt động trở lại.
Với các đơn hàng, chúng tôi tiếp tục làm việc với khách hàng, hàng trong kho còn đủ xuất sẽ cố gắng gửi xuất cho khách. Hàng mới nhập nguyên liệu chưa kịp sản xuất thì phải để lại, xin khách hoãn lại đơn hàng vì lý do bất khả kháng.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 của Công ty nhìn chung vẫn ổn, nhưng lợi nhuận không cao do chi phí đầu vào cao. Chúng tôi đang theo dõi sát tình hình dịch bệnh và mong sớm có thể ổn định sản xuất trở lại. Về kế hoạch kinh doanh năm nay, tôi sợ khó có thể hoàn thành.
STK: Đơn hàng dệt may tăng trưởng trở lại
Bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc Chiến lược Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK)
Trong 6 tháng đầu năm 2021, xu hướng đơn hàng dệt may đã tăng trưởng trở lại, phần lớn khách hàng đều gia tăng lượng đơn hàng nhằm phục vụ cho nhu cầu trước đó bị nén lại tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU. Ngoài ra, các khách hàng dệt may hiện hữu có thêm nhiều dự án tăng công suất, góp phần nâng cao lượng đơn hàng của STK, đặc biệt là sợi Recycle.
Nhờ vậy, kết quả kinh doanh được cải thiện đáng kể. Doanh thu bán hàng của Công ty trong quý II/2021 đạt 510 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 70 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 140,1 tỷ đồng, hoàn thành 56% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Nhờ vào mức áp thuế chống bán phá giá sơ bộ thấp do Bộ Thương mại Mỹ ban hành ngày 26/5/2021 dành riêng cho STK, Công ty đang tích cực nắm bắt cơ hội để phát triển thêm khách hàng tại thị trường Mỹ, chủ yếu các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực chế tạo ô tô, đồ dùng nội thất với yêu cầu rất cao trong chất lượng sợi.
Vinaconex duy trì chuỗi hoạt động sản xuất - kinh doanh
Lãnh đạo Vinaconex
Chủ động phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhưng Vinaconex quyết tâm duy trì chuỗi hoạt động sản xuất - kinh doanh liên tục, không bị đứt gãy.
Giữa tháng 7/2021, liên danh Vinaconex và Tập đoàn Xây dựng miền Trung đã ký hợp đồng gói thầu hơn 1.200 tỷ đồng thi công đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, với tư cách nhà thầu độc lập và thành viên liên danh, Vinaconex liên tiếp trúng thầu các dự án giá trị lớn như gói thầu XL03, đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông; gói thầu xây cầu chính dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; gói thầu số 37 XL-05 thi công xây lắp công trình thuộc dự án Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng…
Trong lĩnh vực bất động sản, Vinaconex gia tăng tích lũy quỹ đất để sớm đạt 5.000 ha đến năm 2025 như mục tiêu đặt ra.
Tháng 6/2021, Vinaconex được UBND TP Hà Nội phê duyệt kết quả đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình thương mại, dịch vụ, văn phòng, khách sạn cao cấp thuộc dự án Khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ.
Trước đó, tháng 2/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án Khu dân cư đô thị tại phường Hải Yên, TP Móng Cái cho Vinaconex. Dự án đã được triển khai và sắp mở bán.
Vinaconex cũng đẩy mạnh đầu tư phát triển dự án Khu đô thị du lịch Cát Bà - Amatina; Khu tổ hợp Vinaconex Green Diamond 93 Láng Hạ đã cất nóc đúng tiến độ vào cuối tháng 5 và đang chuẩn bị mở bán.
PHC tập trung triển khai nhiều đầu việc lớn
Ông Cao Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC)
Nửa đầu năm nay, PHC đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất 37 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần cùng kỳ và hoàn thành kế hoạch cả năm.
Trong lĩnh vực xây lắp, PHC đã hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư dự án Pandora, Golden Land; giá trị các hợp đồng ký mới đạt 1.500 tỷ đồng, trong đó có những dự án quy mô lớn như tổ hợp Mỹ Đình Pearl, Khu đô thị mới An Lạc Green Symphony, Khu dân cư và đô thị cao cấp Hưng Phát - Meyhomes tại Phú Quốc…
Đối với lĩnh vực bất động sản, sau thành công với dự án The Light, Florence tại Hà Nội và dự án Khu nhà ở Hoàn Cầu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Công ty tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khu dân cư ở các thị trường tiềm năng, đồng thời tìm kiếm các dự án mới thông qua công tác đấu giá, đấu thầu.
