Giá hạt nhựa đang neo ở vùng cao nhất trong lịch sử.

Giá hạt nhựa đang neo ở vùng cao nhất trong lịch sử.

Doanh nghiệp ngành nhựa rơi vào khốn đốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngoài áp lực chi phí nguyên liệu tăng mạnh, việc đứt gãy sản xuất đang đẩy các doanh nghiệp ngành nhựa vào tình cảnh khó khăn chưa từng thấy.

Gánh nặng chi phí nguyên vật liệu kéo lùi lợi nhuận

Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai (mã DNP) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với doanh thu thuần đạt 1.170,3 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 3,56 tỷ đồng, giảm tới 85%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 2.025,7 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 4,52 tỷ đồng, tương ứng tăng 33% về doanh thu và giảm 83% về lợi nhuận so với cùng kỳ.

DNP cho biết, nguyên liệu hạt nhựa tăng mạnh, cùng với các chi phí hỗ trợ khách hàng, chi phí lưu kho, chi phí logistic đều gia tăng so với năm trước là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Công ty giảm sâu.

Doanh nghiệp cùng ngành là Công ty cổ phần Nhựa Đông Á (mã DAG) báo cáo doanh thu thuần quý II/2021 giảm 4,6% so với cùng kỳ, xuống 587 tỷ đồng; lãi ròng giảm 81,5%, đạt vẻn vẹn 393 triệu đồng.

Nhờ tình hình kinh doanh quý I tương đối tích cực nên kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm của DAG vẫn tăng trưởng, với doanh thu 1.109 tỷ đồng, lãi ròng đạt 3,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 36,6% và 9% so với cùng kỳ.

DAG lý giải, việc lợi nhuận giảm mạnh trong quý II chủ yếu là do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh.

Quý vừa qua, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (mã BMP) – doanh nghiệp đầu ngành nhựa - dù ghi nhận doanh thu thuần 1.452 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, song lãi ròng lại giảm 73%, xuống còn 42 tỷ đồng. Biên lãi gộp trong kỳ giảm từ 28,3% xuống chỉ còn 12,8%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, BMP đạt 2.606 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 15% so với cùng kỳ song lãi ròng đạt 126 tỷ đồng, giảm 51%. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 10 năm qua của BMP.

Hiệu quả kinh doanh của BMP trong tháng 7 còn xấu hơn khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam, nơi đặt cơ sở sản xuất và cũng là thị trường tiêu thụ trọng điểm của Công ty.

BMP lỗ 3,7 tỷ đồng trong tháng 7, đây là lần đầu tiên Công ty báo lỗ kể từ khi hoạt động.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc BMP cho biết, sản lượng bán hàng trong tháng 7 của Công ty giảm 44%, xuống 5.213 tấn, tương ứng doanh thu cũng giảm gần 39% so với cùng kỳ, xuống mức 244 tỷ đồng. Việc giá nguyên liệu đầu vào tăng khiến BMP lỗ 3,7 tỷ đồng trong tháng 7, đây là lần đầu tiên Công ty báo lỗ kể từ khi hoạt động.

Theo ông Ngân, “trong lịch sử, chưa bao giờ giá nguyên liệu nhựa cao như trong nửa đầu năm nay, đó là tác động cực kỳ lớn với hầu hết các doanh nghiệp nhựa”.

Tại Công ty cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng (mã TPC), trong quý II/2021, dù doanh thu thuần đạt 266,8 tỷ đồng, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm ngoái, song lãi ròng vẫn giảm 25%, về mức 6 tỷ đồng. Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu thuần của TPC đạt 462,9 tỷ đồng, lãi ròng đạt 9,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 16,6% và giảm 13,6%.

Giá nguyên liệu nhựa tăng mạnh cùng với xu hướng tăng của các hàng hóa cơ bản do đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Trong báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), giá hạt nhựa PVC đạt mức cao kỷ lục với 1.600 USD/tấn vào hồi giữa tháng 4. Sau đó, dù đã hạ nhiệt xuống 1.360 USD/tấn nhưng giá hạt nhựa PVC vẫn tăng 9% so với đầu năm 2021 và tăng 54% so với giá bình quân năm 2020.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), nguyên liệu sản xuất trong nước mới đáp ứng khoảng 15 - 25% nhu cầu của các doanh nghiệp nhựa cho các chủng nguyên liệu nhựa, còn 85% vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực ASEAN.

