Nhận thức đúng về sáng chế
Tại các nước phát triển, số lượng đơn sáng chế hằng năm có thể lên tới con số hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu đơn mỗi năm.
Điều đó được thể hiện qua báo cáo về chỉ số sở hữu trí tuệ thế giới của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), ví dụ vào năm 2018, Trung Quốc có số lượng đơn đăng ký cấp bằng sáng chế cao nhất đạt 1,54 triệu đơn, tiếp sau là Hoa Kỳ (597.141), Nhật Bản (313.567), Hàn Quốc (209.992) và châu Âu (EPO: 174.397), Đức (67.898), Ấn Độ (50.055), Liên bang Nga (37.957), Canada (36.161) và Úc (29.957). Còn tại Việt Nam, số đơn đăng ký sáng chế mỗi năm vào khoảng vài nghìn đơn.
Như cùng thời điểm năm 2018 Việt Nam có 6.071 đơn đăng ký sáng chế - ghi nhận bởi Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Thực tế này cho thấy sự quan tâm và yêu cầu của các doanh nghiệp Việt đối với việc sáng chế và bảo hộ sáng chế là không cao.
Tuy nhiên, sáng chế lại đóng vai trò không hề nhỏ trong hoạt động của doanh nghiệp. Câu chuyện sau là một ví dụng tiêu biểu: Công ty cổ phần của anh Đạt có hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rất tốt trên thị trường. Một trong những yếu tố dẫn đến sự thành công đến từ những giải pháp do chính anh Đạt phát kiến ra và ứng dụng vào trong quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm của công ty.
Như những doanh nghiệp Việt khác, anh Đạt hiếm khi quan tâm bài bản đến sự bảo đảm tính độc tôn khai thác kinh doanh đối với chính phát kiến của mình. Anh Đạt chỉ biết đến ý nghĩa pháp lý của sáng chế qua một thương vụ M&A gần đây.
Do muốn thúc đẩy tăng trưởng công ty hơn nữa, nên anh Đạt và các cổ đông trọng yếu đã lựa chọn phương thức chào bán cổ phần phát hành mới của công ty cho một đối tác chiến lược nước ngoài. Trải qua quá trình rà soát tín nhiệm đầu tư (Due Diligence), đối tác nước ngoài rất chú tâm vào quy trình và các giải pháp phát kiến của công ty. Chính anh Đạt đã thừa nhận với đối tác nước ngoài các phát kiến quy trình, sản phẩm chính là giải pháp đột phá mang đến thanh công cho công ty.
Ban đầu, đối tác nước ngoài đánh giá rất cao vấn đề này và cho rằng giá trị công ty sẽ phụ thuộc lớn vào đây. Nhưng sau đó, tại quá trình đánh giá tín nhiệm, họ đặt ra câu hỏi cần trả lời rõ ràng: Các phát kiến đã được đăng ký bảo hộ sáng chế cho công ty hay chưa? Anh Đạt cho rằng mặc dù chưa đăng ký nhưng phát kiến là của anh nên sẽ thuộc về công ty và có thể đăng ký lúc nào cũng được.
Sau đó, đối tác mới giải thích: việc đăng ký và chưa đăng ký là khác nhau một trời một vực. Vì theo quy định pháp luật, nếu chưa đăng ký mà giải pháp của anh đã được đưa vào sản xuất, sử dụng công khai tạo ra sản phẩm. Như vậy, giải pháp do anh Đạt phát minh ra sẽ không còn quyền được đăng ký bảo hộ nữa. Các doanh nghiệp khác có thể dùng giải pháp phát minh này để sản xuất sản phẩm tương tự như công ty của anh.
Đối tác nước ngoài nhận định rằng việc không đăng ký bảo hộ sáng chế đã làm mất đi tính độc đáo và giá trị công ty của anh Đạt. Kết quả định giá và nguồn lợi thu lại từ thương vụ M&A cuối cùng không được như kỳ vọng ban đầu. Đây là ví dụ điển hình cho câu chuyện thường thấy ở các doanh nghiệp Việt Nam.