Dự án Điểm dân cư xóm Duyên tại xã Ký Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên có quy mô 10,154 ha do Liên danh Phục Hưng - NACICO làm chủ đầu tư sẽ khởi công xây dựng ngay cuối tháng 7 này.
Ngoài ra, Công ty đang chuẩn bị các thủ tục để đấu thầu hoặc hợp tác đầu tư một số dự án như đầu tư phát triển dự án Cụm công nghiệp tại tỉnh Lạng Sơn, liên danh đấu thầu thực hiện dự án đầu tư Khu dân cư tại tỉnh Thái Bình, Khu đô thị thành phố Sông Công, Khu dân cư mới tại tỉnh Phú Thọ, thực hiện đầu tư dự án Khu dân cư tại tỉnh Nghệ An, hợp tác đầu tư và tổng thầu thiết kế - thi công dự án tại tỉnh Quảng Ninh, với tổng mức đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực thủy điện, dự án Nhà máy thủy điện Đắk Sor 2 có công suất 7,5 MW do công ty liên kết là Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh An Phú Hưng làm chủ đầu tư đã hoàn thành và chính thức phát điện thương mại vào đầu tháng 6/2021. Hiện công ty này đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khởi công dự án Thủy điện Nậm Núa 2 vào tháng 10/2021, dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2023.
Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng Công ty tiếp tục tập trung triển khai nhiều đầu việc lớn như đàm phán với các đối tác chiến lược từ Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm mở rộng thị trường và nâng cao năng lực quản trị; mở rộng lĩnh vực thi công sang các công trình công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin và số hóa vào sản xuất; phát huy thế mạnh trong các dự án tổng thầu Design & Build, hoàn tất thủ tục để khởi công một số dự án bất động sản, thủy điện...
Techombank không điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận
Ông Phùng Quang Hưng, Phó tổng giám đốc Thường trực Techcombank
Trong 6 tháng đầu năm nay, Techcombank sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) mà Ngân hàng Nhà nước giao. Mới đây, cơ quan quản lý đã giao hạn mức tín dụng mới cho Ngân hàng.
Tính đến ngày 30/6/2021, tổng tiền gửi tại Tecombank đạt 289.300 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ và tăng 4,3% so với đầu năm; số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 55,1% trong vòng 12 tháng vừa qua, đạt 133.400 tỷ đồng, tỷ lệ CASA đạt 46,1%, mục tiêu đến năm 2025 là 55%.
Điểm thu hút tiền gửi không kỳ hạn là nhờ giao dịch thuận tiện, ổn định, nhanh chóng, không mất phí. Techcombank đang tập trung nâng cao số hoá dữ liệu điện toán đám mây để đảm bảo dịch vụ ổn định, nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Techcombank không tập trung vào tăng lãi suất cho vay, mà là giảm lãi suất huy động, tối ưu hoá chi phí huy động. Việc tối ưu hoá nguồn vốn đầu vào có thể chuyển sang giảm lãi suất cho vay, giúp biên lợi nhuận (NIM) không giảm. Ngoài ra, Ngân hàng có tỷ lệ thu nhập ngoài lãi ở mức cao, nguồn thu này sẽ bù đắp được việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng thời gian tới.
Kangaroo đẩy mạnh các hoạt động nội bộ
Lãnh đạo Tập đoàn Kangaroo
Hiện nay, các hệ thống siêu thị điện máy, cửa hàng gia dụng đều phải đóng cửa nhằm phòng dịch Covid-19, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, trực tiếp là đội ngũ gần 500 tư vấn viên không được đến điểm bán. Việc sản xuất, điều vận kho bãi đều gặp khó khăn.
Tuy nhiên, theo chủ trương chung của Tập đoàn là không để ai bị thất nghiệp, Kangaroo tổ chức chuyển đổi các mô hình hoạt động như đội ngũ tư vấn viên chuyển sang làm việc online, giới thiệu sản phẩm và bán hàng online.
Đội ngũ sản xuất, kho vận làm việc 3 tại chỗ gồm ăn, ngủ, làm việc tại chỗ để đảm bảo hiệu quả vừa chống dịch an toàn, vừa đảm bảo công việc.
Kangaroo trong giai đoạn này đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Trang Kangarooshopping.vn đang vận hành hiệu quả khi hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng thay đổi, nhu cầu đối với sản phẩm tủ đông, các mặt hàng gia dụng thiết yếu như nồi cơm, nồi chiên… gia tăng.
Đồng thời, doanh nghiệp tập trung vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ mới; đẩy mạnh đào tạo đội ngũ nhân sự qua kênh đào tạo từ xa…