Doanh nghiệp ngành điện: Ăn thua nhờ giá

Doanh nghiệp ngành điện: Ăn thua nhờ giá

(ĐTCK) Với các doanh nghiệp ngành điện, việc đàm phán giá điện là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp xác định kết quả kinh doanh. Nhiều năm qua, không ít doanh nghiệp chỉ hạch toán với giá tạm tính, sau khi có giá chính thức mới điều chỉnh.

Ông Võ Thành Trung, Tổng giám đốc CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) cho biết, sau hơn 4 năm chờ đợi, VSH đã đàm phán được giá điện với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Mặc dù giá điện chưa được nhiều cổ đông thuận vì khá thấp (từ năm 2010 đến năm 2013 giá điện dao động từ 370 đồng đến 450 đồng/kwh) nhưng cũng là cơ sở để Công ty hạch toán con số cụ thể.

Về giá điện từ năm 2014 trở đi, ông Trung cho biết, EVN thống nhất mức giá 333,37 đồng/kwh đối với Nhà máy Vĩnh Sơn và 461,82 đồng/kwh đối với Nhà máy Sông Hinh. Tuy nhiên, giá bán điện năm 2014 của VSH có thể sẽ được điều chỉnh khi có hướng dẫn mới về cách tính giá mua bán điện của các cơ quan chức năng nhà nước. Mặc dù vậy, EVN trong thời gian qua đã tăng giá điện bán lẻ sinh hoạt nhiều lần, và đang “rục rịch” tăng giá điện, nhưng giá mua điện tại VSH lại không tăng là bất hợp lý.

Ông Trung cho biết, năm 2014, sản lượng tiêu thụ điện của VSH giảm do lưu lượng nước về hồ thủy điện trong năm 2014 giảm so với năm ngoái. Mặc dù vậy, dự kiến VSH sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 484,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 214,6 tỷ đồng.

CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) cũng đã thực hiện đàm phán xong giá điện với EVN. Giá bán điện PPC được tính dựa trên biên giá cố định và giá biến động. Trong đó, giá cố định năm 2014 giảm so với năm 2013, nhưng giá biến động (theo giá than) lại tăng do giá than trong năm 2014 tăng mạnh. Mặc dù vậy, so với tổng thể thì giá điện mới đàm phán giảm hơn so với năm 2013, nên lợi nhuận đến từ hoạt động sản xuất - kinh doanh trong quý IV/2014 của Công ty dự kiến cũng giảm hơn so với cùng kỳ năm 2014.

Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Thế Sơn, Kế toán trưởng CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) cho biết, 6 tháng cuối năm 2014, đồng Yên Nhật (JPY) giảm giá so với VND, nên khoản nợ hơn 25 tỷ Yên đã mang lại cho PPC thêm hơn 300 tỷ đồng lợi nhuận từ chênh lệch tỷ giá trong cả năm 2014. Về hoạt động kinh doanh, ông Sơn cho biết, chưa có con số cụ thể, nhưng lợi nhuận quý IV/2014 đạt cao hơn so với bình quân 3 quý đầu năm do Công ty thực hiện giãn khấu hao tài sản cố định và hạch toán trong kỳ.

Trong khi hầu hết doanh nghiệp trong ngành đã đàm phán xong giá điện thì CTCP Nhiệt điện Ninh Bình (NBP) hiện tại vẫn chưa chốt được giá điện năm 2014 với EVN. Ông Phạm Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT NBP cho biết, so với kế hoạch lợi nhuận 9 tỷ đồng thì đến nay, Công ty đã vượt xa (9 tháng đầu năm 2014, Công ty đã đạt hơn 25 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế). Tuy nhiên, ông Hòa cho biết, hiện NBP đang hạch toán kết quả kinh doanh năm 2014 dựa trên giá điện của năm 2013.

Năm 2014, CTCP Nhiệt Điện Bà Rịa (BTP) sẽ vượt xa kế hoạch cả năm với mức lợi nhuận dự kiến trên 120 tỷ đồng (theo kế hoạch là hơn 53 tỷ đồng), nguồn thu từ chênh lệch tỷ giá góp phần rất lớn trong tỷ trọng thu của Công ty. Khoản nợ vay của BTP hiện tại là 683,2 tỷ đồng, trong đó các khoản vay gốc ngoại tệ đến từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc - EDCF là 33,7 tỷ KRW, tương đương 617 tỷ đồng và khoản vay từ EVN hơn 3 triệu USD, tương đương 66,2 tỷ đồng. Trong quý III/2014, riêng khoản lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện được BTP ghi nhận gần 29 tỷ đồng và quý IV/2014, BTP tiếp tục được hưởng lợi từ biến động tỷ giá.

Trao đổi với ĐTCK, đại diện BTP cho biết, lợi nhuận của doanh nghiệp ngành điện phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó giá bán điện cũng là một yếu tố quan trọng. Trả lời câu hỏi vì sao mức lợi nhuận trong năm 2015 của BTP lại đặt ra khá “khiêm tốn” (74,1 tỷ đồng) so với mức thực hiện trong năm 2014, lãnh đạo BTP cho biết, cũng như các doanh nghiệp điện khác thuộc EVN, giá điện năm 2015 của Nhiệt điện Bà Rịa sẽ phụ thuộc vào kết quả đàm phán giữa Công ty và EVN trong thời gian tới.

Tin bài liên quan