Đối với nguyên liệu nhựa PP dùng trong sản xuất nhựa công nghiệp và gia dụng, Việt Nam mới đáp ứng được 850.000 tấn/năm, kể cả khi chạy hết công suất các nhà máy. Trong khi đó, dự kiến năm 2021, các doanh nghiệp phải tiêu thụ khoảng 2,045 triệu tấn nhựa PP. Hiện giá nhập khẩu nguyên liệu PP đang ở mức khoảng 1.300 USD/tấn.

… và đình trệ sản xuất vì Covid-19

Theo VPA, cả nước đang có gần 3.000 doanh nghiệp nhựa, với hơn 300.000 lao động, trong đó 70% doanh nghiệp đang hoạt động tại TP.HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh.

Năm 2020, doanh thu toàn ngành nhựa đạt khoảng 22,18 tỷ USD và vẫn duy trì đà tăng trưởng ở mức 10,9% so với năm 2019. Tuy nhiên, việc giá nguyên vật liệu tăng nóng, cùng với sự bùng phát mạnh của Covid-19 đã khiến toàn ngành điêu đứng.

Những tháng cuối năm, dự báo các doanh nghiệp ngành này sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn, do các lệnh giãn cách xã hội dự kiến sẽ còn kéo dài ít nhất là tới giữa tháng 9/2021.

Hiện nhiều doanh nghiệp nhựa nằm trong khu phong tỏa, hoạt động chỉ đạt 30- 50% công suất, ảnh hưởng đến doanh thu và dòng tiền của Công ty. Riêng Nhựa Bình Minh, ông Ngân cho biết, hiện Công ty chỉ duy trì hoạt động khoảng 20% công suất, đồng thời tạm ngừng nhiều hoạt động của nhà máy.

Trước tình hình đó, VPA đã có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhựa vượt qua khó khăn.

Theo đó, VPA đề xuất giãn nợ cho các doanh nghiệp trong 6 tháng tới, với cả khoản vay ngắn hạn và dài hạn và giảm tiếp 2 - 3%/năm lãi suất cho vay đối với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19.

Ngoài ra, VPA đề xuất giảm thuế đất của năm 2021 để bù đắp cho các doanh nghiệp những tháng phải ngừng hoạt động, cho doanh nghiệp lùi thời gian đóng các khoản thuế, bảo hiểm xã hội trong 6 tháng tới để giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Mặt khác, các thành viên của VPA cũng đề cập đến việc bỏ quy định chỉ hàng hóa thiết yếu mới được lưu thông, thay vào đó là cho phép lưu thông trong điều kiện bình thường nếu đảm bảo phòng chống dịch, như đề xuất của Bộ Công Thương ngày 27/7/2021.

Hiệp hội cũng mong muốn bổ sung doanh nghiệp nhựa vào nhóm ưu tiên bên cạnh các ngành điện tử, dệt may, da giày, ô tô, thép, chế biến nông sản, thực phẩm…

Đặc biệt, VPA kiến nghị không tiếp tục duy trì áp dụng sản xuất “3 tại chỗ”, mà bổ sung các hình thức khác cho doanh nghiệp được lựa chọn. VPA cũng trông đợi được áp dụng nguyên tắc “lây nhiễm ở đâu, làm sạch ở đó, tiếp tục hoạt động”.

Riêng vấn đề nguyên liệu, VPA đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng xem xét giữ nguyên mức thuế suất nhập khẩu nguyên liệu nhựa PP là 3% như hiện nay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua thử thách trong thời gian tới. Tuy vậy, chính sách hỗ trợ về thuế cũng chỉ giải quyết phần rất nhỏ, bởi giá nguyên vật liệu tăng là vấn đề của toàn cầu.

“Khả năng trở về hoạt động bình thường của doanh nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình của dịch bệnh. Với điều kiện về vận chuyển, tổ chức sản xuất tại chỗ, nhu cầu thị trường, yếu tố khách hàng như hiện nay thì tình hình chưa thể cải thiện được”, ông Ngân đánh giá.

Tin bài liên quan