Doanh nghiệp nhà nước và tâm tư sau mặt báo

Doanh nghiệp nhà nước và tâm tư sau mặt báo

0:00 / 0:00
0:00
Cải cách doanh nghiệp nhà nước sau 30 năm đổi mới vẫn là một chủ đề nóng trên báo chí và sẽ tiếp tục còn nóng bỏng, khi những thay đổi lớn đang ở phía trước.

1. Chỉ còn một quý nữa, kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước năm 2020 sẽ phải hoàn tất.

“Chúng tôi muốn đẩy nhanh vì mang danh công ty cổ phần, nhưng nhiều quyết sách lớn vẫn phải trình duyệt trước khi người đại diện phần vốn nhà nước biểu quyết tại cuộc họp của HĐQT hay đại hội đồng cổ đông, khiến nhiều dự án lớn bị chậm”, vị giám đốc 1 doanh nghiệp còn gần 98% vốn nhà nước, có tên trong danh sách thoái toàn bộ vốn nhà nước trong năm 2020 than thở và cũng đề nghị, không muốn xuất hiện trên báo chí vì “nhạy cảm”.

Sự nhạy cảm mà vị này nói đến không chỉ là vào cuối năm nay, họ có thể lại có tên trong danh sách không hoàn thành kế hoạch thoái vốn, có thể phải truy cứu trách nhiệm người đứng đầu, mà còn ở khía cạnh, doanh nghiệp nhà nước giờ làm gì cũng có thể sai, nên đành “âm thầm làm cho được việc”.

“Nhiều chuyên gia nói, làm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước chỉ cần không lỗ là hoàn thành nhiệm vụ rồi, nhưng thực tâm, ghế lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước chưa bao giờ nóng theo đúng nghĩa đen như bây giờ. Chỉ riêng việc xoay xở để tuân thủ các quy định, vốn nhiều tầng nấc, vừa vượt lên những cách nhìn khá phiến diện, tiêu cực về doanh nghiệp nhà nước đã làm không ít người nhụt trí”, vị này nói, đầy tâm tư.

Tròn 3 tháng trước, khi chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về Quyết định 908/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020, vị lãnh đạo này cũng đã rất tâm tư.

Trong kinh tế thị trường, thành công của việc thoái vốn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, đặc biệt quan trọng là yếu tố thị trường, sự sẵn sàng tham gia của nhà đầu tư. Do đó, yêu cầu thoái vốn, dù theo tiến độ định trước, cũng cần được xử lý hài hòa, phù hợp với điều kiện thị trường cũng như đảm bảo yêu cầu tuân thủ pháp luật, tối ưu hóa lợi ích thu về cho nhà nước. Nhưng, Covid-19 với những cơn càn quét vô hình đang làm thay đổi tình thế.

Thực tế, việc giao kế hoạch thoái vốn và đôn đốc để các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước thực hiện kế hoạch có thể cần thiết, để nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; làm căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên và cũng tạo áp lực để đảm bảo một phần nguồn thu cho ngân sách nhà nước theo kế hoạch đã được duyệt.

“Lý do chậm thoái vốn, cổ phần hóa mấy năm nay là do cơ chế, chính sách chưa phù hợp, nếu không sửa đổi được, không đưa các quy định về sát với yêu cầu thị trường, để tâm nhiều hơn đến khả năng tài chính của nhà đầu tư, đến từng trường hợp thoái vốn, cổ phần hóa cụ thể, thay vì chỉ lo đảm bảo yêu cầu an toàn pháp lý cho nhà hoạch định chính sách, để cung - cầu gặp nhau thì thực không ai dám làm và cũng không thể làm nổi”, người đứng đầu một doanh nghiệp nhà nước nói, nhưng cũng là chia sẻ của nhiều đồng nghiệp.

2. Sau khi bài đầu tiên với tựa đề “Mơ được là doanh nghiệp đúng nghĩa” trong chùm 4 bài “Doanh nghiệp nhà nước trong lằn ranh thúc thủ và bứt tốc” của Báo Đầu tư trình làng, ông Ngô Văn Tuyển, vừa rời chức quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) vào tháng 4/2020 đã tham gia ý kiến.

“Tốt nhất là Nhà nước nên thoái vốn, để không phải có những nhận xét tiêu cực về doanh nghiệp nhà nước”, ông Tuyển nói.

Là người trong cuộc một thời gian dài, có mặt đủ các vai, từ đại diện vốn nhà nước trong doanh nghiệp cổ phần hóa, đại diện bên Việt Nam trong liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài…, nên ông cảm nhận đầy đủ thăng trầm, rào cản từ tư duy, chính sách với khu vực này.

“Doanh nghiệp nhà nước lớn làm sao khi bị khống chế tỷ lệ nợ trên vốn nhưng tiền làm ra không được giữ lại để tăng vốn. Có ai dám làm gì khi một doanh nghiệp nhà nước dù làm 7 vụ tốt, 3 vụ thua thì sẽ bị trị vì 3 vụ thua. Doanh nghiệp nhà nước sẽ tính lời lãi thế nào khi nhà nước vừa muốn thị trường, vừa muốn nắm cầu dao điện. Còn công tác nhân sự thì theo cơ chế bổ nhiệm, không theo tiêu chí chọn người tài thì làm sao doanh nghiệp phát triển…”, ông Tuyển đặt hàng loạt các vấn đề đang bó tay, bó chân khu vực doanh nghiệp nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế.

