Các quy định cứng nhắc, chồng chéo về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK đang làm khó nhiều DN

Các quy định cứng nhắc, chồng chéo về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK đang làm khó nhiều DN

Doanh nghiệp mất hàng tỷ đồng cho thủ tục kiểm tra chuyên ngành

(ĐTCK) Tại hội thảo mới đây về đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), do Tổng cục Hải quan phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (Dự án USAID GIG) tổ chức, nhiều DN đã bày tỏ bức xúc trước thực trạng, có quá nhiều quy định chồng chéo, cứng nhắc và bất hợp lý về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. 

Những bất cập này không chỉ gây mất thời gian thông quan hàng hóa, mà còn khiến các DN phải tốn chi phí lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm.

Bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Xây dựng Nam Đô cho biết, mỗi năm, Công ty phải chi từ 700 triệu đồng cho tới 1 tỷ đồng đối với các thủ tục kiểm tra chuyên ngành cho mặt hàng vải nhập khẩu. Theo quy định hiện hành, phải kiểm tra chất lượng toàn bộ đối với tất cả các mẫu vải nhập khẩu, ngay cả với các mẫu cùng loại.

 “Mỗi ngày có ít nhất 6 - 10 mẫu kiểm tra chất lượng, lặp đi lặp lại tới 1 tuần. Ngoài ra, việc kiểm định không phân biệt giá trị và khối lượng, mỗi lần kiểm tra phải trả chi phí cho hàng chục loại, khiến DN vừa mất thời gian vừa tốn kém. Ví dụ, với 5 tấn vải khác nhau, phải mất 5 lần kiểm định mẫu, với chi phí tới 10 triệu đồng. Hiện nay, trong một container có thể gồm nhiều loại vải khác nhau. Nếu cứ kiểm định như thế này, DN không có thời gian và đủ lợi nhuận để trả chi phí kiểm định”, bà Tú Anh chia sẻ.

Theo bà Tú Anh, tình trạng buôn lậu vải ngày càng tăng một phần xuất phát từ những quy định cứng nhắc như thế, bởi các DN buôn bán nhỏ lẻ không đủ thời gian và chi phí để tiến hành tất cả các kiểm định. Bà Tú Anh gợi ý, để khắc phục tình trạng này, nên kiểm tra theo xác suất hoặc có cơ chế ưu đãi với những DN thường xuyên chấp hành tốt quy định về thủ tục, chất lượng.

Cũng liên quan đến thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với mặt hàng dệt may, ông Trương Văn Cần, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hầu hết các DN xuất khẩu hàng dệt may đều “khóc dở mếu dở” với quy định về kiểm tra formaldehyt, được quy định tại Thông tư 32 của Bộ Công thương. Ông Cần cho biết, riêng quy trình kiểm tra hàm lượng formaldehyt với các sản phẩm dệt may và nguyên phụ liệu dệt may, yêu cầu tới 10 loại chứng nhận, trong đó, 7 loại chứng nhận là bắt buộc. Chỉ riêng quy trình này đã chiếm tới 72% toàn bộ thủ tục thông quan của lô hàng, khiến DN vất vả và mất nhiều thời gian.

“Thông tư 32 tuy chỉ là quy định tạm thời của Bộ Công thương, nhưng thực tế đã được áp dụng từ năm 2009 cho đến nay. Phải biết rằng, từ đó đến giờ đã có bao biến động về công nghệ, quy trình và thiết bị kiểm tra, song Thông tư 32 vẫn áp dụng như cũ, không có gì thay đổi. Đề nghị Bộ Công thương rà soát những vấn đề chưa phù hợp trong Thông tư và nghiên cứu đề xuất ban hành Thông tư mới, phù hợp hơn với điều kiện hiện tại”, ông Cần đề xuất.

Không chỉ mệt mỏi với nhiều loại thủ tục và chi phí kiểm tra chuyên ngành, các DN cũng lên tiếng về tình trạng, một mặt hàng chịu sự điều chỉnh chống chéo của nhiều quy định khác nhau, thuộc thẩm quyền của nhiều Bộ khác nhau, hoặc nhiều đơn vị trong cùng một Bộ quản lý nhưng với quy định khác nhau. Theo nhiều DN, ngành sản xuất sữa là một trong những lĩnh vực điển hình chịu sự quản lý chồng chéo, khi mà hầu hết các mặt hàng XNK thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành; trong đó, 2/3 các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành của từ 2 cơ quan trở lên, tạo gánh nặng thủ tục hành chính và chi phí rất lớn đối với DN.

Chia sẻ với các vướng mắc của DN, ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia Dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của USAID cho rằng, những quy định chồng chéo, không thống nhất đang làm khó người thực hiện. Đơn cử, cùng một luật Luật An toàn thực phẩm nhưng các bộ lại có cách hiểu khác nhau, mỗi đơn vị lại áp dụng một khác, khiến DN loay hoay không biết phải làm thế nào.

Theo khuyến nghị của ông Bình, để giảm thiểu các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, trong khi vẫn đảm bảo duy trì kiểm soát được đối với hàng hóa XNK, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của DN, cần áp dụng chính thức, một cách có hệ thống phương pháp quản lý rủi ro trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Theo đó, áp dụng cách thức, mức độ kiểm tra khác nhau đối với hàng hoá của các DN khác nhau, trên cơ sở phân loại mức độ rủi ro đối với từng DN; áp dụng chế độ DN ưu tiên trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành, tương tự như việc công nhận DN ưu tiên của Tổng cục Hải quan; phân loại hàng hoá để xác định thời điểm kiểm tra trước hoặc sau thông quan…

Đối với danh mục hàng hóa phải kiểm tra, cần đổi mới cách làm và loại trừ những mặt hàng không nhất thiết kiểm tra. Bên cạnh đó, cần điện tử hóa thủ tục quản lý chuyên ngành, để giảm tối thiểu giấy tờ và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính.    

Tin bài liên quan