Ảnh Internet

Ảnh Internet

Doanh nghiệp mỹ phẩm nội nỗ lực giành thị phần

(ĐTCK) Theo Nielsen Việt Nam, quy mô doanh thu của thị trường mỹ phẩm Việt Nam hiện đạt khoảng 700 triệu USD, nhưng thị phần của doanh nghiệp mỹ phẩm nội địa mới chỉ chiếm khoảng 10%. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp đang tìm cho mình hướng đi riêng để nâng cao sức cạnh tranh, gia tăng thị phần. 

Nhiều dư địa tăng trưởng

Công ty Asia Plus đã tiến hành khảo sát việc sử dụng mỹ phẩm trang điểm của gần 500 phụ nữ trong độ tuổi 16-39 trên toàn quốc.

Kết quả cho thấy, trong vòng 3 năm gần đây, số lượng phụ nữ có trang điểm tăng từ 76% lên 86%, số người trang điểm thường xuyên (ít nhất 4 lần/tuần) tăng từ 35% lên 39%.

Theo Asia Plus, thị trường mỹ phẩm Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm trang điểm của người Việt đang tăng cả về mức độ sử dụng và mức tiền chi tiêu.

Các sản phẩm chăm sóc da phổ thông nhất là sữa rửa mặt, kem chống nắng và mặt nạ dưỡng da mặt. Những sản phẩm trang điểm được dùng phổ biến nhất là son môi, kem nền và phấn.

Theo đánh giá của Nielsen Việt Nam, hiện doanh thu của thị trường mỹ phẩm Việt Nam ước đạt khoảng 700 triệu USD - là con số không lớn nhưng có nhiều dư địa để tăng trưởng. Dẫu vậy, thị phần của doanh nghiệp mỹ phẩm trong nước mới chỉ chiếm khoảng 10%. 

Tìm hướng đi riêng để tăng thị phần

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Đình Thăng, CEO Công ty Zacy Aesthetics - doanh nghiệp chuyên kinh doanh mỹ phẩm và cung cấp các sản phẩm làm đẹp cho biết, bản chất của cuộc đua giành thị phần hiện nay nằm ở các nhà phân phối mỹ phẩm ngoại và công ty mỹ phẩm nội địa, bởi doanh nghiệp ngoại đưa sản phẩm vào Việt Nam chủ yếu qua kênh phân phối.

Theo ông Thăng, nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp mỹ phẩm nội "đuối" hơn so với doanh nghiệp ngoại là do hạn chế trong khâu quảng bá hình ảnh, cũng như làm mẫu mã, bao bì sản phẩm. Nếu giải quyết được những hạn chế này, mỹ phẩm Việt sẽ có cơ hội cạnh tranh với mỹ phẩm ngoại.

Thị trường mỹ phẩm Việt Nam ngày càng phong phú và đa dạng về mẫu mã, chủng loại sản phẩm. Vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp mỹ phẩm trong nước đã đầu tư công nghệ để phát triển và tìm hướng đi riêng cho sản phẩm.

Một số thương hiệu đã định vị được phân khúc thị trường riêng cho mình như sản phẩm dầu gội của Thái Dương, X-men, Biona, Thorakao, Nước hoa Sài Gòn… Dù vậy, đây chỉ là những sản phẩm bình dân, còn với phân khúc cao cấp thì vẫn rất khiêm tốn.

Theo bà Đỗ Ngọc Tú, CEO Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Ngọc Tú, tâm lý "sính ngoại" là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp mỹ phẩm nội trong cuộc cạnh tranh với mỹ phẩm ngoại.

“Trong quá trình phát triển thị trường, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với chiến lược tập trung vào chất lượng sản phẩm và chăm sóc khách hàng để tạo sự khác biệt, những nỗ lực của chúng tôi đã được khách hàng ghi nhận.

Hiện chúng tôi phục vụ khoảng 10.000 khách hàng, với hệ thống 300 spa, thẩm mỹ viện. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa sản phẩm ra nước ngoài, trước mắt là chinh phục thị trường Đông Nam Á”, bà Tú nói.

Với Công ty Mỹ phẩm Orga, cung cấp các sản phẩm nguồn gốc tự nhiên, hữu cơ ra thị trường là hướng đi được lựa chọn. Bà Lưu Trang, CEO Orga cho biết, Công ty định vị là thương hiệu mỹ phẩm "chất lượng ngoại, giá nội", chinh phục khách hàng bằng các chương trình dùng thử, trải nghiệm miễn phí.

Hiện Orga đã xây dựng được hệ thống hơn 500 đại lý phân phối trên toàn quốc, với 9 dòng sản phẩm hữu cơ, tự nhiên, tạo nền móng để mở rộng thị trường.

Nhìn nhận về ngành công nghiệp dược mỹ phẩm Việt Nam, CEO Orga cho rằng, cần một chính sách vĩ mô cho sự phát triển ngành công nghiệp này. Một khi xác định ngành dược mỹ phẩm là mũi nhọn, thì các doanh nghiệp Việt sẽ có lợi thế hơn trên sân nhà, người tiêu dùng có niềm tin vào mỹ phẩm do người Việt sản xuất.

Tin bài liên quan