Doanh nghiệp muốn lãi vay giảm nhanh hơn

Doanh nghiệp muốn lãi vay giảm nhanh hơn

(ĐTCK) Để có thể gỡ khó được cho doanh nghiệp trước bối cảnh hiện nay, lãi suất cần sớm giảm thêm. Đồng thời, các chính sách về kích cầu cần được đẩy mạnh vì hàng tồn kho không giảm khiến tình hình công nợ của doanh nghiệp đã đến mức báo động đỏ.

Doanh nghiệp muốn lãi vay giảm nhanh hơn ảnh 1Nhiều doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng giảm lãi suất cho vay thêm từ 2,5 đến 3 điểm phần trăm nữa

 

Phát biểu tại cuộc họp của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn sáng ngày 7/5, đại diện Hiệp hội xây dựng TP. HCM cho rằng, để có thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, lãi vay cần phải hạ thấp hơn. Tình hình công nợ của không ít doanh nghiệp đã đến mức báo động đỏ. Trong khi đó, niềm tin của doanh nghiệp đang yếu dần, do đó, sẽ khó có thể loại trừ nguy cơ chiếm dụng tiền của các doanh nghiệp để đầu tư ra nước ngoài.

Ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM (Hawa) cho biết, các chính sách đưa ra gần đây là rất tốt, nhưng làm sao để hỗ trợ các nhà sản xuất mới là vấn đề quan trọng.

Doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, không dám tăng lương nhưng vẫn phải tăng phí (bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp…). Vì thế, nếu không giảm lãi suất, doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được nguồn vốn và đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước, thậm chí thâu tóm thị trường. Do đó, ông Hùng đề nghị, NHNN nên có những giải pháp mạnh mẽ hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

“Nếu doanh nghiệp có đề án khả thi thì cần hỗ trợ vốn, cho dù họ không đủ tài sản đảm bảo. Ngoài ra, nên mở rộng chức năng của Quỹ Bảo lãnh tín dụng để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện tiếp cận vốn vay”, ông Hùng nói.

Ý kiến đưa ra từ Hiệp hội Da giày TP. HCM cũng cho rằng, nên kéo lãi suất huy động xuống mức thấp hơn so với hiện nay và lãi suất cho vay giảm thêm 2,5 - 3 điểm phần trăm nữa thì các doanh nghiệp trong ngành mới có thể tiếp cận vốn để đầu tư và sản xuất mới.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM, cho rằng, nhiều kiến nghị của doanh nghiệp chưa được giải quyết khiến bệnh tình của doanh nghiệp nặng hơn, kéo theo ảnh hưởng đến đời sống của người lao động. Và tình hình này hiện chưa dừng lại. Nguyên nhân được ông Minh đưa ra là do cơ chế chính sách chắp vá, ngắt khúc, thiếu sự ổn định nên ảnh hưởng đến niềm tin của các doanh nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, cho đến nay, Nghị Quyết 02 vẫn chưa đi vào cuộc sống vì NHNN vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn thực hiện. Thị trường bất động sản vẫn đang ngóng chờ gói vốn hỗ trợ này.

“Doanh nghiệp bất động sản lo giải quyết hàng tồn kho, nhưng hàng tồn kho và nợ xấu lại có khuynh hướng tăng theo thời gian. Gói vốn 30.000 tỷ đồng chủ yếu tập trung cho người tiêu dùng vay nên cần thiết có thêm gói 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp”, ông Châu nói và cho rằng, lãi suất 6%/năm và thời hạn tối đa 10 năm vẫn ngoài sức chịu đựng của người có thu nhập thấp, nên cần xem xét hạ thêm lãi suất.

Trả lời về vấn đề lãi suất, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho rằng, trong thời gian qua, NHNN đã rất nỗ lực trong việc kéo giảm lãi suất cho vay xuống dưới 15%/năm và đến nay, trần lãi suất cho vay đối với 5 đối tượng khách hàng ưu tiên chỉ còn 11%/năm. Trần lãi suất huy động cũng được điều chỉnh 8 lần giảm, từ mức 14%/năm trong năm qua xuống còn 7,5%/năm hiện nay. Lãi suất giảm, nhưng vốn huy động vẫn tăng, thanh khoản dồi dào, song còn một số ngân hàng tiềm ẩn rủi ro khi phải tái cơ cấu.

Theo ông Minh, hạ mặt bằng lãi suất cho vay xuống 10%/năm là quyết tâm của NHNN. Tuy nhiên, trần lãi huy động khó có thể lùi sâu về dưới 7%/năm và nếu giảm trong thời gian tới cũng chỉ nhỏ giọt. Theo tinh thần của Thống đốc NHNN, trần lãi suất huy động sẽ giảm dần, từ 0,25 - 0,5 điểm phần trăm, còn nếu giảm sâu sẽ khó thu hút vốn.

Ông Minh cho rằng, chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay của các ngân hàng hiện nay chỉ còn khoảng 2 - 2,5 điểm phần trăm thì khó có thể kỳ vọng lợi nhuận cho các ngân hàng. Theo ông Minh, mức lãi suất cho vay 9 - 10%/năm đã được nhiều ngân hàng áp dụng cho 5 đối tượng doanh nghiệp trong lĩnh vực ưu tiên. Thậm chí, ở AgriBank chỉ còn 8 - 9%/năm.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng nỗ lực khơi thông dòng chảy tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách áp dụng cho vay tín chấp và cho vay thế chấp bằng dòng tiền.