Ngóng chính sách sớm được ban hành
Khi được hỏi về khả năng điều chỉnh kế hoạch doanh thu lợi nhuận năm 2020, một lãnh đạo Công ty cổ phần May Sông Hồng cho biết, Công ty đang xây dựng các kịch bản, nếu doanh nghiệp có các giải pháp hỗ trợ thì có thể cố gắng duy trì mức thực hiện như năm 2019. Thị trường lớn nhất của May Sông Hồng là Mỹ, nên hiện tại các đơn hàng chưa có thay đổi gì lớn.
Theo chia sẻ của tổng giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ, trong bối cảnh hiện nay, cắt giảm chi phí là giải pháp đầu tiên được tính đến.
Chi phí hoạt động không thể “giật gấu, vá vai” nên doanh nghiệp có quy mô lớn đang rà soát lại quỹ đất được giao quản lý. Với những vị trí không thực sự cần thiết, doanh nghiệp tính đến chuyện trả lại cho Nhà nước để giảm tiền thuê đất vì thuế đất cao, lên tới hơn 8 triệu đồng/m2/năm ở nhiều vị trí.
Chính vì lẽ đó, yêu cầu của Thủ tướng về việc Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành rà soát, khẩn trương đề xuất phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội, đang được các doanh nghiệp quan tâm đặc biệt.
Theo chia sẻ của chủ tịch một doanh nghiệp dệt may, với một doanh nghiệp dệt may có quy mô khoảng 15.000 công nhân, riêng tiền lương và các chi phí về bảo hiểm xã hội lên tới vài chục tỷ đồng mỗi tháng, nên giảm thời gian nộp bảo hiểm xã hội cũng bớt gánh nặng cho doanh nghiệp phần nào.
Tất nhiên, nếu hoạt động của doanh nghiệp diễn ra bình thường, không bị đình trệ sản xuất do đứt gãy chuỗi cung cấp nguyên liệu, doanh nghiệp cũng không muốn chậm nộp.
Với doanh nghiệp này, đơn hàng cho 2 quý đầu năm không đáng ngại, nhưng hiện tình hình dịch bệnh đang lây lan nhanh tại châu Âu, thị trường chủ lực của công ty, nên khả năng ảnh hưởng đến cầu tiêu dùng 2 quý cuối năm là chắc chắn.
Chi phí vốn cũng là điểm nhiều doanh nghiệp đang trông chờ giải pháp gỡ khó từ Chính phủ. Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ, thông tin được thảo luận là Ngân hàng Nhà nước đang xem xét gói hỗ trợ tín dụng 25.000 tỷ đồng.
Giám đốc tài chính doanh nghiệp sản xuất phân tích, gói hỗ trợ sẽ hữu dụng nếu các khoản vay đã triển khai của doanh nghiệp được xem xét giảm lãi suất, chứ nếu chỉ áp dụng với vay mới thì không có nhiều ý nghĩa do thời điểm này các doanh nghiệp đều co lại phòng thủ, mở rộng đầu tư kinh doanh bằng các gói tín dụng mới khó khả thi.
Giải pháp gia tăng chi tiêu đầu tư công đang được trông chờ như một đòn kích hoạt các lĩnh vực khác cùng tăng trưởng, như người dân có tiền giải phóng mặt bằng tăng đầu tư xây dựng, chi tiêu; các ngành vật liệu xây dựng được tiêu thụ mạnh hàng hóa…
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cộng cả 100.000 tỷ đồng của năm 2019 chưa giải ngân và kế hoạch 500.000 tỷ đồng của năm 2020, đây sẽ là nguồn lực lớn để thúc đẩy kinh tế.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cộng cả 100.000 tỷ đồng của năm 2019 chưa giải ngân và kế hoạch 500.000 tỷ đồng của năm 2020, đây sẽ là nguồn lực lớn để thúc đẩy kinh tế.
Hàng loạt dự án hạ tầng lớn như một số đoạn chủ lực tuyến cao tốc Bắc - Nam, đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay Long Thành… nếu được đưa vào khởi công và triển khai các thủ tục thi công, theo phân tích của ông Lương Minh Tuấn, Chủ tịch Công ty cổ phần Đạt Phương, sẽ là những đại công trường thúc đẩy đầu tư sôi động.
Chuỗi giải pháp cấp bách, đồng bộ
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương tiếp thu ý kiến các bộ, ngành tại cuộc họp để hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
“Các giải pháp phải rất cụ thể, rõ ràng để triển khai thực hiện ngay. Đặc biệt lưu ý các gói hỗ trợ tiền tệ, tài khóa, thương mại đầu tư, cải cách thủ tục hành chính vào các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, trước hết là cho du lịch, hàng không, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng chỉ đạo, ngay trong quý I/2020 sẽ diễn ra hội nghị toàn quốc kiểm điểm trách nhiệm về chậm giải ngân vốn đầu tư công. Đây là thời điểm đặc biệt, cần những giải pháp đặc biệt.
Các chuyên gia cho rằng, Chính phủ nên xem xét áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu theo quy định của pháp luật hiện hành để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, vùng, miền và ngành, nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh 600.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cần thúc đẩy giải ngân, khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng cần khơi thông dòng chảy đầu tư để thúc đẩy triển khai các dự án.
Số liệu từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho thấy, năm 2019, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban đều không hoàn thành kế hoạch đầu tư, tổng mức đầu tư chỉ bằng 1/3 so với kế hoạch đặt ra.
Không xem xét việc tăng giá điện thời điểm này để tránh tạo các tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực đang khó khăn cũng là khuyến nghị của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia ngân hàng thế giới tại Việt Nam lại nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc kích cầu tiêu dùng trong nước với lợi thế thị trường hơn 100 triệu dân, đồng thời chuẩn bị cho các cơ hội phát triển sau khi dịch bệnh được khống chế.
“Có thể áp dụng các biện pháp như giảm lãi suất, nhưng cần chia ra nhiều giai đoạn và thực hiện ngay. Đồng thời, Việt Nam cần có danh mục dự án chuẩn bị gối đầu nhằm tạo chương trình đầu tư liên tục”, chuyên gia này khuyến nghị.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Bộ Công thương được kiến nghị tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án công nghiệp quy mô lớn, tập trung xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, đóng vai trò động lực cho tăng trưởng, nhất là các dự án năng lượng.
Kiến nghị giảm nhanh chi phí kinh doanh
Bộ Tài chính được đề nghị chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan thực hiện theo thẩm quyền việc giảm giá thuê đất, mặt bằng cho các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, thúc đẩy và tăng cầu nội địa trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh; giảm giá điện, nước cho các doanh nghiệp đang phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh do dịch bệnh; miễn, giảm phí, lệ phí, chi phí sản xuất kinh doanh để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trường hợp vượt thẩm quyền, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định.