Doanh nghiệp niêm yết thích ứng và chờ cơ hội

Doanh nghiệp niêm yết thích ứng và chờ cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khó khăn do đại dịch Covid-19 mang lại là rõ ràng, song nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực thay đổi để thích nghi với tình hình mới và chuẩn bị cho kế hoạch bứt phá khi dịch bệnh qua đi.

Nhà máy tại Đồng Nai thực hiện “3 tại chỗ” khá tốt

Ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch Công ty cổ phần Công nghệ Nhựa Pha Lê

Quý II/2021, Nhựa Pha Lê đạt 12,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng, Công ty đạt 454,6 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 21,9 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp xuất khẩu như Nhựa Pha Lê hiện không thiếu đơn hàng nhưng do các hãng tàu thiếu container nên việc vận chuyển hàng gặp nhiều khó khăn. Từ giữa tháng 7 trở lại đây, tình hình khả quan hơn, hàng đã đi đều hơn so với trước.

Riêng mảng gạch nhựa SPC, hiện doanh thu xuất khẩu mỗi tháng của Công ty vào khoảng 100 tỷ đồng. Nhà máy tại Đồng Nai của Hoàng Gia Pha Lê thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất đều đặn. Với công nghệ hiện đại và gần như tự động hóa hoàn toàn, nhà máy không cần một lượng công nhân lớn, có thể tổ chức “3 tại chỗ” khá tốt.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay, Công ty nỗ lực tập trung vào công tác đầu tư nhà máy SPC số 2 tại Hải Phòng và hoàn tất các thủ tục pháp lý để có thể khởi công Dự án khu nhà ở chung cư và dịch vụ sau đường bao biển Lán Bè - Cột 8, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long trong quý IV/2021.

TNG duy trì sản xuất an toàn và đúng tiến độ

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG

Tình hình thiếu hụt vỏ container và cước vận chuyển quốc tế tăng cao đã tác động một phần đến tổng doanh thu tiêu thụ của TNG trong tháng 7. Cụ thể, Công ty đạt 595 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch tháng và bằng 98% so với cùng kỳ.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, TNG đạt 2.965 tỷ đồng doanh thu, hoàn thành 103% kế hoạch và tăng 21% so với cùng kỳ.

Thái Nguyên kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 nên TNG vẫn sản xuất an toàn và theo đúng tiến độ. Nếu tình hình được duy trì, hoạt động của Công ty sẽ tích cực từ nay đến hết năm.

Hiện nay, Công ty mong muốn công nhân được tiêm vắc - xin để duy trì sản xuất tốt. Tính đến hết 31/7/2021, đã có 30% cán bộ công nhân viên TNG được tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19.

100% các đơn vị, chi nhánh của TNG đã thực hiện diễn tập phương án “3 tại chỗ”. Các buổi diễn tập giúp người lao động nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa hoạt động sản xuất - kinh doanh”, đồng thời giúp Công ty sẵn sàng, chủ động quản trị rủi ro.

Tái cấu trúc để phù hợp với tình hình mới

Ông Phạm Duy Phúc, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Viễn thông Quốc tế FPT (FTI, thuộc FPT Telecom)

FTI có 1.000 nhân sự, doanh số mỗi năm khoảng 3.000 tỷ đồng. Khi dịch bệnh ập đến, chúng tôi gặp khó khăn về thu hút, giữ chân khách hàng, đặc biệt là trong các ngành nghề giáo dục, du lịch. Năm 2020, chúng tôi đã bắt đầu tiến hành thay đổi cơ cấu tổ chức và mô hình kinh doanh để phù hợp với tình hình mới.

