Các DN đang thực sự cần vốn chưa tiếp cận được nguồn tín dụng với lãi suất hợp lý - Ảnh: Petrotimes

Các DN đang thực sự cần vốn chưa tiếp cận được nguồn tín dụng với lãi suất hợp lý - Ảnh: Petrotimes

Doanh nghiệp khắc khoải chờ tiếp sức

(ĐTCK) Tình trạng “ốm” nặng, thậm chí là “chết” của DN đang trở nên nghiêm trọng, phần nào minh chứng qua tổng số thu nội địa quý I/2012 giảm 2,4% so với cùng kỳ.

Đây là năm đầu tiên trong nhiều năm liền, khoản thu nội địa bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước đó. Giải mã sự sụt giảm này, lãnh đạo Bộ Tài chính thừa nhận, chủ yếu do tình trạng khó khăn của nền kinh tế, khiến nhiều DN hoạt động không hiệu quả, không có khả năng đóng thuế...

Chuyện DN làm ăn kém dẫn đến đình trệ, thậm chí đóng cửa là quy luật đào thải bình thường của thị trường. Điều bất thường, theo TS. Lê Đăng Doanh, là trong số nhiều DN bị “chết” thời gian qua có không ít cái chết oan uổng, do bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát và lãi suất cao, chứ không phải DN có công nghệ kém, thị trường hẹp, kinh doanh thiếu bài bản.…

Nhiều DN, các hiệp hội ngành hàng  liên tiếp có công văn “kêu” lên các cấp quản lý, để có hình thức hỗ trợ thiết thực giúp DN thoát cơn bĩ cực hiện tại. Tuy nhiên, chuyển động trên thực tế chưa như mong đợi. Trong hai hình thức quan trọng hỗ trợ DN là thông qua chính sách tiền tệ để giảm lãi suất và thông qua chính sách tài chính để miễn, giảm hoặc giãn thuế, thì tác dụng hỗ trợ cho DN, là chưa đáng kể.

Theo ông Lê Đăng Doanh, nỗ lực đưa trần lãi suất huy động về 12%/năm tạo ra hiệu ứng tích cực trên… giấy nhiều hơn trên thực tế. Các NHTM tiếp tục lách quy định của NHNN để đẩy trần lãi suất huy động lên 15 - 16%/năm, khiến lãi suất cho vay vẫn cao, các DN đang thực sự cần vốn chưa tiếp cận được nguồn tín dụng với lãi suất hợp lý. Điều này đang đẩy không ít DN vào chỗ “chết” nhanh hơn, trong đó có những cái chết oan uổng.

Hiện trạng hỗ trợ DN ở đầu chính sách tài chính cũng không mấy khả quan, bởi hầu hết biện pháp như: giảm 30% thuế thu nhập DN đối với DN vừa và nhỏ, DN sử dụng nhiều lao động, giãn thời hạn nộp thuế…đều đã hết hiệu lực trong năm 2011. Chính sách hỗ trợ các DN còn hiệu lực trong năm nay, đáng kể nhất chỉ là được gia hạn nộp thuế thu nhập DN thêm 3 tháng. Vì những giải pháp hỗ trợ mang tính nhỏ giọt, nên khó khăn chồng chất của DN vẫn còn đó. Trong khi khó khăn chưa qua, các DN có thể còn bị thêm sức ép, khi Bộ Tài chính quyết tâm vượt thu ngân sách năm 2012 lên đến 5 - 8% so với dự toán của Quốc hội.

Khi số thuế thu từ DN giảm với tỷ lệ đáng báo động trong quý I, Bộ Tài chính đã “sốt ruột” vào cuộc. Thông tin mới nhất được ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát các DN, để nắm bắt cụ thể những khó khăn mà DN gặp phải. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ lên kế hoạch triển khai hoặc kiến nghị Quốc hội, Chính phủ thực thi một số giải pháp, nhất là các chính sách mới về thuế, để “cứu nguy” cho DN - đó cũng là cách để duy trì và nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách mà bộ này trực tiếp nhận trách nhiệm thu.

Diễn biến trên cho thấy, DN sẽ còn phải đợi, nhưng tình trạng ốm nặng, thậm chí sắp chết thì không đợi DN. Liệu DN có còn đủ sức để chờ đến thời điểm có chính sách tiếp sức? Hơn lúc nào hết, các DN đang rất cần những liều thuốc trợ lực hữu hiệu và cấp tốc, không chỉ đơn thuần là ưu đãi về thuế.