SCIC đang xây dựng lộ trình chuyển đổi mô hình, từ tổng công ty sang quỹ đầu tư chính phủ, với mục tiêu thúc đẩy đầu tư nhà nước trong giai đoạn mới.

SCIC đang xây dựng lộ trình chuyển đổi mô hình, từ tổng công ty sang quỹ đầu tư chính phủ, với mục tiêu thúc đẩy đầu tư nhà nước trong giai đoạn mới.

Doanh nghiệp nhà nước cần được chủ động đầu tư

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Bên cạnh nguồn lực đầu tư tư nhân, đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) kỳ vọng được “cởi trói” với mong muốn sẽ kích hoạt các nguồn lực đầu tư khác, hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn nhiều thách thức hiện nay. Ông Đinh Việt Tùng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trao đổi về vấn đề này.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 161/NQ-CP về đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả của khu vực DNNN. Theo ông, để thúc đẩy đầu tư nhà nước cần cụ thể hóa các chính sách như thế nào?

Thúc đẩy đầu tư của khu vực DNNN là cần thiết và có tầm quan trọng không còn phải bàn cãi, việc này đã được thể hiện tại các nghị quyết, văn kiện của Đảng, dự thảo văn kiện Đại hội XIII và các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm.

Đầu tư của Nhà nước vào DNNN là rất cần thiết, vì đây là các lĩnh vực tạo động lực cho nền kinh tế, ví dụ cơ sở hạ tầng, viễn thông, năng lượng, công nghệ mới… Sự đầu tư của Nhà nước sẽ tạo “vốn mồi”, thu hút các nguồn lực xã hội.

Để thúc đẩy đầu tư ở khu vực DNNN, tôi cho rằng có 4 vấn đề lớn cần phải xem xét.

Một là, sửa đổi các quy định pháp luật để phục vụ cho các hoạt động đầu tư nhà nước phù hợp với các quy luật kinh tế thị trường và tạo tính chủ động cho DNNN trong quyết định hoạt động đầu tư.

Hai là, tăng quy mô vốn. Có vốn mới đầu tư được nên phải tăng vốn cho các doanh nghiệp, để lại nguồn lực cho doanh nghiệp. Đồng thời, thành lập quỹ đầu tư của Chính phủ. Khi đó, SCIC trong vai trò là nhà đầu tư tài chính cùng các nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chuyên ngành như năng lượng, viễn thông, dầu khí, cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, nông nghiệp... tạo ra các dự án, tạo vốn mồi, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp khác để cùng Nhà nước thực hiện hoạt động đầu tư.

Ba là vấn đề con người, phải có cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, đãi ngộ, lương thưởng cho những nhân sự, lãnh đạo gánh trách nhiệm trong DNNN, tạo động lực cho họ phát huy chất xám trong chỉ đạo doanh nghiệp về hoạt động đầu tư.

Bốn là, có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và đặt lợi ích của doanh nghiệp, của Nhà nước lên trên hết.

Bốn yếu tố đó là cơ sở quan trọng để thúc đẩy đầu tư của Nhà nước vào doanh nghiệp trong thời gian tới.

SCIC đang xây dựng lộ trình chuyển đổi mô hình, từ tổng công ty sang quỹ đầu tư chính phủ, với mục tiêu thúc đẩy đầu tư nhà nước trong giai đoạn mới. Ông có thể nói rõ hơn về việc này?

Ông Đinh Việt Tùng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

Ông Đinh Việt Tùng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

Dự thảo Chiến lược phát triển SCIC giai đoạn 2020 - 2030 và tầm nhìn đến 2035 xác định định hướng tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn, thực hiện tốt vai trò là nhà đầu tư của Chính phủ, hướng tới mục tiêu trở thành quỹ đầu tư của Chính phủ.

Việc phát triển SCIC theo mô hình quỹ đầu tư chính phủ phù hợp với sự chuẩn bị và chuyển hướng trong chiến lược hoạt động của Tổng công ty.

Theo đó, sau năm 2025, SCIC sẽ chuyển trọng tâm từ quản trị doanh nghiệp sang đầu tư, kinh doanh vốn một cách tích cực và chủ động. Thông qua đó, SCIC sẽ thực hiện đầy đủ và rõ nét hơn vai trò là nhà đầu tư của Chính phủ, với mục tiêu tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế hoặc Nhà nước cần tiếp tục nắm giữ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp.

