Vướng vì giá trị vô hình
Quý I/2019 đã trôi qua, nhưng theo Bộ Tài chính, chỉ có một thương vụ thoái vốn nằm trong danh mục quy định tại Quyết định số 1232//2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020. Trong khi đó, kế hoạch năm nay phải thoái vốn ở 62 doanh nghiệp, chưa kể 127 doanh nghiệp trễ hẹn thoái vốn trong năm 2018 cũng phải khẩn trương thoái vốn.
Ghi nhận Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, bất cập về cơ chế, nhưng ý kiến từ phía doanh nghiệp cho thấy, việc triển khai quy định mới đang phát sinh vướng mắc mới.
Qua thực tiễn tư vấn thoái vốn cho các doanh nghiệp, giám đốc khối dịch vụ ngân hàng đầu tư một công ty chứng khoán đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, để bịt kẽ hở có nguy cơ làm thất thoát giá trị phần vốn nhà nước đưa ra thoái, Nghị định 32/2018/NĐ-CP bổ sung nội dung mới là khi xác định giá khởi điểm chuyển nhượng vốn, doanh nghiệp lựa chọn ký hợp đồng thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về thẩm định giá; xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra ngoài, bao gồm giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, quyền sử dụng đất thuê, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử khác, nhãn hiệu, tên thương mại (nếu có) theo quy định của pháp luật… Thực tế triển khai quy định mới này đang bộc lộ vướng mắc.
Theo đó, việc định giá các yếu tố vô hình như giá trị văn hóa, lịch sử, nhãn hiệu… rất khó. Nếu những yếu tố này định giá cao, để đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn cho lãnh đạo doanh nghiệp thoái vốn, thì nhà đầu tư chê không mua.
Còn định giá thấp, thu hút được nhà đầu tư tham gia đợt thoái vốn, nhưng bên bán vốn đối diện với việc bị truy trách nhiệm làm thất thoát tài sản nhà nước. Như thế nào được coi là một mức giá vừa phải đang là thách thức cho cả bên tư vấn, định giá lẫn cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước, lãnh đạo doanh nghiệp thoái vốn. Chính điều này khiến cho việc xác định giá trị văn hóa, lịch sử, nhãn hiệu… ở không ít doanh nghiệp đang rơi vào lúng túng, kéo dài, làm chậm tiến độ thoái vốn.
Để khắc phục vướng mắc trên, ý kiến từ phía doanh nghiệp, cũng như nhà đầu tư cho rằng, quy định pháp lý cần xác định rõ ràng cách thức định giá các giá trị văn hóa, lịch sử, nhãn hiệu… theo hướng hài hòa lợi ích của bên bán và bên mua, tránh tâm lý thà định giá cao, nhưng an toàn cho bên bán vốn, bất chấp thương vụ thoái vốn có thể rơi vào ế ẩm.
Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2016 – 2018, cả nước đã thoái vốn tại các doanh nghiệp được 22.064 tỷ đồng, thu về 165.956 tỷ đồng; trong đó, chỉ có 78 doanh nghiệp thuộc Quyết định số 1232//2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tiến hành thoái vốn nhà nước, với giá trị 3.790 tỷ đồng, thu về 7.107 tỷ đồng...
Đành rằng, khi thiết kế chính sách, nhà quản lý nhắm tới mục tiêu mang lại giá trị cao nhất cho nhà nước khi thoái vốn, nhưng đừng quên tiến độ cũng không kém phần quan trọng.
Thực tế thị trường cho thấy, nhà đầu tư chỉ chấp nhận giá cao khi hàng hóa có chất lượng, chứ hiện trạng doanh nghiệp kinh doanh khó khăn, triển vọng phát triển không mấy sáng sủa, mà cứng nhắc dựa vào giá trị lịch sử, văn hóa để đưa ra mức giá thoái vốn cao, thì tiến độ thoái vốn nhà nước sẽ tiếp tục rơi vào chậm trễ kéo dài do cung - cầu khó gặp nhau.
