Lao dốc vì Covid
Sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ” trong vòng hơn hai tháng, phải tuân thủ những điều kiện khắt khe về phòng chống dịch bệnh Covid-19 khiến những doanh nghiệp chế biến thủy sản như Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) gặp nhiều khó khăn. Trong tháng 8/2021, FMC chỉ sản xuất được 1.618 tấn tôm, giảm 32% so với cùng kỳ 2020; tiêu thụ tôm giảm 56%, đạt 11,1 triệu USD.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị FMC chia sẻ, do không đủ không gian để bố trí chỗ nghỉ ngơi cho công nhân nên chỉ có khoảng 40% người lao động tham gia làm việc “3 tại chỗ”. Chi phí tăng cao, trong khi người lao động làm việc với tâm trạng lo âu, thực hiện 5K nên năng suất giảm.
Các doanh nghiệp dệt may, da giày phía Nam, lĩnh vực thâm dụng lao động, cũng thuộc nhóm tổn thương vì đại dịch Covid-19. Số liệu thống kê cho thấy, có đến 35% nhà máy dệt may tại khu vực này đã phải tạm ngừng hoạt động vì không đủ đáp ứng các điều kiện sản xuất “3 tại chỗ”.
Các doanh nghiệp du lịch, hàng không có lẽ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN) đã báo lỗ 8.585 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng mạnh so với con số lỗ 5.262 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Chẳng khó để hình dung ra bức tranh kinh doanh quý III của hãng khi đây là giai đoạn mà hoạt động vận tải hành khách hầu như tê liệt.
Công ty cổ phần Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel, mã chứng khoán VTR) hiện chỉ có khoảng 50 trong tổng số 1.700 nhân viên (tương đương 3%) làm việc không thường xuyên, số còn lại nghỉ không lương hoặc chuyển công tác. Có hai lĩnh vực chịu tổn thương nhiều nhất bởi đại dịch Covid-19 là hàng không và du lịch thì Vietravel đều gánh trọn.
Hiện hầu hết các máy bay của Vietravel Airlines đều nằm một chỗ. Công ty vẫn phải trang trải các chi phí bảo dưỡng, tiền thuê máy bay, tiền lương người lao động, tiền thuê chỗ đỗ và nhiều khoản chi phí khác. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel chia sẻ, “doanh nghiệp đang sức cùng lực kiệt”.
Kinh doanh mặt hàng thuộc nhóm không thiết yếu, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) đã tạm đóng 270 cửa hàng trên toàn hệ thống trong thời gian giãn cách xã hội tại các địa phương. Doanh thu tháng 8 giảm 86,9% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận 162 tỷ đồng; lợi nhuận âm 78 tỷ đồng. Đây là tháng thứ hai liên tiếp PNJ thua lỗ. Tháng trước đó, Công ty lỗ 32 tỷ đồng.
… và thấy cơ trong nguy
Tuy vậy, trên thực tế, không phải mọi doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, thậm chí có cơ hội tăng trưởng.
Đơn cử, Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG (mã TNG) công bố lãi sau thuế tháng 8/2021 đạt 29 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 8 tháng đầu năm, TNG đạt doanh thu 3.544 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 142 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 16% và 18% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG cho biết, đơn hàng trong tháng 8 tăng cao, nhiều doanh nghiệp cùng ngành tại miền Nam gặp khó khăn trong sản xuất do giãn cách xã hội đã chuyển đơn hàng cho Công ty.
Những doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thiết yếu như Tập đoàn Masan (mã MSN), Thế giới di động (mã MWG)… được hưởng lợi lớn nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong mùa dịch. Hai quý đầu năm, Masan báo lãi 979 tỷ đồng, cao gấp 8,4 lần.
Trong quý III, Masan dự kiến doanh thu tăng hơn 20%, biên lợi nhuận gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Sở hữu hệ thống bán lẻ Vinmart, Vinmart+, kinh doanh sản phẩm thịt sạch và các sản phẩm thực phẩm giúp Masan có lợi thế tăng trưởng.
Trong khi đó, dù hai mảng Thế giới di động và Điện Máy Xanh chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, MWG vẫn tăng trưởng tốt nhờ động lực mới là chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh. Cụ thể, 7 tháng đầu năm, MWG báo lãi 2.784 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Riêng chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh đạt mức tăng trưởng 57%.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam dự báo, năm 2021, MWG sẽ đạt doanh thu và lãi ròng thuộc Công ty mẹ lần lượt là 125.494 tỷ đồng và 5.626 tỷ đồng, tăng trưởng 14,3% và 43,6% so với cùng kỳ.