Doanh nghiệp mía đường trong nước đón tin vui

Doanh nghiệp mía đường trong nước đón tin vui

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc Bộ Công thương có quyết định áp thuế chống bán phá và chống trợ cấp tạm thời với sản phẩm đường Thái Lan kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp ngành đường có một năm khả quan hơn.

Nhiều nhà máy đường thoát nguy cơ phá sản

Ông Lê Trung Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) cho biết, suốt một thời gian dài, doanh nghiệp mía đường trong nước cạnh tranh không cân sức với đường nhập khẩu bán phá giá và đường nhập lậu.

Việc gia nhập Hiệp định ATIGA khiến sản phẩm đường Thái Lan vào Việt Nam không phải chịu thuế nên mức giá bán chỉ từ khoảng 8.000 - 9.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với đường sản xuất trong nước.

Giá đường rẻ đã đẩy các doanh nghiệp đường trong nước vào vòng luẩn quẩn. Nếu thu giá mía cao thì giá thành sản xuất không cạnh tranh được với đường được trợ cấp bán phá giá từ Thái Lan và đường nhập lậu trốn thuế. Nhưng thu mua mía với giá rẻ thì người nông dân bỏ cây mía đi trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Nếu giá mía mua dưới 900.000 đồng/tấn thì với điều kiện canh tác nông nghiệp như hiện nay, người nông dân không có thu nhập.

“Không có hoặc không đủ nguyên liệu, nhà máy đường sẽ dừng hoạt động, thành đống sắt vụn”, ông Thành nhấn mạnh.

Nhiều nhà máy đường phải bán dưới giá thành sản xuất, dẫn tới thua lỗ lớn. Trong 5 năm qua, ngành đường phải chứng kiến nhiều nhà máy đóng cửa, dừng hoạt động vì thua lỗ hoặc thiếu nguyên liệu. Số liệu được ông Thành chia sẻ, cách đây 4 năm, cả nước có 41 nhà máy mía đường ở phía Bắc thì hiện nay chỉ còn 25 nhà máy đang hoạt động. Có thể nói, ngành đường Việt Nam vừa trải qua một giai đoạn khủng hoảng trầm trọng nhất từ khi bắt đầu chương trình mía đường quốc gia.

Mới đây, ngày 9/2/2021, Bộ Công thương đã ra quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan với mức thuế suất 33,88% áp dụng với sản phẩm đường thô và 48,88% với sản phẩm đường tinh luyện. Quá trình điều tra diễn ra từ tháng 9/2020 xem xét kỹ lưỡng và đánh giá thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá, mức độ được trợ cấp của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đường mía Thái Lan.

Theo ông Thành, quyết định đánh thuế chống bán phá giá đối với đường Thái Lan là thông tin được tất cả các doanh nghiệp mía đường mong mỏi, “nhiều nhà máy sẽ thoát khỏi bờ vực phá sản do duy trì được dòng tiền vì có thể bán được hàng, không bị tồn kho cao”.

Trong khi đó, theo dự phóng của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), chính sách này sẽ giúp doanh thu, lợi nhuận của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) trong năm 2021 tăng lần lượt 24,3% và 16,6%.

“Tuy nhiên, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng để ngăn chặn nguồn đường nhập lậu, ngăn chặn các hoạt động gian lận thương mại, lẩn tránh xuất xứ, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng thì cây mía mới thực sự mang lại vị ngọt”, ông Thành nói.

Triển vọng sáng của ngành đường

Chính sách thuế chống bán phá giá với đường nhập khẩu từ Thái Lan có thể xem là một trợ lực tốt với các doanh nghiệp ngành đường trong bối cảnh đang có nhiều thuận lợi từ thị trường. Sự sụt giảm về sản lượng đường ở các thị trường lân cận là cơ hội cho đường Việt Nam trong niên vụ tới.

Trong khi đó, dưới tác động của Covid-19 và tình hình lũ lụt, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu đường nhằm dự trữ lương thực thiết yếu. Các doanh nghiệp có triển vọng xuất khẩu sang EU khi hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU.

