Từ tăng vốn có phát sinh dòng tiền mới...
Tại ĐHCĐ thường niên vừa qua, Hội đồng quản trị CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, Công ty đang tìm kiếm cổ đông chiến lược.
Theo kế hoạch, BSC sẽ phát hành riêng lẻ cho một nhà đầu tư tài chính hoặc nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Tỷ lệ phát hành dự kiến tối đa gần 54% vốn điều lệ hiện tại và cổ đông chiến lược sau khi mua phần vốn phát hành mới dự kiến nắm giữ tối đa 35% tổng số cổ phần của BSC.
Theo đó, vốn điều lệ của BSC dự kiến tăng thêm tối đa 657 tỷ đồng. Ở mức vốn điều lệ hiện tại (1.220 tỷ đồng), BSC đang nằm ngoài Top 10 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường.
Cuộc đua huy động vốn để nâng cao năng lực tài chính được nhiều công ty chứng khoán thực hiện các năm qua, nhất là nhóm công ty chứng khoán ngoại.
Gần đây nhất, đầu tháng 6/2020, CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết đang triển khai chào bán 70,19 triệu cổ phần cho các cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ phát hành là 100:37, nếu thành công sẽ nâng vốn điều lệ lên 2.600 tỷ đồng.
CTCP Giống bò Sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) cũng lên kế hoạch phát hành tổng cộng 43,2 triệu cổ phiếu mới để tăng vốn điều lệ từ 668 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng, thông qua 3 phương án: phát hành cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược và phát hành cổ phần theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Trong khi đó, CTCP Tài nguyên Masan (MSR) có kế hoạch chào bán cổ phần riêng lẻ với mức giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong một hoặc nhiều lần. Thời gian thực hiện trong năm nay hoặc cho đến trước ĐHCĐ thường niên 2021.
Số lượng cổ phần phát hành tối đa 9,99% tổng số cổ phiếu MSR đang lưu hành. Nếu hoàn tất, vốn điều lệ của MSR sẽ tăng thêm hơn 899 tỷ đồng, lên mức 9.892 tỷ đồng.
MSR sẽ không chào bán cho bất cứ tổ chức, cá nhân hoặc một nhóm tổ chức, cá nhân và người có liên quan của tổ chức, cá nhân từ 10% trở lên vốn điều lệ của công ty trong đợt chào bán.
... Đến tăng vốn kỹ thuật
Bên cạnh những doanh nghiệp đi tìm dòng tiền mới, xu hướng chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc thưởng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ được nhiều doanh nghiệp thực hiện trong mùa đại hội năm nay.
Do không được phép chia cổ tức bằng tiền mặt, phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu đặc biệt được các ngân hàng thương mại tận dụng để tăng vốn. Nam A Bank cho biết, mức chia cổ tức 2020 là 14,56% được thực hiện bằng cổ phiếu nhằm mục tiêu hỗ trợ kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng trong năm 2020.
Cổ đông SHB cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 19.314 tỷ đồng trong năm nay, tương đương tăng thêm 1.756 tỷ đồng từ việc phân phối cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%. Phương án tăng vốn bằng chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng được nhiều nhà băng khác như HDBank, OCB…
CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN) thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Cụ thể, Công ty dự kiến phát hành trả cổ tức năm 2019 tỷ lệ 14%, tương ứng với 6,7 triệu cổ phiếu. Đồng thời, Công ty cũng thực hiện thưởng cổ phiếu với khối lượng 7,7 triệu đơn vị, tỷ lệ 16%. Tổng số lượng phát hành là gần 14,4 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ thực hiện 30% và qua đó tăng vốn điều lệ lên 623 tỷ đồng.
Tương tự, CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) vừa ra nghị quyết về việc triển khai thực hiện phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu của Công ty. Theo đó, số lượng cổ phiếu mà Savico dự kiến phát hành là hơn 8,3 triệu cổ phiếu phổ thông. Tỷ lệ phát hành là 3:1, tức là cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới.
Trả cổ tức bằng cổ phiếu vốn dĩ là một nghiệp vụ kế toán để chia tách cổ phiếu, từ đó tăng vốn điều lệ trên danh nghĩa, phương thức này không hề phát sinh bất kỳ dòng tiền mới nào giúp doanh nghiệp gia tăng nội lực của mình.
Phương án phát hành cổ phiếu thưởng hay phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu thực chất là việc làm tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận để lại.
Hay nói cách khác, đây chỉ là việc chuyển đổi giữa các khoản mục trong nguồn vốn cổ đông, từ lợi nhuận để lại sang vốn điều lệ mà không làm thay đổi tổng nguồn vốn cổ đông.
Tuy nhiên, đây cũng là cách thức giữ lại nguồn lực cho doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn doanh nghiệp cần nguồn vốn để tiếp tục phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh, mà vẫn mang tính chất “động viên” cổ đông.
Chỉ doanh nghiệp phát hành thành công cổ phiếu mới có thêm dòng tiền mới, bổ sung vào vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, do khó khăn của TTCK cũng như sức hấp dẫn của các doanh nghiệp còn hạn chế nên không có nhiều doanh nghiệp gọi được vốn mới thực chất.