Trong Thông báo số 186/TB-VPCP ngày 22/5/2020 về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc về định hướng chiến lược phát triển SCIC, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo định hướng chuyển đổi mô hình hoạt động của SCIC sang mô hình quỹ đầu tư chính phủ.

Việc chuyển đổi mô hình hoạt động SCIC thành quỹ đầu tư chính phủ dự kiến sẽ triển khai từ nay đến năm 2025.

Trong giai đoạn 2020 - 2025, SCIC sẽ dần chuyển hướng từ hoạt động tiếp nhận, quản trị doanh nghiệp và bán vốn sang tập trung đầu tư vào ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả và ngành, lĩnh vực Nhà nước cần tiếp tục nắm giữ chi phối để thực hiện vai trò then chốt của DNNN.

Đồng thời, đẩy mạnh triển khai hoạt động đầu tư, thực hiện tốt vai trò nhà đầu tư chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ và cơ chế được giao.

SCIC sẽ triển khai xây dựng Đề án chuyển đổi mô hình thành quỹ đầu tư chính phủ, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, chuẩn bị các điều kiện tiền đề để hoạt động theo mô hình quỹ đầu tư chính phủ như thể chế, quy trình, quy chế, quy mô năng lực tài chính, nguồn nhân lực... Sau năm 2025, SCIC sẽ hoạt động theo mô hình quỹ đầu tư chính phủ.

Cùng là các tổ chức 100% vốn nhà nước, vậy SCIC là tổng công ty hay là quỹ đầu tư chính phủ, sự khác nhau về hoạt động đầu tư như thế nào?

Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa mô hình tổng công ty và mô hình quỹ đầu tư là tính tự chủ, tự quyết trong hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn cũng như quy mô của nguồn vốn được quản lý.

Nếu vận hành dưới hình thức tổng công ty nhà nước như hiện nay, SCIC vẫn sẽ gặp phải những vướng mắc về cơ chế và hành lang pháp lý áp dụng chung cho mọi DNNN, trong khi hoạt động của SCIC rất đặc thù.

Khi chuyển sang mô hình quỹ đầu tư chính phủ, cùng với các quy định pháp lý chuyên ngành được ban hành, SCIC sẽ được “cởi trói” và thực sự “lớn lên”, chủ động triển khai các hoạt động kinh doanh của mình.

Theo các quy định hiện nay, DNNN không được đầu tư vào bất động sản, ngân hàng, công ty quản lý quỹ. Quy định như vậy sẽ rất khó cho hoạt động đầu tư của SCIC trong vai trò là DNNN.

Bên cạnh đó là quy định về bảo toàn vốn. Thông thường, một khoản đầu tư không thể phát huy hiệu quả trong năm đầu, trong khi đánh giá hiệu quả đầu tư của DNNN tính theo từng năm.

Đầu tư trên thị trường có khoản lỗ, khoản lãi, nhưng các quy định hiện nay đánh giá từng khoản đầu tư nên rất khó cho DNNN. Nếu chuyển sang quỹ đầu tư, việc đánh giá sẽ theo danh mục và việc đầu tư mới khả thi.

Hiện SCIC đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng. Chúng tôi mua theo giá thị trường nhưng khi bán lại phải theo các quy định về định giá đất đai, thương hiệu, vị trí địa lý, lịch sử…, nên rất khó bán. Mô hình quỹ đầu tư sẽ giải quyết được nút thắt này.

Khi chuyển sang mô hình quỹ đầu tư, việc quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn do SCIC thực hiện, nhưng tính chất của mối quan hệ giữa SCIC và doanh nghiệp sẽ có sự thay đổi đáng kể.

Theo đó, SCIC có điều kiện để thể hiện rõ vai trò “cổ đông năng động” và hỗ trợ tích cực doanh nghiệp trong việc cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp theo thông lệ tốt nhất.

Đặc biệt, do được vận hành trong hành lang pháp lý mới thông thoáng hơn, phù hợp hơn với mô hình quỹ đầu tư chính phủ nên việc SCIC ra các quyết định quan trọng liên quan đến hoạt động kinh doanh, đầu tư... của doanh nghiệp sẽ nhanh nhạy hơn và thực sự gắn với thị trường, thay vì bị ràng buộc bởi nhiều quy định pháp luật chung cho các DNNN như hiện nay.

Tin bài liên quan