Khác biệt giữa ta với tây
Nói đến các doanh nghiệp phương tây ở đây, tôi muốn gọi vắn tắt cho các doanh nghiệp đến từ những nền công nghiệp phát triển của mọi châu lục. Khi so sánh giữa các doanh nghiệp phương tây có nền sản xuất phát triển với doanh nghiệp Việt Nam, có nhiều điểm khác biệt liên quan tới tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.
Điểm khác biệt đầu tiên có thể nhắc tới là phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trong cơ cấu của công ty. Bộ phận này gần như bắt buộc phải có và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển công ty của nhiều doanh nghiệp phương tây.
Mục đích của bộ phận R&D là luôn luôn tìm kiếm sự đổi mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo lợi thế cho sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường. Bộ phận này có áp lực, có chỉ tiêu, có thước đo hiệu quả và vai trò không khác gì các bộ phận trực tiếp kinh doanh. Từ đó, yếu tố tạo thành sáng kiến, giải pháp, ý tưởng kinh doanh là đòi hỏi phải có, phải hoàn thành, chứ không phải là sự đột xuất, ngẫu nhiên, có hay không cũng được.
Số lượng các phát minh sáng chế được đăng ký bảo hộ gần như là tiêu chí và chỉ tiêu cần thiết để xác định độ hiệu quả của bộ phận R&D trong tổ chức.
Không nhiều doanh nghiệp Việt thành lập bộ phận R&D. Thậm chí có thành lập đi nữa, thì giới doanh nghiệp Việt cũng chưa chú trọng thực sự đến hiệu quả của bộ phận R&D. Biểu hiện của vấn đề này chính là sự chưa hoạt động bài bản quy củ, thiếu các chỉ tiêu chuyên nghiệp mà doanh nghiệp đưa ra với bộ phận R&D do mình thành lập.,
Điểm khác biệt thứ hai là sự hiểu biết đến vấn đề pháp lý để bảo vệ các phát kiến nhằm ngăn chặn sự xâm phạm của đối thủ cạnh tranh. Bởi vì không chỉ theo quy định của Việt Nam, mà pháp luật quốc tế về sở hữu trí tuệ đều quy định, các sáng chế phải đảm bảo được yếu tố về “tính mới”. Sáng chế được coi là có “tính mới” nếu như quy trình, giải pháp cần được bảo hộ dưới dạng sáng chế đó chưa bị bộc lộ công khai bằng hình thức sử dụng hoặc được mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ra công chúng.
Do vậy, đối với quy trình của các doanh nghiệp nước ngoài, ngay khi bộ phận R&D hoặc bộ phận nào đó có một phát minh, sáng chế mới, họ liền thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ nó rồi mới bắt đầu đưa vào sản xuất hàng loạt. Họ chú trọng đến các điều kiện đăng ký, các ngoại lệ đăng ký và hiệu lực pháp lý bảo hộ trước khi họ khai thác kinh doanh bằng phát kiến tạo ra. Đến khi đó, các đối thủ trên thị trường mặc dù biết tính ưu việt của sản phẩm nhưng cũng không có cơ sở để bắt chước hoặc sao chép sản phẩm.
Thay đổi để tồn tại
Trong tổng số đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam hiện nay, số đơn đăng ký sáng chế thuần Việt hiện chỉ chiếm khoảng 8-10%. Các ngành nghề đăng ký sáng chế phổ biến tại Việt Nam thường tập trung vào các lĩnh vực như y tế, dược, linh kiện điện tử, vô tuyến truyền thông. Về mặt thực tế, khi một quốc gia bước trên con đường phát triển, sự đi lên đều dựa trên yếu tố trọng yếu là sự sáng tạo, phát triển. Hiện tại, Việt Nam đã và đang phát triển rất nhiều về quy mô, lĩnh vực ngành nghề.
Giả sử, trong mỗi lĩnh vực, ngành nghề, các doanh nghiệp Việt đều tự mình đặt ra nhu cầu về sáng tạo, phát triển, thì chắc chắn đây sẽ là động lực đẩy mạnh cả về số lượng lẫn lận chất lượng các đơn sáng chế thuẩn Việt ở Việt Nam. Qua đó, là một tiêu chí góp phần thúc đẩy nền sản xuất, kinh tế phát triển. Mong rằng một ngày nào đó, giới doanh nghiệp Việt sẽ hình thành một trào lưu, “hãy sáng chế”!