Nhưng để ngành đường phục hồi trở lại, ưu tiên số 1 với các doanh nghiệp trong ngành thời gian tới là phải phục hồi được vùng nguyên liệu ổn định.

Ảnh tác giả

Nhiều nhà máy sẽ thoát khỏi bờ vực phá sản vì có thể bán được hàng, không bị tồn kho cao.

Ông Lê Trung Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam

Được biết, nhờ tác động của việc đánh thuế đường nhập khẩu bán phá giá, vừa qua, một số nhà máy mía đường đã tăng giá thu mua mía từ 750 nghìn đồng/tấn lên khoảng 1 triệu đồng/tấn. Đây được đánh giá là động thái kịp thời để hỗ trợ người nông dân yên tâm mở rộng diện tích mía.

Các nhà máy đường nếu có thể đưa ra được giá mía bảo đảm thu nhập cho người nông dân, mới có khả năng phục hồi được vùng nguyên liệu. Ngay niên vụ 2020 – 2021, sản lượng mía chưa thể cải thiện ngay được, mà chỉ có khả năng phục hồi nếu duy trì được giá mía theo kỳ vọng của nông dân trong tối thiểu 3 năm nữa.

Để ngăn tình trạng người nông dân bỏ cây mía, một số nhà máy đã chủ động nâng cao tính liên kết với người nông dân. Chẳng hạn, Lasuco coi người nông dân trồng mía là “những công nhân bên ngoài hàng rào nhà máy”, đồng hành cùng họ, hỗ trợ họ về giống mía, khoa học kỹ thuật, vốn. Nói như ông Thành, “nông dân thiếu gì, Công ty hỗ trợ thứ ấy”.

Bên cạnh câu chuyện về giá đường và điều kiện thị trường thuận lợi hơn cho việc khôi phục vùng nguyên liệu, triển vọng kinh doanh ngành mía đường dự báo sẽ tích cực khi nhiều công ty trong số 25 công ty còn trụ lại được là những đơn vị tích cực đổi mới trong những năm qua (như lựa chọn giống mía cho năng suất, chất lượng cao; đầu tư dây chuyền công nghệ cao để khai thác hết các sản phẩm từ mía, giảm chi phí sản xuất…).

Ông Thành cho biết, Lasuco đã đầu tư Trung tâm nuôi cấy mô gần 10 năm qua, cho ra đời các giống mía phù hợp với vùng mía Lam Sơn, giúp tăng năng suất, chất lượng mía. Công ty đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, cho ra đời các sản phẩm đường hữu cơ, đồ uống dinh dưỡng hoàn toàn tự nhiên và hướng tới thị trường xuất khẩu như đường phèn organic, nước dinh dưỡng từ tế bào mía, sữa gạo lứt đường phèn…

Các sản phẩm mới này dự kiến sẽ đóng góp tỷ trọng 30% doanh thu trong năm 2021 và tăng dần lên 50 - 60% trong các năm tiếp theo.

Doanh nghiệp cùng ngành là Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (mã chứng khoán SBT) đã phát triển vùng nguyên liệu hơn 63.000 ha tại Việt Nam, Lào, Campuchia. Báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, năm 2021, SBT tập trung các giải pháp tạo năng lượng từ cây mía, ưu tiên phát triển sản phẩm hữu cơ, organic, phân khúc sản phẩm ở tầm trung và cao cấp, nên có nhiều lợi thế về xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, các doanh nghiệp ngành đường đang kỳ vọng một năm kinh doanh khởi sắc.

Chẳng hạn, tại Lasuco, theo chỉ tiêu kinh doanh mới được Hội đồng quản trị Công ty thông qua gần đây, trong niên độ tài chính 2020 - 2021 (từ 1/7/2020 tới 30/6/2021), Công ty đặt mục tiêu doanh thu 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 119,3 tỷ đồng, tăng lần lượt 50% và gần 20% so với niên độ trước.

Tin bài liên quan