Doanh nghiệp nhà nước hậu cổ phần hóa: Rối như tơ vò

Doanh nghiệp nhà nước hậu cổ phần hóa: Rối như tơ vò

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ tỷ lệ chi phối gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, bởi “mắc kẹt” trong cách thức quản lý nặng tính hành chính và tâm lý sợ trách nhiệm của người đứng đầu.

Khó tăng vốn, bán vốn

Tăng vốn, bán vốn là một trong những phương thức huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp và đây cũng là lợi ích của các doanh nghiệp khi tham gia thị trường chứng khoán.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, với các công ty mà cổ đông Nhà nước vẫn giữ tỷ lệ sở hữu chi phối, bất kỳ một tình huống nào dẫn tới sự thay đổi tỷ lệ nắm giữ vốn của cổ đông nhà nước đều không đơn giản.

Doanh nghiệp nhà nước hậu cổ phần hóa: Rối như tơ vò  ảnh 1

Ông Ngô Văn Tuyển là Thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM). Ông Tuyển từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Công ty Diesel Sông Công, Phó tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam, Thành viên HĐTV Công ty TNHH Honda Việt Nam và Quyền Tổng giám đốc VEAM.  

Nỗi lo sợ của người quyết định liên quan đến bán vốn nhà nước lớn đến mức họ chấp nhận bị phê phán là trì trệ, chứ không hành động.

Bởi sau khi bán cổ phần, giá cổ phiếu xuống thì họ được yên ổn, chứ sau đó thị trường thuận lợi, giá cổ phiếu lên, những người chịu trách nhiệm rất có thể phải đối mặt với rủi ro bất cứ lúc nào.

Hối thúc doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên giao dịch/niêm yết trên thị trường chứng khoán ngay sau cổ phần hóa, nhưng bản thân chủ sở hữu nhà nước lại không dễ gì chấp nhận thực tế thị trường, khiến cho mục tiêu tham gia thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ là nửa vời.

Phần lớn các doanh nghiệp cổ phần hóa có cổ phiếu niêm yết, các nhà đầu tư trao đổi mua bán số cổ phiếu không phải của Nhà nước, trong nhiều trường hợp có số lượng rất ít ỏi. Số cổ phần của Nhà nước không thể trở thành hàng hoá.

Trên thực tế, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) cũng như Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) không có thực thể kinh doanh vốn linh hoạt như các nhà đầu tư bên ngoài đối với phần vốn của mình tại doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trực thuộc bộ, ban, ngành lại càng bế tắc.

Kênh thông tin giữa nhà đầu tư và các doanh nghiệp cổ phần hóa gần như phụ thuộc hoàn toàn vào quan điểm, tư duy của người đứng đầu doanh nghiệp, chứ không phải sự nhận thức về nhu cầu tự nhiên cần phải có của doanh nghiệp.

Trong rất nhiều trường hợp, giá cổ phiếu chỉ phản ánh những kết quả hoạt động ngắn hạn của doanh nghiệp, mà thiếu sự quan tâm lâu dài của các nhà đầu tư, do thiếu các thông tin từ doanh nghiệp.

Đại diện chủ sở hữu nhà nước giữ nhiều quyền can thiệp

Các nhà đầu tư khi tiếp cận với doanh nghiệp có vốn nhà nước luôn vấp phải một thực tế là doanh nghiệp luôn có những vấn đề phải xin ý kiến cổ đông nhà nước. Trong khi theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Đại hội đồng cổ đông mới là cơ quan quyết định cao nhất.

Các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước hiện giữ nhiều quyền can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, nhưng lại thiếu chuyên nghiệp và trách nhiệm không rõ ràng.

Tóm lại, các doanh nghiệp nhà nước sau khi thực hiện cổ phần hóa vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động.

Các cơ quan đại diện chủ sở hữu không phải là các cổ đông thực thụ nên phải đặt ra các hành lang pháp lý và can thiệp vào các hoạt động điều hành của doanh nghiệp một cách không tương thích với vai trò của các cổ đông khác trong công ty.

Nếu Nhà nước vẫn xác định quá trình cổ phần hóa là tất yếu thì đối với doanh nghiệp mà Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối, chỉ quản lý doanh nghiệp bằng mục tiêu và lựa chọn đúng nhân sự thực hiện được mục tiêu ấy.

Còn nếu vẫn duy trì hình thức quản lý bằng cách can thiệp vào quá trình ra quyết định và hoạt động điều hành doanh nghiệp thì chỉ riêng tình trạng sợ trách nhiệm cũng đã đủ là một lực cản quá lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan