Nội dung được nhiều doanh nghiệp chú ý trong Nghị quyết 84 về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công hậu dịch bệnh là Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, địa phương rà soát lại kế hoạch thanh tra, kiểm tra để hạn chế, giảm các hoạt động thanh - kiểm tra, không thanh tra ngoài kế hoạch, chuyển từ phương pháp tiền kiểm sang hậu kiểm.
Ðối với những dự án đã thanh tra, khẩn trương hoàn thành kết luận, tham mưu, đề xuất hướng xử lý theo quy định của pháp luật.
Thực tế, thời gian qua, không ít lần doanh nghiệp có ý kiến về việc thanh tra, kiểm tra kéo dài 2-3 năm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và uy tín của doanh nghiệp. Mới đây, tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Tổng CTCP Thiết bị y tế Việt Nam (Vinamed), Chủ tọa Ðại hội đã chia sẻ về câu chuyện thanh tra công tác cổ phần hóa tại doanh nghiệp.
“Sau cổ phần hóa, các cổ đông xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc. Sự việc kéo dài gần 2 năm không chỉ khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, mà còn ảnh hưởng tới uy tín của Công ty. Ðiều này khiến các đối tác tỏ ra ngại ngần trong việc hợp tác, đầu tư, từ đó làm mất cơ hội của Công ty”, vị này nói.
Theo đại diện Vinamed, hiện còn một số vấn đề đang được Ban cổ phần hóa hoàn thiện. Vinamed sẽ tiếp tục phối hợp và hỗ trợ Ban cổ phần hóa thực hiện tốt các kết luận của Thanh tra Chính phủ. Vinamed cam kết đã thực hiện tốt các nội dung kết luận, đảm bảo sử dụng đúng mục đích các tài sản (đất đai) hiện hữu.
“Mọi việc sẽ rõ ràng sau khi có kết luận cuối cùng. Khi đó, chúng tôi tin là Công ty sẽ thành công hơn kể từ năm nay”, Chủ tọa Ðại hội nhấn mạnh.
Tại Ðại hội đồng cổ đông của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP năm nay, nội dung được nhiều cổ đông quan tâm chất vấn là việc thanh - kiểm tra xử lý dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 mở rộng.
Hoạt động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp được nhận xét chịu ảnh hưởng lớn bởi việc này, nhất là tâm lý người lao động.
Theo quy định pháp luật, quyết định thanh tra phải ghi rõ thời hạn thanh tra (không quá 30 ngày).
Trường hợp nội dung thanh tra phức tạp, liên quan đến trách nhiệm nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân cần kéo dài thời gian thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải có văn bản đề nghị người ra quyết định thanh tra gia hạn thời gian thanh tra.
Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài thời gian thanh tra trực tiếp tại đơn vị, cơ quan thanh tra còn phải xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng kết luận thanh tra.
Một số trường hợp phức tạp, cơ quan thanh tra cần tiếp tiếp trao đổi với đơn vị bị thanh tra để làm rõ các vấn đề còn tồn tại, xem xét các kiến nghị.
Ðó là chưa kể, không ít nội dung thanh tra bị đơn vị phản ứng, nên cũng cần thời gian để xử lý. Ðây là những nguyên nhân chính khiến thời gian ban hành kết luận thanh tra bị kéo dài.
Ðược biết, từ cuối năm 2019, các địa phương và sở, ngành đã xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2020.
Ðơn cử, tại TP.HCM, theo kế hoạch, cơ quan Thanh tra Thành phố lập 13 đoàn thanh tra, tập trung vào việc chấp hành quy định pháp luật về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, quy định tiếp công dân của người đứng đầu đơn vị.
Trong đó, cơ quan thanh tra sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong việc thực hiện một số dự án tại Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu vực Quận 7 và hoạt động sản xuất, kinh doanh của CTCP Du lịch văn hóa Suối Tiên và CTCP Du lịch sinh thái Sơn Tiên; thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong việc thực hiện dự án tại Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu vực Quận 12; kiểm tra việc thi hành các quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại Ủy ban nhân dân, Sở Tài nguyên - Môi trường 15 quận, huyện...
Tại Hà Nội, Thanh tra Thành phố sẽ triển khai 9 đoàn thanh tra, tập trung thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, khoáng sản, tài nguyên môi trường, đầu tư xây dựng, tài chính...
Theo quy định tại Điều 45 - Luật Thanh tra, thời hạn thanh tra hành chính do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 60 ngày, trường hợp phức tạp có thể kéo dài, nhưng không quá 90 ngày. Đối với cuộc thanh tra đặc biệt phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, thời hạn thanh tra có thể kéo dài, nhưng không quá 150 ngày.
Cuộc thanh tra do Thanh tra tỉnh, Thanh tra bộ tiến hành không quá 45 ngày, trường hợp phức tạp có thể kéo dài, nhưng không quá 70 ngày.
Cuộc thanh tra do Thanh tra huyện, Thanh tra sở tiến hành không quá 30 ngày; ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài, nhưng không quá 45 ngày.
Theo quy định của Nghị định 07/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra, thời hạn thanh tra chuyên ngành cấp Thanh tra sở, Chi cục trực thuộc Sở không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài thêm, nhưng không quá 45 ngày.
Thời hạn của cuộc thanh tra được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra.