Doanh nghiệp lãi nhờ cơ cấu, kiểm toán lại... làm ngơ

Doanh nghiệp lãi nhờ cơ cấu, kiểm toán lại... làm ngơ

(ĐTCK) Cùng được coi là những “sáng kiến” giúp DN ghi nhận con số lợi nhuận lớn trong kỳ kế toán, nhưng có những cách hoàn toàn đúng luật, rõ ràng; ngược lại, không ít “chiêu”, để đạt được mục tiêu, cần phải có sự hỗ trợ của kiểm toán.

Câu chuyện những cây tùng của Hanic

“Công ty TNHH Đầu tư DubaiCapital là đơn vị nào mà sẵn sàng chi cho Hanic 75 tỷ đồng để nhận 20% quyền theo đuổi Dự án Tây Mỗ”, Giám đốc một công ty quản lý đầu tư trong nước mở

đầu câu chuyện, khi nói về nguyên nhân khiến CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (Hanic, mã SHN) lãi đột biến quý IV/2013.

Về lý thuyết, Hanic sau khi bán quyền theo đuổi dự án, có thể hạch toán lãi. Nhưng lãi ấy có thực sự là lãi hay không, lại là câu chuyện dài kỳ. NĐT hoàn toàn có thể nghi ngờ vấn đề này.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính (BCTC) của Hanic, đối tác trả trước 10%, tức 7,5 tỷ đồng trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng; 90% còn lại, chi trả trong vòng 12 tháng tiếp theo, kể từ đợt 1. Tức là, để biết Hanic có thực sự thu được tiền về, lãi thực từ thương vụ này hay không, NĐT phải chờ thêm một năm nữa, kể từ thời điểm này!

Trong bối cảnh hơn 1 năm qua, Hanic, DN có 347,67 tỷ đồng tài sản (theo giá trị hạch toán), với gần như toàn bộ giá trị tài sản này được kiểm toán cho biết: không có đầy đủ thông tin để đánh giá khả năng giảm giá trị, thì giờ đây, thêm một khoản hơn 70 tỷ đồng khoản phải thu nữa, có lẽ cũng không làm thay đổi quá nhiều cục diện tài chính!

Thế nhưng, câu chuyện của Hanic chưa dừng ở đây. Bán quyền theo đuổi của dự án này để kết lãi lớn, Hanic lại ngay lập tức… chấp nhận chi 34 tỷ đồng để nhận quyền theo đuổi của một dự án khác (ở tận Bắc Ninh), dù rằng, thời điểm ký hợp đồng, Hanic vẫn chưa có dòng tiền, Công ty dù có lãi ở sổ sách, nhưng tình hình tài chính chưa kịp thay đổi.

NĐT đang chờ đợi một điều rất quan trọng của kiểm toán: vai trò độc lập trong đánh giá tính chuẩn mực cách hạch toán của Hanic ở các tài sản mà Công ty đang ghi nhận. Mấy chục tỷ đồng giá trị những cây tùng La Hán mà Hanic đang hạch toán ở dạng tài sản chờ thanh lý (thu hồi nợ), khoản phải trả (do hạch toán tương ứng phần chuyển quyền tham gia đầu tư vào CTCP Bất động sản Âu Lạc), liệu có phải là con số hợp lý hay không, thì chỉ kiểm toán viên mới có cơ hội được rõ, bởi giá một cây tùng có thể du di từ vài chục triệu đồng tới vài tỷ đồng. Hơn 100 tỷ đồng đầu tư dài hạn còn có giá trị thực là bao nhiêu? Khoản phải thu của Công ty Đầu tư DubaiCapital có khả năng thu hồi được không? Việc chi số tiền lớn cho theo đuổi Dự án ở Bắc Ninh liệu có phù hợp?

Nếu tất cả những hoạt động mà Hanic đang làm là hoàn toàn minh bạch, hiệu quả, tương lai của DN có thể đang bước sang vùng sáng mới. Thế nhưng, trong trường hợp ngược lại, thì câu chuyện sẽ chỉ là… kéo dài thời gian khai tử cho một cái xác!

Và, để xác minh điều này, nếu không muốn chờ thêm vài ba năm nữa, NĐT chỉ còn cách trông chờ vào đạo đức và trình độ chuyên môn của kiểm toán.

Vai trò của kiểm toán ở đâu?

Đã đến lúc, NĐT cần sự đánh giá chính xác của kiểm toán độc lập, thay vì chỉ đưa ra lưu ý chung chung là “không có đầy đủ thông tin để đánh giá” với gần hết tài sản, mà không có một ước lượng hợp lý những ảnh hưởng có thể xảy ra cho người đọc.

Nếu chỉ cần lưu ý như những gì đã diễn ra và… đồng ý hết với cách hạch toán của DN, thì cần gì vai trò của kiểm toán?

“Bán một tài sản với giá trị lớn, rồi lại quay vòng tiền ngay lập tức vào một tài sản khác, mà NĐT thậm chí chẳng biết mặt mũi nó như thế nào, hoàn toàn có thể là một cách để DN cơ cấu lợi nhuận một cách dễ dàng, không cần phải bỏ tiền thật vào DN”, vị lãnh đạo công ty quản lý quỹ nói trên cho biết.

Tuy nhiên, vấn đề là, DN có làm được thế không, nếu kiểm toán sâu sát hơn bản chất của các giao dịch ấy cũng như những tài sản thế chỗ tài sản cũ với giá… cao hơn?

Ông Bùi Văn Mai, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký hội Kiểm toán viên hành nghề (VACPC) đã từng nhận xét rằng: Không thể chấp nhận được những báo cáo kiểm toán mà kiểm

toán viên xác nhận “tính trung thực và hợp lý” của BCTC, nhưng lại lưu ý gần hết tài sản của DN. Nhưng tiếc rằng, vẫn còn những báo cáo như thế.

Một DN đang âm gần hết vốn chủ, bỗng nhiên có lãi vì đem tài sản đi góp vốn, với giá lớn hơn rất nhiều giá trị sổ sách… là chuyện đã xảy ra. Thế nhưng, có một điều chắc chắn rằng, không phải trong trường hợp nào khoản góp vốn này cũng thực sự mang lại giá trị cho cổ đông, khi đối tượng được góp vốn ấy, sau mấy năm vẫn im lìm.

Trao đổi với ĐTCK, một kiểm toán viên có kinh nghiệm hơn 8 năm trong nghề chia sẻ: “Gần như chẳng có điều gì DN có thể qua mặt được kiểm toán, vấn đề là kiểm toán có cố tình lôi ra không.

Trong nhiều trường hợp, DN có thể lách được về tính pháp lý, nhưng kiểm toán viên cứng nghề vẫn có cách để thể hiện vấn đề trên báo cáo kiểm toán”.

Đã đến lúc, thị trường cần một cuộc cách mạng thực sự trong chất lượng kiểm toán. Với các DN đang niêm yết, kết quả kinh doanh thể hiện trên BCTC sau kiểm toán sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến diễn biến giá cổ phiếu, nên không thể làm nhẹ vai trò của kiểm toán đối với những thiệt hại nếu có của NĐT do kết quả kiểm toán không rõ ràng. NĐT đang chờ đợi một mùa kiểm toán tích cực.

Tin bài liên quan