Doanh nghiệp niêm yết sáp nhập để tồn tại

Doanh nghiệp niêm yết sáp nhập để tồn tại

(ĐTCK) Hoạt động mua bán, sáp nhập vốn không mấy xa lạ đối với các DN nói chung, song đối với các DN niêm yết, số thương vụ mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Doanh nghiệp niêm yết sáp nhập để tồn tại ảnh 1

SD6 sẽ xin ý kiến cổ đông về việc sáp nhập S64 vào SD6

Sáp nhập doanh nghiệp để nâng cao năng lực tài chính, tiết giảm chi phí là giải pháp mà nhiều doanh nghiệp nói chung nhắm tới trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2012. Song với các doanh nghiệp niêm yết, liệu hoạt động này có trở thành xu hướng?

Tại ĐHCĐ ngày 22/3 tới đây, CTCP Sông Đà 6 (SD6) sẽ xin ý kiến cổ đông về việc sáp nhập CTCP Sông Đà 6.04 (S64) vào SD6. Trong nội dung tờ trình về việc này, Công ty dự kiến sẽ thực hiện sáp nhập theo hình thức hoán đổi cổ phần. Theo đó, SD6 sẽ phát hành cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ số cổ phiếu của S64 do các cổ đông khác ngoài SD6 nắm giữ theo tỷ lệ hoán đổi S64 và SD6 là 1:0,9 tức 1 cổ phần S64 đổi lấy 0,9 cổ phần SD6.

Nếu việc sáp nhập được thực hiện suôn sẻ, cổ đông của S64 sẽ chuyển thành cổ đông của SD6 và S64 sẽ được tổ chức thành các xí nghiệp trực thuộc SD6.

Trên thực tế, SD6 đã có kế hoạch sáp nhập công ty con là S64 và Sông đà 6.06 (SSS) từ cách đây 3 năm, song việc xác định giá trị thực tế để hoán đổi cổ phiếu khá phức tạp, nên đến thời điểm này mới thực hiện được.

Lãnh đạo SD6 cho biết, việc sáp nhập S64 vào SD6 sẽ giúp tập trung nguồn vốn cho công ty mẹ để thực hiện các công trình lớn, cũng như tránh việc nguồn vốn, nhân sự bị phân tán. Ngoài ra, việc kết hợp 2 đơn vị với nhau giúp doanh nghiệp sau sáp nhập tiết kiệm được nhiều chi phí. Cụ thể, doanh nghiệp có thể đóng cửa một số cơ sở sản xuất không hiệu quả, chỉ duy trì một trụ sở làm việc, giảm bớt các bộ phận chức năng trùng lặp, giảm nhân viên, giảm chi phí mua sắm và sử dụng máy móc, thiết bị.

Một điểm đáng lưu ý là khi sáp nhập với nhau, các doanh nghiệp cũng thường nhắm đến những lợi thế về mặt tài chính. Tại ĐHCĐ năm 2012 của CTCP Tập đoàn FLC (FLC), đại hội đã thống nhất phương án sáp nhập FLC Land vào FLC với tỷ lệ 1 cổ phiếu FLC Land đổi được 1,18 cổ phiếu FLC. Theo FLC, việc sáp nhập sẽ giúp nâng mức vốn điều lệ của FLC lên 771,8 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Thạnh, Tổng giám đốc CTCP Thép Việt - Ý (VIS) cho biết, tại ĐHCĐ tới đây, Công ty sẽ xin ý kiến cổ đông về việc sáp nhập CTCP Luyện thép Sông Đà vào VIS. Hiện tại, Luyện thép Sông Đà là công ty liên kết của VIS với vốn điều lệ hơn 469,2 tỷ đồng. Trong đó, VIS góp hơn 199 tỷ đồng, chiếm 42,5% vốn điều lệ. Theo lãnh đạo VIS, việc sáp nhập nếu được thông qua sẽ giúp Công ty nâng cao năng lực tài chính, gia tăng vị thế cạnh tranh và giảm chi phí kinh doanh.

Nhìn lại trước đây, vụ sáp nhập CTCP Kinh đô Miền Bắc vào Kinh đô Miền Nam khá “đình đám” và mất khá nhiều thời gian chuẩn bị, nhưng thực tế cho thấy, sau khi thực hiện sáp nhập, cả 2 công ty đều hoạt động hiệu quả hơn.

CTCP Hiệp Quang cũng đã sáp nhập thành công vào CTCP Dabaco Việt Nam (DBC), một đơn vị sản xuất bao bì mà trước đó DBC đã nắm giữ 33% vốn điều lệ. Sau đó, Hiệp Quang được chuyển đổi sang hình thức công ty TNHH một thành viên thuộc DBC.

Không chỉ các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam có xu hướng sáp nhập các công ty con. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng công bố về việc thực hiện sáp nhập nhiều công ty con trực thuộc. CTCK Dầu khí cho biết, Công ty đã tư vấn cho ít nhất 10 thương vụ sáp nhập như vậy và hình thức phổ biến nhất khi sáp nhập các công ty nhỏ vào công ty lớn hơn là: phía nhận sáp nhập sẽ chào mua công khai với tất cả cổ đông sở hữu cổ phần của doanh nghiệp bị sáp nhập; sau khi mua đủ lượng cổ phần, HĐQT doanh nghiệp nhận sáp nhập sẽ nhóm họp và ra nghị quyết mua lại cổ phiếu của những cổ đông từ chối bán trong đợt chào mua công khai.

Hoạt động sáp nhập vốn không mấy xa lạ đối với các doanh nghiệp nói chung, song đối với các doanh nghiệp niêm yết, số vụ trên thực tế mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lý do là sự phức tạp trong việc hoán đổi cổ phiếu và xác định giá cổ phiếu tại thời điểm hủy niêm yết.