DNNVV sẽ được vay vốn ngắn hạn với lãi suất ưu đãi 5,5%/năm

DNNVV sẽ được vay vốn ngắn hạn với lãi suất ưu đãi 5,5%/năm

Doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn với lãi suất 5,5%/năm

(ĐTCK) Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) – SMEDF đã chính thức triển khai các chương trình hỗ trợ tài chính năm 2016 cho DNNVV với mục tiêu trước mắt là tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư cho kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hạn của DN.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc SMEDF cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường huy động thêm nguồn vốn cho Quỹ để mở rộng phạm vi hỗ trợ, tạo cơ hội cho nhiều DNNVV hơn nữa trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ. 

Doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn với lãi suất 5,5%/năm ảnh 1

Bà Hoàng Thị Hồng 

Hiện nay, phần lớn các DNNVV vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn với lãi suất cạnh tranh. Để tháo gỡ những khó khăn này, SMEDF sẽ làm gì, thưa bà?

Nhằm hỗ trợ các DNNVV có cơ hội tiếp cận nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, SMEDF phối hợp với 3 ngân hàng là Vietcombank, BIDV và HDbank triển khai chương trình hỗ trợ tài chính từ tháng 7/2016 với mục tiêu tháo gỡ các rào cản tài chính đối với DNNVV.

Thứ nhất, về lãi suất, Quỹ hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi là 5,5%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 7%/năm đối với khoản vay trung và dài hạn. Đây là mức lãi suất rất cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay thương mại là 9-10% như hiện nay. Mức lãi suất này sẽ giữ cố định suốt thời hạn vay vốn, giúp DN dễ dàng xác định nguồn lực cho dự án.

Thứ hai, để tháo gỡ vướng mắc về tài sản bảo đảm, theo quy định của Quỹ, các ngân hàng thương mại ủy thác cho vay không được yêu cầu DNNVV cung cấp tài sản bảo đảm vượt quá 100% giá trị khoản vay, đồng thời cho phép DN dùng tài sản hình thành trong tương lai từ khoản vay để làm tài sản bảo đảm.

Thứ ba, Quỹ cũng đơn giản tối đa các quy trình, thủ tục vay vốn để DN có thể dễ dàng hơn trong việc thực hiện vay vốn. Theo đó, DN có thể lựa chọn nộp trực tiếp hồ sơ vay vốn tại Quỹ, hoặc thông qua tất cả các chi nhánh, văn phòng đại diện của 3 ngân hàng ủy thác cho vay nêu trên. Tại hai kênh này đều có các cán bộ trực tiếp hỗ trợ tư vấn hoàn thiện hồ sơ vay vốn cho các DN một cách thuận tiện, đơn giản nhất.

Ngoài ra, Quỹ còn hỗ trợ tăng cường năng lực DNNVV sau khi cho vay, phối hợp với các tổ chức tư vấn đào tạo nâng cao năng lực quản trị DN, kỹ thuật, quản lý tài chính, giúp DN triển khai tốt nhất dự án, giảm bớt thất thoát vốn.

Bà có thể cho biết, tại sao SMEDF chỉ tập trung cho DNNVV vay vốn đầu tư xây dựng cơ bản, mà không cho vay vốn lưu động?

Mục tiêu mà Quỹ hướng tới là hỗ trợ DNNVV một cách toàn diện, nhưng vì mới đi vào hoạt động, nguồn vốn có hạn, nên hiện tại, Quỹ ưu tiên cho dự án sản xuất-kinh doanh dài hạn, trong đó chủ yếu ưu tiên vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Đối với các khoản vay ngắn hạn từ dưới 1 năm, hiện nay, các ngân hàng thương mại đang đáp ứng rất tốt, thậm chí họ còn có thể cho vay tín chấp. Phản hồi từ các DNNVV cũng như thị trường cho thấy, việc tiếp cận nguồn vốn ngắn hạn này tương đối thuận lợi. Bởi vậy, khi nguồn vốn dồi dào hơn, Quỹ sẽ mở rộng phạm vi cho vay. Hiện Quỹ đã có kế hoạch cho vay đối với khoản vay ngắn hạn cũng với mức lãi suất ưu đãi là 5,5%/năm, song sẽ triển khai trong thời gian tới.

Có ý kiến cho rằng, hiện vốn của SMEDF dành cho vay hỗ trợ đối với DNNVV còn quá ít, danh mục nội dung hỗ trợ cũng hạn chế. Vậy SMEDF sẽ định hướng phát triển thế nào để khắc phục tình trạng này?

Hiện tại, do mới đi vào hoạt động, nguồn vốn còn hạn chế nên Quỹ tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Trong thời gian tới, để mở rộng nguồn lực hỗ trợ cho DNNVV, chúng tôi đang rà soát trình Chính phủ sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của Quỹ theo hướng bổ sung, mở rộng chức năng hỗ trợ DNNVV hiệu quả hơn.

Theo đó, bên cạnh việc ủy thác và nhận ủy thác cho vay, chúng tôi đề xuất triển khai thêm chức năng hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ đầu tư mạo hiểm, gọi vốn cộng đồng, bảo lãnh tín dụng. Ngoài ra, để tăng cường nguồn lực và nguồn vốn, Quỹ sẽ đẩy mạnh việc huy động nguồn lực hỗ trợ khác ngoài Nhà nước, từ các tổ chức cá nhân trong ngoài nước, đặc biệt là kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế cung cấp các khoản tài trợ, hỗ trợ ủy thác thông qua Quỹ để mở rộng nguồn vốn.

Bằng cách đó, tổng lượng vốn của Quỹ sẽ không chỉ giới hạn trong khoảng 2.000 tỷ đồng như hiện nay (giai đoạn từ 2016-2017), mà hy vọng sẽ dồi dào hơn, từ đó đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ cho ngày càng nhiều DNNVV hiệu quả hơn.

Tin bài liên quan