Doanh nghiệp ngại vay tiền nhà băng

Doanh nghiệp ngại vay tiền nhà băng

Hàng tồn kho cao, sức mua giảm, thị trường lại thu hẹp... khiến nhiều doanh nghiệp thờ ơ và không buồn vay thêm vốn dù hiện nay lãi suất giảm, ngân hàng chăm sóc tốt.

Bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai - cho biết, doanh nghiệp hiện không dám vay tiền ngân hàng. Nguyên nhân không phải vì ngân hàng "hẹp cửa" hay Quốc Cường Gia Lai hết hạn mức vay. Lý do chính, theo bà Loan, là hàng tồn kho còn quá lớn. Tính đến 30/6, Quốc Cường Gia Lai còn tới gần 3.500 tỷ đồng hàng tồn kho.

 

"Sản phẩm không bán được thì tôi đâu dám đầu tư. Vay thêm, lãi tăng lên thì giá thành lại rất cao, càng khó bán hàng. Với những sản phẩm mà thị trường không có thanh khoản thì chúng tôi không dám vay ngân hàng thêm", bà Loan lý giải. Trong quý II, Quốc Cường Gia Lai cũng đã giảm dần chi phí lãi vay ngân hàng từ 31,6 tỷ vào cùng kỳ năm ngoái còn 29 tỷ đồng.

 

Doanh nghiệp ngại vay tiền nhà băng ảnh 1Hàng tồn kho cao, sức mua giảm khiến nhiều ngân hàng hiện nay không mặn mà với việc vay vốn ngân hàng dù lãi suất đang giảm

 

Nữ doanh nhân đứng đầu công ty bất động sản này thừa nhận, trong điều kiện khó khăn và sự ảm đạm của thị trường như vừa qua, công ty đang vừa làm vừa "nhìn" khách hàng đóng tiền.

 

"Vừa rồi tôi ráng vay ngân hàng để xây xong phần thô, thế nhưng rất nhiều khách hàng không đóng tiền đúng tiến độ. Cứ 100 căn thì chỉ có 25 người đóng đúng hạn, 75 người không đóng", bà Loan than thở.

 

Một "ông lớn" bất động sản là Hoàng Anh Gia Lai cũng giảm chi phí lãi vay trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo tài chính công ty mẹ của Hoàng Anh Gia Lai cho hay, chi phí lãi vay quý II là 169 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái công ty mẹ mất 235 tỷ đồng chi trả ngân hàng. Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của Hoàng Anh Gia Lai - ông Võ Trường Sơn - cho biết nếu hợp nhất các công ty con, chi phí lãi vay của tập đoàn trong quý II vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Không chỉ lĩnh vực bất động sản, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng đang 'co mình'. Giám đốc một công ty thép tại Hà Nội thông tin, công ty ông nhiều tháng nay không qua lại với ngân hàng. Vị lãnh đạo này thẳng thắn: "Không phải hai bên ghét nhau hay lãi suất cao - thấp mà chúng tôi tự biết có vay được tiền thời gian này cũng chẳng biết làm gì. Hàng tồn còn cao như núi thì sao mở rộng đầu tư được".

 

Chia sẻ với báo chí ngay tại một hội nghị đầu tư diễn ra ở Hà Nội cách đây một tuần, vị này nói nửa đùa nửa thật: "Dạo này các doanh nghiệp chúng tôi đi dự hội thảo liên miên để xem có cao kiến gì về giúp nhân viên bán được hàng, đòi được nợ không".

 

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Bidrico cũng cho biết, hiện công ty ông vay ngân hàng chỉ với lãi suất 12-12,5% một năm, giảm nhiều so với trước. Nhưng đơn vị ông chỉ dùng số tiền này để bổ sung nguồn vốn lưu động là chính.

 

Còn việc đầu tư mở rộng quy mô, vị Tổng giám đốc này cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, hàng tồn kho cao, sức mua giảm, lại chưa phát triển được thị trường mới... nên sẽ không có doanh nghiệp nào dám vay tiền nhà băng để đầu tư cơ sở hạ tầng, có chăng chỉ dựa vào nội lực sẵn có.

 

Ông cho biết, từ năm 2011, bản thân Bidrico đã triển khai kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất thêm 50% sản lượng so với trước đây. Đến tháng 6 năm nay cơ bản đã hoàn thành. "Việc đầu tư mở rộng này, công ty ông phần lớn đều dùng vốn tự có, còn tiền vay ngân hàng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ", ông nói.

 

Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM Phạm Ngọc Hưng cũng thừa nhận, một phần vì doanh nghiệp vừa và nhỏ tín nhiệm thấp nên khó vay vốn ngân hàng. Nếu vay được thì cũng chịu lãi suất 15-16%, tương đối cao nên họ chỉ vay để giải quyết khó khăn trước mắt. Riêng số doanh nghiệp khác đủ điều kiện, được hưởng lãi suất ưu đãi 11-12% thì lại trong tình thế nghe ngóng, thăm dò sự ổn định của thị trường nên không muốn vay để đầu tư.

 

Theo quan điểm của ông Hưng, trong bối cảnh hiện nay, lãi suất phải xuống 10% thì mới đảm bảo doanh nghiệp làm ăn có lãi. "Khi đó, doanh nghiệp may ra mới mạnh dạn vay vốn để mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường, còn giờ thì họ vẫn trong tư thế co cụm và phòng thủ là chính", ông Hưng nói.

 

Nhìn nhận về tương lai sắp tới, vị phó chỉ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM cho rằng, với những biện pháp được Chính phủ và các cơ quan ban ngành đưa ra, tình hình sẽ sáng sủa hơn. "Nhưng tôi cho rằng sự cải thiện sẽ không đáng kể", ông Hưng cho hay.

 

Về xu hướng nhiều doanh nghiệp thoái vốn ngân hàng, ngại vay tín dụng, ông Võ Trường Sơn thừa nhận đa số các doanh nghiệp kinh doanh trong những lĩnh vực tỷ suất sinh lời không lớn sẽ ngại vay vốn mới. "Nếu kinh doanh lĩnh vực hàng tiêu dùng, mức sinh lời chỉ 3%-5% trong thời điểm này mà cố vay ngân hàng thì rủi ro sẽ rất lớn", vị phó giám đốc chia sẻ.