Chia sẻ một số vướng mắc trong việc đăng ký quỹ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo Nghị định 38/2018/NĐ-CP, bà Nguyễn Ngọc Thu, đại diện Quỹ Vietnam Innoventures cho biết, Nghị định 38 quy định về đầu tư cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo, theo đó ghi nhận hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo là một ngành nghề đầu tư kinh doanh và xác định địa vị pháp lý của các công ty đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, song những vấn đề này chưa được hệ thống pháp luật Việt Nam quy định.
Đây là rào cản ngay từ đầu khiến việc thành lập quỹ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong điều kiện hiện nay chưa thực sự khả thi.
Bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc đại diện tại Việt Nam của Quỹ Nextrans (Hàn Quốc) cho rằng, mặc dù là nơi đi theo các trào lưu xu hướng đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp rất nhanh, nhưng do khung pháp lý thiếu đồng bộ hoặc không theo kịp đã tạo ra các rào cản về mặt thể chế, khiến nhiều nhà khởi nghiệp Việt Nam không còn cách nào khác phải thành lập pháp nhân tại nước ngoài để thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ đầu tư.
Bà Lâm cũng chỉ ra một thực tế đáng lưu tâm là dù startup không muốn ra nước ngoài lập pháp nhân, song các quỹ ngoại lo ngại việc thoái vốn khó khăn vì các quy định về tài chính có liên quan đến yếu tố nước ngoài khá rối rắm, nên chỉ đồng ý rót vốn khi họ chấp nhận ra nước ngoài thành lập pháp nhân.
Theo bà Chu Thị Hoa, Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, hệ thống thể chế về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp hiện nay vẫn thiếu khung pháp lý với các quy định phù hợp cho các loại hình kinh doanh mới. Đây là rào cản lớn khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam khó tiến cận vốn cũng như khó đi vào hoạt động.
“Các công cụ huy động vốn và mô hình kinh doanh thay đổi rất nhanh, nhiều mô hình mới ra đời như tiền kỹ thuật số, khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho công nghệ tài chính (FinTech), kinh tế chia sẻ…, song cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý ở cấp nghị định quy định về các vấn đề này, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thực tiễn hoạt động”, bà Hoa nhận xét.
Theo đại diện Bộ Tư pháp, các hình thức gọi vốn mới như ICO (gọi vốn lần đầu qua các đồng tiền điện tử thông qua bản thuyết minh), STO (chào bán token chứng khoán - chứng khoán mã hóa) cho startup xuất hiện từ năm 2017 tại các nước trong khu vực.
Khi Việt Nam còn đang dò dẫm tiếp cận hai hình thức gọi vốn này thì trong khu vực và thế giới đã chuyển sang mô hình IEO (việc bán token được hỗ trợ bởi một sàn giao dịch tiền điện tử).
Theo dự báo của các chuyên gia, tới đầu năm 2020, hoạt động gọi vốn của các startup sẽ không còn tập trung ở 3 hình thức cũ, mà có thể chuyển sang hình thức IDO (gọi vốn thông qua sàn giao dịch phi tập trung).
Trong bối cảnh này, bà Hoa cho rằng, Việt Nam cần sớm xây dựng các quy định và khung pháp lý thí điểm (sandbox) cho các mô hình gọi vốn ICO, STO hay IEO.
“Việt Nam được đánh giá là quốc gia hội tụ đủ yếu tố để trở thành trung tâm ứng dụng blockchain của thế giới, nhưng việc thiếu hành lang pháp lý đủ mạnh hỗ trợ có thể khiến Việt Nam không tận dụng được giá trị tối đa từ nền tảng công nghệ này”, bà Hoa nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia về công nghệ cho rằng, Việt Nam có thể ứng dụng thí điểm các “Sandbox” của Chính phủ vào các mô hình kinh doanh mới và mạnh dạn áp dụng thí điểm cho các công cụ gọi vốn, vì "Sandbox" là khu vực được thử nghiệm những mô hình kinh tế mới, áp dụng trong phạm vi hạn chế.
Việc này sẽ giúp các startup có môi trường hoạt động, thay vì phải ra nước ngoài như thời gian vừa qua.
“Xây dựng thị trường đầu tư mạo hiểm, các sàn giao dịch ICO, STO và Coin trong khuôn khổ Sandbox, hoạt động công khai, minh bạch và hiệu quả, thì chúng ta hoàn toàn hy vọng vào tương lai gần là Việt Nam sẽ giữ được những startup triệu đô trong các lĩnh vực này”, bà Nguyễn Thy Nga, Giám đốc V-Startup nói.