Chi phí lãi vay tăng là mừng!
Quyết định hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ tạo môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng, đồng thời các tổ chức tín dụng có điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 tiếp cận nguồn vốn giá rẻ thông qua hạ lãi suất cho vay và giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.
Việc yêu cầu các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi cũng là để tạo cơ sở cho việc hạ thêm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu.
Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 của khối doanh nghiệp niêm yết cho thấy, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, điển hình là nhóm hàng không, du lịch, bất động sản.
Dịch bệnh gần đây tái phát trong cộng đồng được cho là sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này trong thời gian tới. Khó khăn là vậy, nhưng các khoản nợ của doanh nghiệp vẫn phải đều đặn trả lãi định kỳ.
Chẳng hạn, Viettravel ghi nhận lỗ gần 80 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020, trong khi dư nợ ngắn hạn ghi nhận 275 tỷ đồng tại 5 ngân hàng và dư nợ vay dài hạn 714 tỷ đồng. Cùng với mức nợ vay, chi phí lãi vay của Viettravel trong 6 tháng đầu năm ghi nhận hơn 41,5 tỷ đồng, gấp 7,5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Đối với Công ty cổ phần Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay (NVT), doanh nghiệp có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm sụt giảm so với cùng kỳ.
Cụ thể, doanh thu đạt hơn 109 tỷ đồng, giảm 27,5%; lợi nhuận sau thuế đạt 10,6 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí lãi vay trong giai đoạn nửa đầu năm tăng hơn gấp đôi, lên gần 2 tỷ (cùng kỳ là 900 triệu đồng).
Thực tế cho thấy, ảnh hưởng từ dịch bệnh khiến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn và buộc phải vay nợ để chi trả cho các hoạt động, khiến chi phí lãi vay tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.
Tại Công ty cổ phần Camimex Group (CMX), tính đến 30/6/2020, chi phí lãi vay gấp đôi cùng kỳ, lên gần 15 tỷ đồng; lợi nhuận quý II sụt giảm 62%, xuống còn 18 tỷ đồng, luỹ kế 6 tháng đầu năm là 33,2 tỷ đồng, giảm 42,1% so với cùng kỳ.
Tương tự, Công ty cổ phần Thủy sản Kiên Hùng (KHS) ghi nhận chi phí tài chính tăng 60% trong giai đoạn nửa đầu năm, lên hơn 9 tỷ đồng, khiến lãi ròng của Công ty giảm mạnh so với cùng kỳ.
Ông Trần Quốc Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị KHS cho biết, chi phí lãi vay chiếm đến 90% tổng chi phí tài chính của Công ty. Vay và nợ thuê tài chính tính đến cuối tháng 6/2020 ghi nhận hơn 443 tỷ đồng.
Khoản vay lớn nhất của KHS là gần 164 tỷ đồng tại VietinBank chi nhánh Kiên Giang. Lợi nhuận sau thuế quý II/2020 của KHS giảm 73% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt gần 3 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 8,75 tỷ đồng.
Theo ông Dũng, quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng có các gói cho vay ưu đãi là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp để tập trung đầu tư sản xuất - kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn vì bệnh dịch.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các doanh nghiệp sụt giảm nguồn thu do ảnh hưởng bởi đại dịch thì áp lực của các loại chi phí là rất lớn. Do vậy, các chính sách ưu đãi tín dụng cần được đẩy mạnh triển khai.
Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) có giá trị các khoản nợ vay tính đến cuối quý II/2020 là 1.294 tỷ đồng. Đáng lưu ý, khoản dự phòng phải trả dài hạn của PVS tại thời điểm trên là 1.578 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở dự phòng bảo hành công trình xây dựng.
PVS cho hay, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ, nhiều ngân hàng đã công bố chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi 7%/năm.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp khó có thể được hưởng mức lãi suất này, mà phổ biến ở mức trên dưới 10 %/năm, thậm chí với những doanh nghiệp cần vốn gấp, mức lãi suất cao hơn nhiều.
Chính vì vậy, các quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước có ý nghĩa lớn với cộng đồng doanh nghiệp, nhưng trên thực tế, đến thời điểm này chưa có nhiều tác động trên diện rộng.
Các hợp đồng vay của PVS và các công ty liên kết đều có thời hạn, nên việc được hưởng mức lãi suất điều chỉnh giảm ngay là rất khó, nếu có cũng ở một tỷ lệ rất thấp.
Tính đến hết tháng 6/2020, tổng nợ đi vay của PVS là 1.294 tỷ đồng; chi phí tài chính (phần lớn là chi phí lãi vay) là 74 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 27 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
… Vì nhiều doanh nghiệp khác khó tiếp cận vốn
Nếu như những doanh nghiệp đang có các khoản nợ than thở về các khoản vay, thậm chí đang oằn vai trả nợ, thì với nhiều doanh nghiệp khác, việc tiếp cận nguồn vốn vay gặp khó khăn hơn trước rất nhiều, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chịu tác động trực tiếp bởi dịch bệnh.
Chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp trong ngành thép đang niêm yết chia sẻ, hoạt động kinh doanh tụt dốc trong thời gian qua khiến doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn hơn bao giờ hết.
Trong tình cảnh này, việc vay thêm vốn để hỗ trợ kinh doanh gần như là không thể, bởi trước đó, toàn bộ nhà xưởng đã thế chấp cho ngân hàng cho khoản nợ cũ.
Những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn cấp bách chỉ mong sớm được duyệt hồ sơ vay, bất chấp lãi suất có hạ hay không.
“Những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn cấp bách như chúng tôi thì chỉ mong sớm được duyệt hồ sơ vay, bất chấp lãi suất có hạ hay không”, lãnh đạo doanh nghiệp trên nói và cho rằng, tiếp cận gói tín dụng 16.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động ngừng việc cũng vô cùng khó khăn.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cuối tháng 7 cho thấy, lãi suất cho vay bằng VND trên thị trường phổ biến trong khoảng 6 - 9%/năm với khoản vay ngắn hạn; 9 - 11%/năm với khoản vay trung và dài hạn.
Các mức lãi suất này gần như không thay đổi so với đầu tháng 5, thời điểm đợt dịch Covid-19 đầu tiên được khống chế. Thậm chí, lãi suất không giảm so với mức bình quân đầu năm 2020. Mặc dù vậy, mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại tiệm cận mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, có khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong bối cảnh lạm phát có thể hạ nhiệt vào nửa cuối năm nay nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Tuy nhiên, việc cắt giảm lãi suất sẽ chỉ khả thi nếu mặt bằng lạm phát được duy trì ở mức thấp, lãi suất tiền gửi giảm.