Khó mua vì cơ chế giá
Ý kiến từ đại diện một công ty chứng khoán còn cho rằng, một vướng mắc khác đang khiến cho các thương vụ thoái vốn chậm triển khai cũng liên quan đến quy định mới tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP.
Đó là, khi xác định giá khởi điểm chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, phải đảm bảo xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra ngoài, bao gồm giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, quyền sử dụng đất thuê, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử khác, nhãn hiệu, tên thương mại…
Trường hợp giá khởi điểm xác định theo quy định này thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin thực hiện bán cổ phần chuyển nhượng vốn, thì lấy giá tham chiếu bình quân này làm giá khởi điểm chuyển nhượng vốn khi giao dịch trên hệ thống giao dịch của thị trường chứng khoán và giao dịch ngoài sàn giao dịch chứng khoán để chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết…
Ý kiến từ doanh nghiệp cho rằng, với quy định trên, chẳng hạn giá khởi điểm chuyển nhượng vốn là 10.000 đồng/cổ phiếu, nhưng thị giá của cổ phiếu trên sàn chứng khoán là 15.000 đồng/cổ phiếu, thì nhà đầu tư phải mua phần vốn nhà nước thoái với giá 15.000 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, nhiều cổ phiếu của các công ty hình thành từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trên sàn có thanh khoản rất thấp, lượng cổ phần tự do chuyển nhượng không đáng kể, nên giá trên sàn không phản ánh xác thực giá trị doanh nghiệp. Cơ chế giá này khiến doanh nghiệp bị làm khó và không phù hợp trên TTCK còn non trẻ và khập khễnh như TTCK Việt Nam.
Một rủi ro khác mà nhà đầu tư đang phải đối mặt trong trường hợp mức giá trên sàn chênh lệch cao so với giá khởi điểm là rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu không mua, nhà đầu tư sẽ bị mất tiền đặt cọc (giá trị không nhỏ nếu lượng cổ phần đăng ký mua lớn), còn nếu mua thì phải chịu mức giá cao. Sự bất cập của cơ chế giá này khiến nhà đầu tư không mặn mà tham gia các đợt thoái vốn.
Trước những ý kiến này, đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong quý I/2019, Bộ đã rà soát các vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai Nghị định 32/2018/NĐ-CP, để sớm trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ phương án xử lý. Bộ Tài chính cũng đang rà soát, để tổng kết và đề xuất việc sửa đổi Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp, nhằm vừa tạo sự thông thoáng, vừa đảm bảo sự đồng bộ trong tháo gỡ các vướng mắc cho thúc đẩy tiến trình thoái vốn.
Giá trị vô hình đã được phản ánh vào giá trị hữu hình…
Nhà đầu tư Nguyễn Văn Mạnh, Nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng
Thực ra, các giá trị mang tính chất vô hình như văn hóa, lịch sử, nhãn hiệu, tên thương mại… của doanh nghiệp đã phản ánh vào giá trị hữu hình như uy tín, chất lượng của sản phẩm, dịch vụ; vào thị phần, vào chỗ đứng của doanh nghiệp trên thị trường… Bởi vậy, không dễ tách giá trị vô hình ra khỏi giá trị hữu hình của doanh nghiệp để định giá. Những giá trị mang tính chất vô hình này, cộng với nó mang tính chủ quan của bên bán, nên khi cơ chế xác định giá trị các yếu tố này không rõ ràng, dẫn đến định giá cao bất hợp lý thì sẽ khó đáp ứng được yêu cầu của bên mua.
Thêm vào đó, những giá trị văn hóa, lịch sử, nhãn hiệu… thuộc về quá khứ, trong khi tham gia mua phần vốn nhà nước thoái tại các doanh nghiệp, nhà đầu tư mua tương lai, triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp là chính. Do đó, cơ chế xác định giá trị các yếu tố vô hình này cần cụ thể, rõ ràng, để vừa tránh cho bên bán sợ trách nhiệm dẫn đến định giá cao khiến việc thoái vốn của nhà nước khó thành công, vừa thu hút nhà đầu tư tham gia, qua đó góp phần dần khắc phục tiến trình thoái vốn chậm trễ kéo dài suốt thời gian qua.