Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội vừa báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương về thực trạng các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam trong năm 2018.
Ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO (Nhật Bản) tại Hà Nội cho biết, dự kiến, ngày 04/3/2019, tại Hà Nội, JETRO sẽ công khai Báo cáo về thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại châu Á - châu Đại dương, trong đó có Việt Nam.
Theo Báo cáo, cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực chế tạo, năm 2018 ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực phi chế tạo.
Đại diện JETRO cho biết thêm, tỷ lệ doanh nghiệp "có lãi" là 65,3%, tăng 0,2 điểm so với năm ngoái. Phân theo khu vực thì tỷ lệ có lãi của khu vực Bắc Bộ cao hơn các khu vực khác.
Ông Hironobu Kitagawa nhận định, năm 2019, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ có xu hướng đầu tư ở các địa phương nhiều hơn.
Báo cáo thực trạng các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam trong năm 2018 cho thấy, 70% doanh nghiệp tại Việt Nam có phương châm "mở rộng" hoạt động kinh doanh, so với các nước khác, tỷ lệ này tương đối cao. Đối với những doanh nghiệp thành lập trước năm 2010, có đến 67,1% doanh nghiệp có phương châm này.
Đại diện Văn phòng JETRO (Nhật Bản) tại Hà Nội khẳng định, Việt Nam tiếp tục có vị thế là điểm đến đầu tư. Một trong những động lực để các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư là do: doanh thu tăng; tiềm năng và tính tăng trưởng cao.
Ông Hironobu Kitagawa nhấn mạnh, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam từ sau năm 2010 có chiều hướng tăng dần. Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam vượt qua Malaysia.
“Đây là một kết quả tốt song vẫn cần tiếp tục nâng cao hơn nữa vì so với Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia thì tỷ lệ này vẫn còn chưa cao”, ông Hironobu Kitagawa nhìn nhận.
Bên cạnh các lợi thế, ông Hironobu Kitagawa cũng thẳng thắn chỉ ra những rủi ro về môi trường đầu tư tại Việt Nam. Trong đó có thể kể đến: giá nhân công tăng, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, thuế và thủ tục thuế phức tạp, thủ tục hành chính phức tạp, tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao. So với năm 2017, trừ hạng mục "hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện", ông Hironobu Kitagawa cho biết, 4 hạng mục còn lại đều "có cải thiện".