Để giảm thiểu rủi ro nợ xấu, các ngân hàng nên tăng trích lập dự phòng. Ảnh: Đức Thanh

Để giảm thiểu rủi ro nợ xấu, các ngân hàng nên tăng trích lập dự phòng. Ảnh: Đức Thanh

Doanh nghiệp, ngân hàng đồng thanh xin khoanh nợ

0:00 / 0:00
0:00
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa đề xuất khoanh nợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp cũng đồng loạt xin khoanh nợ.

Cơ cấu nợ không còn khiến doanh nghiệp mặn mà

Ảnh hưởng của Covid-19 đang quá nặng nề, khiến Thông tư 03/2021/TT-NHNN (Thông tư 03) không còn là giải pháp mong chờ của doanh nghiệp. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư với mức độ căng thẳng ngoài dự đoán đã hoàn toàn đánh gục các doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn.

Thực tế, giải pháp cơ cấu nợ, lùi thời hạn trả nợ đến cuối năm 2021 theo Thông tư 03 như hiện nay, theo ông Liên, không nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận, mà có tiếp cận được thì cũng không mấy tác động đến doanh nghiệp vận tải, bởi dịch bệnh chưa biết đến khi nào mới kết thúc. Chính vì vậy, ông Liên đề nghị, Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu hơn để hỗ trợ doanh nghiệp, đó là khoanh nợ. Lý do là, nếu lùi thời hạn trả nợ thêm vài tháng nữa, doanh nghiệp vận tải vẫn chưa thể có nguồn thu để trả nợ.

Không chỉ ngành vận tải, mà rất nhiều doanh nghiệp ngành du lịch, xuất khẩu, thậm chí cả doanh nghiệp ngành hàng thiết yếu cũng đề xuất khoanh nợ. Trong loạt giải pháp mà Hội Doanh nhân trẻ kiến nghị tới Chính phủ, giải pháp đầu tiên để hà hơi, tiếp sức doanh nghiệp là khoanh nợ ít nhất đến tháng 6/2022.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu nợ (sau này sử đổi thành Thông tư 03), khi mới ban hành, đã hỗ trợ rất thiết thực cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thông tư này chỉ phát huy tốt hiệu quả trong giai đoạn đầu, khi doanh nghiệp còn nhìn thấy cơ hội phục hồi. Trong bối cảnh phong tỏa, giãn cách xã hội lan rộng như hiện nay, Thông tư 03 trở thành liều thuốc quá nhẹ và nếu không có chính sách khoanh nợ hoặc kéo dài thời hạn hiệu lực của Thông tư 03 đến khi dịch bệnh kết thúc, thì nợ xấu sẽ bùng lên ngay cuối năm nay.

Thực tế, không chỉ doanh nghiệp, mà ngân hàng cũng hết sức sốt ruột mong Chính phủ có chính sách khoanh nợ. Theo Hiệp hội Ngân hàng, Covid-19 đang khiến khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm nghiêm trọng, nợ xấu có nguy cơ vọt tăng, trong khi Thông tư 03 chỉ có hiệu lực đến cuối năm nay, nên không chỉ khiến doanh nghiệp, mà cả ngân hàng cũng hết sức lo lắng.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng thừa nhận, Thông tư 03 chưa quy định cho phép các tổ chức tín dụng được khoanh nợ không tính lãi đối với các số dư nợ được cơ cấu nợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện nay, việc khoanh nợ không tính lãi mới chỉ được áp dụng đối với các khoản vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 116/2018/NĐ-CP.

Chính vì vậy, trong buổi làm việc cuối tuần qua, Hiệp hội Ngân hàng và các ngân hàng thương mại thành viên đã thống nhất kiến nghị Ngân hàng Nhà nước kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch Covid-19, thay vì đến hết năm 2021 như hiện tại.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước có cơ chế khoanh nợ không tính lãi trong một khoảng thời gian hợp lý, áp dụng với số dư nợ được cơ cấu nợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mà không phân biệt mục đích sử dụng vốn.

Khoanh nợ, ngân sách khó gánh nổi chi phí

Đối phó với tình trạng nợ xấu ngân hàng tăng nhanh, theo chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch, giải pháp duy nhất hiện nay là các ngân hàng phải chủ động tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro. Lợi nhuận và nguồn lực dự phòng khá dồi dào thời gian qua chính là điều kiện thuận lợi để ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nguy cơ nợ xấu do Covid-19 bùng lên là rất lớn. Trong khi đó, lợi nhuận ngân hàng có hạn và không thể trích lập dự phòng rủi ro kịp thời nếu nợ xấu diễn biến quá nhanh.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, nên có cơ chế khoanh nợ cho ngân hàng, doanh nghiệp. Bởi dù lợi nhuận các ngân hàng công bố 6 tháng khá lớn, song cũng có phần ảo bởi nợ xấu đang bị đẩy lùi về tương lai (do áp dụng Thông tư 03). Khi Thông tư 03 hết hiệu lực, nợ xấu “lộ sáng”, bức tranh lợi nhuận ngân hàng có thể đảo ngược.

Tại buổi họp giữa các ngân hàng thương mại với Hiệp hội Ngân hàng cuối tuần qua, nhiều ngân hàng đã đề nghị giãn thời hạn trích lập dự phòng rủi ro cho nợ cơ cấu trong vòng 5 năm, thay vì 3 năm như quy định hiện hành. Việc này cho thấy, các ngân hàng đã bắt đầu cảm nhận rõ ràng sức nóng của nợ xấu.

Mặc dù khoanh nợ là mong mỏi của cả doanh nghiệp và ngân hàng để đối phó với thực tế nợ xấu đang có nguy cơ tăng nhanh, song TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc khoanh nợ không đơn giản, vì liên quan đến ngân sách. Để thực hiện được chính sách này, Chính phủ phải có nguồn ngân sách để trả nợ thay cho doanh nghiệp, nếu hết thời gian khoanh nợ mà doanh nghiệp vẫn không thể trả nợ. Đây là điều rất khó.

Giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, giảm nợ xấu hiện nay, theo các chuyên gia là Chính phủ phải đẩy nhanh các chính sách hỗ trợ hiện hành. Đồng thời, nghiên cứu thêm các gói hỗ trợ mới, trong đó có các gói hỗ trợ tín dụng bằng cơ chế cấp bù lãi suất, chỉ áp dụng trong thời hạn 1 năm với các tiêu chí rõ ràng.

Khoanh nợ là đề xuất khó khả thi

Bản chất khoanh nợ là cho phép doanh nghiệp được tạm dừng không phải trả nợ gốc hoặc lãi trong một khoảng thời gian nhất định. Thế nhưng, nếu sau này, doanh nghiệp được khoanh nợ vẫn không trả được nợ, thì ngân sách phải bù. Việc này sẽ khó xác định đối tượng nhận hỗ trợ. Hơn nữa, cơ chế chi ngân sách cho khoanh nợ (hiện chủ yếu là cho lĩnh vực nông nghiệp chịu thiên tai, lũ lụt...) sẽ khó tạo được sự đồng thuận nhanh và hiệu quả. Trong điều kiện ngân sách như hiện nay, đề xuất trên là không khả thi.

- TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin bài liên quan