Hứa hẹn những vụ mùa bội thu

Hứa hẹn những vụ mùa bội thu

Doanh nghiệp niêm yết tăng tốc năm Hổ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tăng tốc mạnh mẽ, nâng cao công suất để lấy lại những gì đã mất là kỳ vọng của phần đông doanh nghiệp thời hậu Covid-19.

Hứng khởi từ đầu năm

Những ngày đầu năm mới 2022, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may Thành Công (mã chứng khoán TCM) rất vui vì đơn hàng từ khắp nơi đổ về và cơ hội phục hồi, tăng trưởng mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm con Hổ này đang hiển hiện.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, Chủ tịch TCM cho biết, hiện Công ty đã nhận đơn hàng đến hết quý III/2022. Số lượng hàng đã chốt với khách dồi dào, Công ty không lo thiếu việc làm mà tập trung tìm mọi cách tăng tốc ngay từ đầu năm để đáp ứng kịp thời các đơn hàng.

Tuy nhiên, hiện công nhân của TCM chưa đi làm trở lại đủ như trước thời điểm dịch, phần đa số công nhân ở tỉnh xa, nhiều người về quê tránh dịch chưa trở lại TP.HCM nên công suất của Công ty chưa đạt 100%.

“Chúng tôi đang đẩy mạnh tăng ca để kịp sản xuất các đơn hàng. Công nhân sẽ ăn xong Tết Nguyên đán mới trở lại đi làm nên phải đến tháng 3 hoặc quý II công suất mới đạt 100%”, ông Tùng cho hay.

Tại Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG), trong năm 2021, mảng kinh doanh thế giới di động, điện máy xanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh mẽ do phải đóng cửa hàng loạt vì giãn cách xã hội, nhưng mảng Bách hóa xanh và sự linh hoạt trong chiến lược kinh doanh giúp MWG bù lại.

Năm 2022, MWG xác định tăng tốc mạnh mẽ với kế hoạch doanh thu đạt 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6.350 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ MWG, nhiều doanh nghiệp ngành hàng khác cũng chuẩn bị kỹ càng cho hành trình tăng tốc của mình.

Chúng tôi bước vào năm 2022 với tâm thế sẽ nỗ lực tối đa công sức để lấy lại những gì đã mất.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch CTCP Dệt may Thành Công (TCM)

Theo ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF), năm 2022 doanh nghiệp sẽ cố gắng đi nhanh hơn nữa vì hiểu rằng rủi ro thật sự sẽ lớn hơn điều mình nghĩ. “Càng nhanh thì cơ hội tồn tại càng cao hơn”.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khác hiện cũng đã ký được các đơn hàng mới ngay từ đầu năm 2022, thậm chí kéo dài đến hết quý II/2022.

Tại Công ty cổ phần May xuất khẩu MTV, công nhân đang tăng ca mỗi ngày thêm 1 tiếng để kịp tiến độ giao sản phẩm sang thị trường châu Âu. Công ty cũng đã ký các hợp đồng gia công dài hạn, đảm bảo đủ việc làm cho công nhân đến hết năm 2022.

Tương tự, tại Công ty cổ phần May 10, nhiều công ty thành viên đã có đơn hàng đến hết quý I/2022. “Doanh nghiệp cảm thấy khỏe hơn, tự tin đẩy mạnh sản xuất hơn khi Chính phủ xác định sống chung với dịch Covid-19 và có hướng dẫn để doanh nghiệp vừa phòng dịch vừa phục hồi, phát triển”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Theo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam do Nikkei Việt Nam thực hiện khảo sát trên 400 doanh nghiệp sản xuất, nhu cầu khách hàng đã cải thiện từ khi các hạn chế liên quan tới Covid-19 được nới lỏng vào quý IV/2021. Điều này sẽ tiếp tục tạo động lực tăng số lượng đơn đặt hàng mới cho các doanh nghiệp trong năm 2022.

Nhà máy, công xưởng đã bắt đầu rộn rã

Nhà máy, công xưởng đã bắt đầu rộn rã

Kỳ vọng nốt thăng tăng trưởng

“Chúng tôi bước vào năm 2022 với tâm thế sẽ nỗ lực tối đa công sức để lấy lại những gì đã mất. Công ty đưa ra kịch bản khá tích cực”, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch TCM chia sẻ.

Năm 2022, TCM dự kiến sẽ tăng trưởng 20% về doanh thu so với năm 2021 và lợi nhuận có thể xấp xỉ bằng năm 2020 (thời điểm trước dịch, tức hơn 276 tỷ đồng).

“Thực tế năm 2021, TCM khá thuận lợi trong nửa đầu năm với sản lượng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận đều tăng trưởng vượt bậc. Nếu không có Covid, TCM thực sự sẽ bội thu. Năm nay, vừa phục hồi, vừa tăng tốc, và kỳ vọng với bức tranh sáng của ngành dệt may, Công ty sẽ có kết quả khả quan”, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết.

Mong muốn có nốt thăng tăng trưởng là nguyện vọng chung của nhiều doanh nghiệp. Theo ông Đặng Triệu Hòa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK), ngành dệt may Việt Nam trong năm 2022 được hưởng lợi từ 4 yếu tố gồm thị trường tốt, năng lực sản xuất phục hồi, chuỗi cung ứng dần phục hồi và chi phí của đối thủ cạnh tranh tăng lên (Trung Quốc).

Cụ thể, nhu cầu tiêu dùng ở thị trường Mỹ tiếp tục tăng cao, thị trường EU và Nhật Bản sẽ phục hồi tốt hơn, chi phí logistics sẽ dần được cải thiện khi tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng được giải quyết; vaccine được tiêm phủ rộng và chính sách sống chung thích ứng với Covid-19…, là động lực tốt cho doanh nghiệp sản xuất Việt Nam trở lại mạnh mẽ sau Covid-19.

Năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu hàng dệt may đạt 43 - 43,5 tỷ USD. Tuy có nhiều thuận lợi nhưng doanh nghiệp ngành này cũng gặp không ít những khó khăn thách thức, như giá nguyên liệu tăng cao và gián đoạn chuỗi cung ứng đã làm ảnh hưởng đến biên lợi nhuận; giá bông trong năm 2022 dự kiến sẽ tăng 5%, gây áp lực lên biên lợi nhuận…

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán về vấn đề này, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch TCM cho hay, doanh nghiệp chịu áp lực về chi phí tăng cao gồm chi phí vận tải và nguyên liệu trong khi giá bán không tăng sẽ khiến biên lợi nhuận giảm.

“Chi phí sản xuất quá cao mà chúng tôi không điều chỉnh tăng giá cao được vì nếu tăng quá sẽ không bán được hàng. Đây là khó khăn lớn của doanh nghiệp trong năm 2022”, ông Tùng nói.

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định, nhu cầu thời trang toàn cầu được thúc đẩy trong năm 2022 bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô và sự tăng trưởng của thương mại điện tử tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam so với Bangladesh, Myanmar và Campuchia tại thị trường EU. Doanh nghiệp Việt cũng hứng khởi ở thị trường Mỹ, Nhật Bảnn

Tin bài liên quan