Điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận
Năm nay, nhiều doanh nghiệp phải tổ chức ĐHCĐ trong tháng 5, 6, thay vì tổ chức vào tháng 3, 4 như mọi năm.
Trong các doanh nghiệp đã có nghị quyết hội đồng quản trị (HĐQT) về kế hoạch kinh doanh năm 2020 từ cuối năm ngoái, đầu năm nay, khi chưa lượng hóa hết những tác động của dịch bệnh Covid-19, không ít doanh nghiệp gần đây lên phương án điều chỉnh kế hoạch để trình ĐHCĐ sắp tới.
Chẳng hạn, HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG) vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 để trình tại ĐHCĐ ngày 6/6 tới, thay thế nội dung tại Nghị quyết HĐQT đã thông qua cuối tháng 12/2019.
Theo đó, MWG đặt mục tiêu doanh thu thuần 110.000 tỷ đồng, giảm hơn 10% và lợi nhuận sau thuế khoảng 3.450 tỷ đồng, giảm 28,6% so với kế hoạch ban đầu.
Như vậy, từ mục tiêu tăng trưởng về lợi nhuận gần 20% trong năm 2020, nay chuyển sang giảm 10% so với năm 2019 (năm ngoái, MWG lãi 3.571 tỷ đồng).
Với Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), giai đoạn đầu năm, TCM tự tin vào khả năng tăng trưởng hai con số trong năm 2020, nhưng với tác động của đại dịch, HĐQT Công ty đã họp và quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh, kế hoạch mới là doanh thu năm nay tăng 3,7% và lợi nhuận 188 tỷ đồng, giảm 12,9% so với năm 2019. Kế hoạch này sẽ được trình ĐHCĐ tổ chức vào đầu tháng 6 tới.
Ông Trần Như Tùng, thành viên HĐQT TCM chia sẻ, HĐQT Công ty đang họp bàn để thống nhất lại kế hoạch kinh doanh năm 2020 cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo đó, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận có thể sẽ điều chỉnh giảm thêm từ 5 - 10%. Tính đến hết 4 tháng đầu năm 2020, TCM đạt doanh thu 42,7 triệu USD (993 tỷ đồng), hoàn thành 85% kế hoạch 4 tháng và giảm 18% so với cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận đạt 1,72 triệu USD (40 tỷ đồng), hoàn thành 66% kế hoạch 4 tháng và giảm 52% so với cùng kỳ năm 2019.
Kết quả kinh doanh tháng 4 và 4 tháng đầu năm không đạt kế hoạch do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Công ty đã tìm kiếm đơn hàng khẩu trang vải kháng khuẩn và đồ bảo hộ y tế nhằm bù đắp việc thiếu hụt đơn hàng truyền thống.
Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) có phần gây “sốc” với cổ đông khi công bố điều chỉnh giảm mạnh các chỉ tiêu kinh doanh: doanh thu 14.000 tỷ đồng, giảm 31% và lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng, giảm hơn 70% so với kế hoạch ban đầu.
Theo ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT HBC, Công ty đã lường trước những kịch bản thị trường và đưa ra các đối sách nhằm vượt qua khủng hoảng. Hiện tại, HBC đang tập trung triển khai các hoạt động để phần nào bù đắp những thiệt hại trong giai đoạn vừa qua.
Xây dựng 2 - 3 kịch bản
Tác động của đại dịch Covid-19 đến các ngành, các doanh nghiệp theo từng cấp độ khác nhau, nên nhiều doanh nghiệp tiếp tục chọn cách lên kế hoạch kinh doanh theo kịch bản, dù việc này có phần “thách đố” cổ đông, nhưng được cho là phù hợp trong bối cảnh hiện tại, chủ yếu thể hiện tính thận trọng.
Công ty cổ phần VICOSTONE (VCS) lên kế hoạch kinh doanh năm 2020 khá sớm, khi dịch Covid-19 chưa có những diễn biến phức tạp và chưa cho thấy rõ ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội.
Hiện tại, dựa trên những đánh giá tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, HĐQT VCS đã họp và thống nhất điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để trình ĐHCĐ theo 2 kịch bản.
Ở kịch bản lạc quan, Công ty giữ nguyên kế hoạch mà HĐQT đã thông qua tại thời điểm cuối năm 2019, với mục tiêu doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 6.654 tỷ đồng và 1.980 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 20% so với năm 2019. Ở kịch bản thận trọng, doanh thu và lợi nhuận năm nay chỉ tăng nhẹ.
Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (DQC) cho biết, ở kịch bản trung bình, doanh thu năm nay dự báo giảm 26%, lợi nhuận dự kiến đạt gần 2 tỷ đồng, giảm 95% so với thực hiện năm 2019.
Ở kịch bản xấu, doanh thu của Công ty có thể giảm 35% và lợi nhuận trước thuế âm gần 10 tỷ đồng.
Việc nhiều doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm nay do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cũng như kết quả kinh doanh quý II không như kỳ vọng là điều sớm được thị trường dự báo.
Việc lùi thời gian họp ĐHCĐ vì dịch bệnh giúp các doanh nghiệp có điều kiện nhìn nhận kỹ hơn những tác động, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.
Với những doanh nghiệp đã tổ chức ĐHCĐ thì việc điều chỉnh này phải xin ý kiến của các cổ đông. Với các doanh nghiệp chưa tổ chức đại hội, việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh giúp các cổ đông, nhà đầu tư sớm hình dung được bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp trong năm.
Thực tế những năm qua, một số doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch khi gần kết thúc năm, khiến kế hoạch không còn ý nghĩa, mà chỉ làm giảm bớt áp lực đối với ban lãnh đạo khi tỷ lệ hoàn thành kế hoạch sẽ cao hơn.