Khi dịch đến, Việt Nam nói về 5K kháng khử khuẩn, chúng tôi cũng có "5K". Đó là:

1. Kiểm soát tài chính: Nâng cao kiểm soát dòng tiền, đánh giá lại khách hàng, nhà cung cấp;

2. Số hóa - chuyển đổi số: Tại thời điểm này, hoạt động bình thường nhờ số hóa các quy trình, sử dụng hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, chữ ký số, gần như các hoạt động không bị gián đoạn;

3. Thay đổi mô hình kinh doanh, chuyển dịch cung cấp dịch vụ cho các hộ kinh doanh cá thể;

4. Làm mới hình ảnh Công ty, cho khách hàng thấy được Công ty liên tục đổi mới, đưa ra các sản phẩm mới, sáng tạo cho khách hàng;

5. Tăng cường đào tạo sản phẩm dịch vụ, trao đổi các ý tưởng kinh doanh mới.

Hy vọng quý IV sẽ bớt căng thẳng hơn

Ông Đoàn Văn Quang, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn - Savico

Giai đoạn nửa đầu năm 2021, hoạt động kinh doanh của Công ty khá lạc quan khi đạt 7.060 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 13% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 141 tỷ đồng, cao gấp 6 lần so với nửa đầu năm 2020; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là hơn 98 tỷ đồng, EPS 6 tháng đạt 2.614 đồng.

Tuy vậy, đợt dịch Covid-19 bắt đầu từ tháng 6/2021 sẽ tác động mạnh vào sức mua của thị trường, ảnh hưởng trực tiếp vào hiệu quả của toàn hệ thống Savico trong quý III/2021. Ở thời điểm hiện tại, Công ty chỉ duy trì hoạt động vận tải đối với xe tải, các công nhân làm việc theo quy định “3 tại chỗ” để đảm bảo an toàn trong phòng chống bệnh dịch, còn lại các mảng khác gần như đóng băng.

Với tình hình hiện tại thì tháng 7/2021, Công ty hầu như không có doanh thu. Tình trạng này có khả năng kéo dài ít nhất đến hết tháng 8/2021, trong khi các khoản nợ đã đến hạn.

Nếu dịch bệnh sớm được khống chế, TP.HCM sớm quay về hoạt động bình thường thì Công ty hy vọng quý IV/2021 sẽ bớt căng thẳng hơn so với quý III.

Khó khăn do Covid-19 chỉ là nhất thời

Ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc NovaGroup

Giãn cách xã hội gây trở ngại nhất định với người mua nhà trong việc tiếp xúc với chủ đầu tư nên trong ngắn hạn, sức mua trên thị trường bất động sản giảm.

Tuy nhiên, bản chất thị trường bất động sản là đang trong chu kỳ tăng trưởng tốt nên những khó khăn do Covid tác động (giãn cách xã hội từ tháng 5 trở lại đây) chỉ là nhất thời, và kỳ vọng tốc độ tiêm vắc-xin được đẩy mạnh, vấn đề này sẽ sớm được giải quyết.

Điểm quan trọng là thị trường bất động sản đang được hưởng lợi lớn từ chủ trương đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội khoá XV thông qua, từ nay tới 2030, có 3 dự án trọng điểm quốc gia là cao tốc vành đai phía Đông (từ Bắc đến Nam), đường vành đai số 4 (tại Hà Nội), đường vành đai số 3 (tại TP.HCM).

Trong 30 dự án cao tốc, cơ sở hạ tầng đầu tư từ vốn ngân sách trung ương, khoảng 10 - 15 trong danh sách dự án trọng điểm hầu hết nằm khu vực miền Nam. Đây là sức bật mạnh cho thị trường bất động sản.

Hiện các doanh nghiệp trong ngành bất động sản và Novaland đều lên kế hoạch cụ thể, chi tiết cho 3 tháng cuối năm để bù lại những gì chưa đạt được trong quý III/2021 - đây là thời điểm để chạy đua, thay vì lo lắng.

Cụ thể, Novaland đã chuẩn bị ra sản phẩm mới, kế hoạch tài chính nhằm tận dụng cơ hội thị trường ở cuối năm - là bàn đạp cho năm sau.

Chỉ số PMI tháng 6, 7 có thể giảm mạnh ở Hà Nội, TP.HCM… nhưng sau đó chắc chắn sẽ hồi phục mạnh. Lúc đó, các nhà đầu tư cũng sẽ đón chào bất động sản nồng nhiệt hơn vì thị trường đã bị dồn nén quá lâu.

Tin bài liên quan