Quan điểm của ông Tuyển, cũng như nhiều chuyên gia kinh tế khác, là để các tập đoàn, tổng công ty có vốn nhà nước hoạt động hiệu quả, thì phải đảm bảo được các tiêu chí hoạt động của doanh nghiệp thực sự. Đó là, phải có khả năng chọn lựa được nhân sự quản trị, điều hành chuyên nghiệp và trao quyền tự chủ đối với hoạt động của toàn bộ nhóm công ty; phải được hoạt động bình đẳng, đúng quy luật thị trường; các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước không được can thiệp sâu rộng vào hoạt động của HĐQT bằng các quy chế quản lý bất cân xứng với vai trò của các cổ đông ngoài nhà nước…

“Nếu các cơ quan nhà nước có trách nhiệm chọn lựa nhân sự mà chọn không đúng và hoặc muốn can thiệp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp thì phải đồng chịu trách nhiệm khi có những vấn đề xảy ra. Nhà nước có thể sử dụng chính tiền lãi của doanh nghiệp nhà nước để hỗ trợ an sinh xã hội, chứ không thể bắt doanh nghiệp hoạt động bao cấp, hay bình ổn thị trường. Nếu không đáp ứng được các yêu cầu trên, Nhà nước chỉ nên giữ lại vốn nhà nước chiếm 51% trở lên ở các doanh nghiệp liên quan đến an ninh và chủ quyền quốc gia”, ông Tuyển thẳng thắn.

Nhiều vị giám đốc doanh nghiệp nhà nước không chỉ chia sẻ suy nghĩ này, mà cảm thấy lo lắng khi đang có những dấu hiệu giảm tốc, trì trệ của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

“Nếu chúng ta không kịp thời, không khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp nhà nước, chúng ta sẽ có tội, có lỗi là không khẳng định được, không phát huy được, không xứng đáng với vai trò, vị trí của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, các ngân hàng thương mại nhà nước. Hệ quả của nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của không chỉ của khu vực doanh nghiệp nhà nước, mà là cả nền kinh tế những năm tới”, thành viên HĐTV một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam chia sẻ.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), khu vực doanh nghiệp nhà nước có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thấp hơn tốc độ tăng trưởng nguồn vốn kinh doanh. So với doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, khu vực này có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thấp hơn. Nói cách khác, doanh nghiệp nhà nước đang phải sử dụng nhiều vốn hơn để tạo ra 1 đơn vị giá trị sản phẩm đầu ra, là một yếu tố làm giảm hiệu quả đầu tư của khu vực này.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gửi lấy ý kiến Dự thảo Đề án Áp dụng quản trị hiện đại đối với doanh nghiệp nhà nước, minh bạch hóa hoạt động đầu tư, kinh doanh của chủ sở hữu nhà nước.

Mục tiêu của Đề án là đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp nhà nước để góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Quan trọng là, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh…

Theo Đề án, đến năm 2025, hầu hết doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hỗn hợp, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, chủ yếu là công ty đại chúng và có cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán; áp dụng đầy đủ các thông lệ tốt về quản trị doanh nghiệp nhà nước, cụ thể là tuân thủ các nguyên tắc tại Bộ hướng dẫn quản trị doanh nghiệp nhà nước của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Chúng ta không thiếu người tài, không thiếu người tâm huyết, trách nhiệm với đất nước, nhưng thiếu cơ chế để sử dụng họ.

Một mục tiêu đầy tham vọng cũng được đặt ra, là có nhiều doanh nghiệp nhà nước niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán lớn trên thế giới.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, cho rằng, mục tiêu này không hề quá tham vọng, mà cần phải được đặt ra để làm ngay, vì đó là việc đáng ra phải làm từ lâu.

Xét về quy mô, lĩnh vực hoạt động, tiềm lực phát triển, nhiều tập đoàn hàng đầu của Việt Nam không thua kém các tập đoàn toàn cầu. CIEM đã từng tính toán, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khu vực doanh nghiệp nhà nước đang có cơ hội gia tăng hiệu quả, năng suất lao động và sức cạnh tranh hơn.

“Tôi nhìn thấy ở khu vực này tiềm lực lớn khi thay đổi. Viettel là một ví dụ”, ông Cung lý giải khi chia sẻ những gì tận mắt chứng kiến trong mô hình, cách thức quản trị trên cơ sở dữ liệu lớn, theo thời gian thật mà ông gọi nên là hình mẫu của cả khu vực doanh nghiệp nhà nước. Viettel được giới nghiên cứu nhắc tới như một trường hợp đặc biệt. Thành lập năm 1989, sau gần 30 năm, Viettel liên tục làm bùng nổ thị trường viễn thông di động ở nhiều thị trường, đã bước vào nhóm 15 doanh nghiệp viễn thông hàng đầu thế giới…

“Chúng ta không hề thiếu người tài, không thiếu người tâm huyết, trách nhiệm với đất nước, nhưng thiếu cơ chế, thể chế để tận dụng và sử dụng những con người ấy. Tôi bỗng nghĩ, nếu có cơ chế, có thể ông Vượng (ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup) sẽ nhận lãnh đạo một tập đoàn có vốn nhà nước. Những con người như họ có thể chỉ cần vị trí, cần ghế để được làm việc, được đóng góp cho quốc gia chứ không phải để hưởng lợi, để kiếm tiền”, ông Cung bày tỏ suy nghĩ.

Quan điểm cá nhân của ông Cung chỉ là một ví dụ, nhưng cho thấy cơ hội về khả năng lớn lên, mạnh hơn của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Mấu chốt vẫn là thể chế để cơ hội đó được thực hiện.

Tin bài liên quan