Doanh nghiệp năng lượng quốc tế “hết hứng” với Trung Quốc, Ấn Độ

Doanh nghiệp năng lượng quốc tế “hết hứng” với Trung Quốc, Ấn Độ

(ĐTCK) Thị trường Trung Quốc, Ấn Độ vẫn luôn được xem là “thiên đường” đối với các doanh nghiệp năng lượng trên toàn cầu. Tuy nhiên, khi cánh cửa thiên đường mở ra, không phải công ty nào cũng vội vã bước vào.

Tuần trước, Bộ Tài nguyên Trung Quốc công bố quy định mới cho phép mọi doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước nộp đơn xin giấy phép thăm dò, khai thác dầu mỏ và khí đốt.

Trước đó, chỉ doanh nghiệp nhà nước được hoạt động tại lĩnh vực này.

Trong khi đó, tại Ấn Độ, nhà quản lý cũng cho phép các công ty tư nhân và tập đoàn quốc tế tham gia đấu thầu hoạt động khai thác than đá kể từ tháng 1/2020, chấm dứt quãng thời gian gần như độc quyền của tập đoàn nhà nước Coal India Ltd.

Nếu cách đây 1 thập kỷ, những thông tin như vậy sẽ gây kích thích lớn với các tập đoàn năng lượng quốc tế, nhất là khi nỗi sợ các doanh nghiệp nhà nước lớn như Saudi Arabian Oil Co hay Petroleos de Venezuela SA kiểm soát thị trường khiến các công ty niêm yết rơi vào cửa hẹp luôn bao trùm, nhưng hiện tại, thời thế đã thay đổi.

Đầu tiên, chính các doanh nghiệp nhà nước mới phải lo sợ về vấn đề nguồn cung và nhu cầu bất cân xứng, thay vì các công ty độc lập.

Thị trường tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc đã giảm khoảng 10% kể từ mức đỉnh cách đây 5 năm.

Tại Ấn Độ, sản lượng khai thác than đá vẫn tăng trưởng, nhưng không đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu: Nhập khẩu than đá hiện chiếm khoảng ¼ lượng than tiêu thụ tại thị trường này trong những năm gần đây, tăng khoảng 10% so với cách đây 1 thập kỷ.

Bên cạnh đó, các công ty năng lượng đang tìm thấy những nguồn cung mới. Cuộc cách mạng dầu đá phiến đã khiến Mỹ nhanh chóng trở thành 1 trong 3 nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Quốc gia này thậm chí đã vượt qua Ả Rập Xê út giành vị trí thứ hai, chỉ sau Nga, sau khi một số hạ tầng dầu mỏ của vương quốc dầu mỏ bị tấn công vào tháng 9/2019.

Việc khai thác các mỏ dầu truyền thống cũng bùng nổ, đạt đỉnh cao nhất 4 năm qua ở mức 12,2 tỷ thùng/ngày trong năm 2019, theo số liệu của hãng tư vẫn Rystad Energy AS.

Các tập đoàn lớn như Exxon Mobil Corp, Total SA, BP Plc và Eni SpA đang dẫn đầu về hoạt động thăm dò các mỏ mới trong năm qua.

Về phía nhu cầu, dự báo của các tổ chức kinh tế lớn cho thấy, nhu cầu đối với dầu mỏ có thể đạt đỉnh trong thập kỷ tới.

Đây là quãng thời gian không đủ dài đối với hoạt động thăm dò, khai thác và thu về lợi nhuận đối với các mỏ dầu truyền thống.

Đó là chưa kể các rủi ro xuất phát từ môi trường kinh doanh tại Trung Quốc, Ấn Độ, nhất là thói quan liêu, có thể làm chùn bước tiến của các tập đoàn năng lượng quốc tế.

Với những lý do kể trên, hiện tại, lợi ích mà các công ty năng lượng và các chính phủ Trung Quốc, Ấn Độ tìm kiếm là trái ngược.

Bắc Kinh và New Delhi mong muốn thúc đẩy tăng trưởng sản lượng khai thác năng lượng tại thị trường nội địa nhờ các doanh nghiệp nước ngoài với công nghệ hiện đại và quy trình hoạt động chuyên nghiệp, điều mà các doanh nghiệp nhà nước chưa làm tốt.

Trong khi đó, các tập đoàn năng lượng không còn phát triển ồ ạt, họ muốn tập trung vào những lĩnh vực mang lại lợi nhuận tốt nhất.

Ví dụ, tại giếng dầu Thanh Thành, hiện đang là khu vực khai thác dầu đá phiến lớn nhất của PetroChina, sau nhiều nỗ lực giảm thiểu chi phí, tỷ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) của tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc này hiện chỉ ở mức 8-9%, theo Cathy Chan, chiến lược gia tại CCB International Holdings Ltd.

Trong khi tại Texas, tỷ lệ IRR của các doanh nghiệp dầu mỏ đang khai thác dầu đá phiến tại đây đạt khoảng 20-40%.

IRR là tỷ lệ dùng để ước tính khả năng sinh lời của một khoản đầu tư.

Giả sử, tất cả các dự án có một khoản đầu tư bằng nhau, dự án nào có IRR cao nhất sẽ được xem là tốt nhất và thực hiện đầu tiên.

Tin bài liên quan