Dự án Samsung thu hút nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam. Ảnh: KTĐT

Dự án Samsung thu hút nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam. Ảnh: KTĐT

Doanh nghiệp Hàn nối gót nhau vào Việt Nam

Trong những tháng đầu năm, các doanh nghiệp Hàn Quốc lên kế hoạch chi hàng tỷ USD vào Việt Nam qua các dự án công nghệ cao và trở thành điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Sau khi đã có tổ hợp sản xuất điện thoại di động trị giá 1,5 tỷ USD tại Bắc Ninh, tháng 3 vừa qua, Samsung đã khởi động việc rót thêm 2 tỷ USD để xây tổ hợp sản xuất điện thoại di động và các thiết bị công nghệ cao tại Thái Nguyên. Với dự án mới này, dự kiến mỗi năm tập đoàn cho ra đời thêm 100 triệu sản phẩm. Đối thủ của Samsung - tập đoàn LG Electronics cũng đang có kế hoạch đầu tư 300 triệu USD triển khai dự án điện tử, điện máy tại Hải Phòng.

 

Sự mở rộng của hai tập đoàn này báo hiệu một làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao, theo dự báo của Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham). "Thời gian tới sẽ có ngày càng nhiều các doanh nghiệp vệ tinh đầu tư vào Việt Nam theo các dự án của Samsung và LG", vị này phát biểu.

 

Đi tiên phong trong xu hướng này hiện đã có một số doanh nghiệp. Mới đây, Công ty TNHH Heasung Vina chuyên sản xuất camera cho điện thoại thông minh của Samsung đã tăng vốn gấp 3 lần lên 36 triệu USD nhằm nâng công suất lên 25 triệu sản phẩm mỗi năm.

 

Chính tại Thái Nguyên, ngày 14/5 vừa qua, công ty TNHH Doosun Industries cũng được cấp giấy chứng nhận đầu tư 14 triệu USD để xây một nhà máy in công nghệ cao phụ trợ cho Samsung. Theo kế hoạch, tháng 10/2013 nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động với công suất dự kiến 10.000 tấn sản phẩm mỗi năm, đón đầu cho sự khởi động của nhà máy Samsung tại đây.

 

Tổng giám đốc Doosun Industries, ông Jung Jun Young chia sẻ thêm, thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh tại Thái Nguyên.

 

Lý giải việc doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao ngày càng lớn, đại diện của Korcham cho rằng, ngoài sự có mặt của Samsung và LG tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp phụ trợ, thì cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam cũng khiến doanh nghiệp quan tâm.

 

Theo vị này, trước đây đa số doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam ở lĩnh vực dệt may, da giày. Hiện nay các lĩnh vực này không còn nhận được cơ chế ưu đãi nữa mà chỉ còn doanh nghiệp công nghệ cao là được giảm giá tiền thuê đất, miễn thuế thu nhập. Do đó, đa số công ty Hàn Quốc hiện nay chủ yếu quan tâm đến lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam .

 

Việc các doanh nghiệp vệ tinh theo chân các ông lớn vào thị trường Việt Nam cũng đã xảy ra trước đây. Chẳng hạn với nhà máy Canon tại Bắc Ninh và khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), hiện đang có gần chục doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại khu vực này nhằm cung cấp các sản phẩm hạt nhựa, linh kiện cho máy in.

 

Không chỉ vậy, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng lợi từ tập đoàn này. Đại diện một doanh nghiệp sản xuất đồ nhựa cho biết, gần 3 năm nay, nhà máy đã ký được hợp đồng sản xuất chi tiết máy in cho Canon. Đây trở thành nguồn thu lớn nhất để doanh nghiệp duy trì hoạt động trong bối khó khăn hiện nay.

 

Một chuyên gia trong ngành Kế hoạch và Đầu tư nhận định: "Lĩnh vực công nghệ cao đang hứa hẹn đem lại nhiều dòng vốn ngoại cho Việt Nam ". Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh, để thu hút hiệu quả nguồn vốn này, thời gian tới Bộ cũng xem xét lại cơ chế để cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao nhằm có những ưu đãi phù hợp, tránh lặp lại như trường hợp của Samsung phải mất tới hơn 3 năm mới được xét ưu đãi đầu tư công nghệ cao.

 

Hiện nay cả nước có trên 1.500 doanh nghiệp Hàn Quốc, mà nổi bật là Samsung khi chiếm đến gần 90% tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước này trong 4 tháng đầu năm. Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng là những đơn vị đầu tiên được cấp giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao.