Doanh nghiệp lớn vững bước vượt khó

Doanh nghiệp lớn vững bước vượt khó

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh sau 1/4, 1/3 chặng đường của năm 2013 cho thấy, nhiều doanh nghiệp lớn, tiềm năng vẫn giữ được “phong độ” ổn định.

Trao đổi với ĐTCK, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Tổng CTCP Khoan và dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) cho biết, kết thúc quý I/2013, Công ty đạt hơn 421 tỷ đồng lợi nhuận. Trong quý II, PVD phấn đấu đạt được lợi nhuận tương tự quý I để kết thúc 6 tháng đầu năm 2013, Công ty có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận hơn 800 tỷ đồng.

Theo bà Phương, hiện nay, hoạt động cho thuê và vận hành các giàn khoan đã được khai thác với công suất tối đa, giúp PVD chiếm 50% thị phần trên thị trường cung cấp giàn khoan tại Việt Nam. Do đó, kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm mà ĐHCĐ đã thông qua là trên 1.300 tỷ đồng, nhưng Công ty kỳ vọng đạt ít nhất 1.500 tỷ đồng. Bởi lẽ, Công ty đã rất thận trọng khi đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2013 để ĐHCĐ thông qua. PVD vừa thực hiện ký kết hợp đồng cung cấp giàn khoan biển tự nâng PV Drilling II và các dịch vụ kỹ thuật giếng khoan để phục vụ cho chiến dịch khoan phát triển mỏ Thăng Long - Đông Đô cho Công ty Lam Sơn JOC và một số dự án khác.

Doanh nghiệp lớn vững bước vượt khó ảnh 1

PVD kỳ vọng đạt ít nhất 1.500 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2013 so với kế hoạch trên 1.300 tỷ đồng

Tổng CTCP Kỹ thuật dầu khí Việt Nam - PTSC (PVS) cũng đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong những tháng đầu năm. Ông Nguyễn Hùng Dũng, Tổng giám đốc PVS cho biết, tính đến hết tháng 4, Công ty đạt doanh thu 7.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 445 tỷ đồng. Dịch vụ cung ứng tàu chuyên dụng, dịch vụ căn cứ cảng dầu khí, dịch vụ khảo sát địa chấn địa chất công trình và khảo sát sửa chữa công trình ngầm đều có sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm khả quan sẽ là cơ sở, là “bàn đạp” giúp PVS hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2013 như tổng doanh thu 26.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng.

Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas, mã GAS) đạt gần 57% kế hoạch lợi nhuận năm khi kết thúc quý I/2013 (đạt 4.374,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý I), nhiều khả năng sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận 7.693 tỷ đồng trong năm 2013. Năm 2012, PVGas đã vượt hơn 90% kế hoạch lợi nhuận năm, đạt trên 12.000 tỷ đồng.

Theo một số cổ đông, PVGas đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2013 thấp hơn nhiều so với mức thực hiện trong năm 2012 là quá thận trọng. Về vấn đề này, lãnh đạo GAS cho rằng, hoạt động kinh doanh của Công ty phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của giá dầu thế giới. Kế hoạch lợi nhuận gần 7.700 tỷ đồng như trên là mức “cận biên”, đảm bảo an toàn khi giá dầu đi xuống. Mục tiêu của PVGas trong năm nay là đảm bảo sản xuất, tiêu thụ và cung cấp các sản phẩm khí ở mức tối đa trong khả năng cho các hộ gia đình và cùng với các đơn vị thành viên đáp ứng trên 60% nhu cầu của cả nước.

CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) cũng là DN duy trì được kết quả kinh doanh ổn định, tăng trưởng đều qua từng quý, từng năm. Quý I/2013, Vinamilk đạt hơn 1.530 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, trong quý II/2013, lợi nhuận của Công ty sẽ đạt tối thiểu bằng lợi nhuận quý I, bởi quý II là thời gian tiêu thụ sữa lớn trong năm. Chiến lược của Vinamilk trong thời gian tới là phấn đấu trở thành 1 trong 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới, với doanh số 3 tỷ USD vào năm 2017, hiện Công ty đạt ở vị trí thứ 53.

Một số DN đạt lợi nhuận vượt xa kết hoạch trong quý I/2013 như PPC, VIP… Cụ thể, kết thúc quý I/2013, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) lãi hơn 1.000 tỷ đồng, trong khi kế hoạch ban đầu cho cả năm chỉ là 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong khoản lãi hơn 1.000 tỷ đồng đó, việc ghi nhận doanh thu tài chính từ chênh lệch tỷ giá đồng Yên đã đóng góp 552 tỷ đồng. CTCP Vận tải xăng dầu VIPCO (VIP) ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế trên 112 tỷ đồng trong quý I/2013. Góp phần mang lại khoản lợi nhuận đột biến này cho VIP là hoạt động thanh lý tài sản.

Thực tế, những khoản lợi nhuận đột biến của DN không mang lại nhiều ý nghĩa, vì nó không tạo ra từ hoạt động chính, mang lại thu nhập một lần, nên không thể căn cứ vào đó để đánh giá hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Chỉ khi lợi nhuận của DN đến từ hoạt động kinh doanh chính thì DN mới chứng tỏ “sức đề kháng” của mình trong bối cảnh thị trường khó khăn và giá cổ phiếu có diễn biến khả quan trên TTCK.