Doanh nghiệp nhiệt điện lao đao

Doanh nghiệp nhiệt điện lao đao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lợi nhuận quý II của nhiều doanh nghiệp nhiệt điện giảm mạnh, tình trạng này có thể tái diễn trong 1, 2 quý tới.

Lợi nhuận tụt dốc

Trong quý II/2021, nhiệt điện than chiếm 52% cơ cấu huy động điện, tương đương 66,7 tỷ kWh. Tuy nhiên, sản lượng từ nguồn này giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Huy động từ tua bin khí giảm 19%, còn gần 15,7 tỷ kWh, tương ứng 12,2% tổng sản lượng điện.

Sản lượng từ các công ty nhiệt điện giảm do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ưu tiên huy động nguồn thủy điện trong điều kiện thủy văn thuận lợi và sử dụng một phần sản lượng phát điện từ năng lượng tái tạo. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng từ nguồn thủy điện tăng 41%, đạt 30,46 tỷ kWh; năng lượng tái tạo tăng 172%, đạt 14,69 tỷ kWh.

Báo cáo tài chính quý II/2021 của các doanh nghiệp nhiệt điện cho thấy, doanh thu và lợi nhuận nhìn chung giảm mạnh.

Chẳng hạn, sản lượng điện thương phẩm của Nhiệt điện Phả Lại (PPC) giảm 46,5%, doanh thu giảm 46,2%, lợi nhuận sau thuế giảm 57,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu giảm gần một nửa, lợi nhuận đạt 259 tỷ đồng, giảm 37,6% so với cùng kỳ.

Tương tự, doanh thu và lợi nhuận trong nửa đầu năm 2021 của Nhiệt điện Hải Phòng (HND) lần lượt giảm 25% và 76%; Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) đạt lợi nhuận 23,3 tỷ đồng, giảm 61,5%.

Đối với Nhiệt điện Ninh Bình (NBP), đây là đơn vị phát dịch vụ phụ trợ, nên việc phát sản lượng phụ thuộc vào Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia. Doanh thu bán điện là con số tạm tính giữa NBP và EVN (Công ty chưa ký được hợp đồng bán điện năm 2021).

Do đó, doanh thu quý II/2021 giảm 30,1%; lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 178 triệu đồng, giảm 99,2% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu giảm 37%; lợi nhuận sau thuế giảm 95%, chỉ đạt 1,2 tỷ đồng.

Với Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), do sản lượng theo hợp đồng (Qc) được phân bổ trong năm 2021 thấp, giá khí đầu vào cao, dịch Covid-19 khiến nhu cầu phụ tải thấp, nên sản lượng điện trong quý II/2021 giảm 23%, doanh thu và lợi nhuận giảm lần lượt 13,9% và 90,1% so với cùng kỳ; lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận giảm 67%, ghi nhận 139,5 tỷ đồng.

Ngược lại, Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) lãi 193,1 tỷ đồng trong quý II/2021, gấp 7,3 lần cùng kỳ, nhờ giá vốn giảm, hoạt động kinh doanh ổn định, có dòng tiền từ tiền gửi có kỳ hạn... Lũy kế 6 tháng đầu năm, tuy doanh thu giảm gần 15%, nhưng lãi sau thuế hơn 310 tỷ đồng, gấp 15 lần cùng kỳ.

Nhiệt điện Cẩm Phả (NCP) lãi 58,2 tỷ đồng trong quý II năm nay so với mức lỗ 64,3 tỷ đồng trong quý II năm ngoái, nhờ sản lượng và giá bán điện cao hơn, đồng thời Công ty ghi nhận thêm 31 tỷ đồng từ khoản chênh lệch tỷ giá năm 2015. Tuy nhiên, do khoản lỗ 71 tỷ đồng trong quý I, nên tính chung 6 tháng đầu năm 2021, NCP lỗ 12,8 tỷ đồng.

Nỗi lo chi phí tăng

Giá than nhiệt (dùng cho các nhà máy nhiệt điện) từ đầu năm đến nay tăng mạnh do nhu cầu nhập khẩu than của Trung Quốc. Giá than toàn cầu được nhận định có thể ở mức trên 130 USD/tấn trong những tháng cuối năm.

Giá dầu, khí đốt cũng có diễn biến tăng, trong đó, giá dầu được dự báo sẽ dao động quanh mức 75 USD/thùng trong năm 2021, sau đó giảm xuống mức 50 - 60 USD/thùng trong năm 2022. Theo đó, các công ty điện khí sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2021 trước khi hồi phục từ năm 2022.

Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, trong bối cảnh giá khí tăng, giá bán bình quân từ các nhà máy điện khí từ đầu năm 2021 cao hơn các nhà máy điện than, khiến các nhà máy điện khí trở nên kém cạnh tranh.

Đặc biệt, đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát, nhất là tại các trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương…, làm nhu cầu về điện sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp lo ngại, nếu các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất tạm dừng hoạt động quá lâu, áp lực lên tổng sản lượng thị trường bán buôn điện của các doanh nghiệp điện sẽ ngày càng lớn.

Tính riêng 2 ngày đầu tiên (19 - 20/7) thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch Covid-19 với 19 tỉnh/thành phố phía Nam, công suất đỉnh của toàn hệ thống điện miền Nam đã giảm gần 3.000 MW. Mức độ tiêu thụ điện ở khu vực miền Nam giảm khoảng 17% về công suất đỉnh và giảm 15% về sản lượng điện so với mức trung bình ngày thường của tuần trước đó.

Tin bài liên quan