Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Các phòng công nghiệp và thương mại Đức tại Đông Nam Á

Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Các phòng công nghiệp và thương mại Đức tại Đông Nam Á

Doanh nghiệp Đức nhắm Việt Nam để tận dụng cơ hội từ AEC

Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Các phòng công nghiệp và thương mại Đức tại Đông Nam Á cho biết, doanh nghiệp Đức đang hướng đến đầu tư lâu dài tại Việt Nam, nhằm nắm bắt cơ hội từ việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vừa được thành lập.

Các nhà đầu tư và doanh nghiệp Đức quan tâm thế nào đến việc thành lập AEC - một sân chơi chung cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp ASEAN?

Cuối năm 2015, AEC chính thức được thành lập nhằm hướng tới hội nhập kinh tế trong khu vực Đông Nam Á. Điều quan trọng đối với các nhà đầu tư tại Đông Nam Á là việc thành lập một thị trường ASEAN thống nhất và hợp chuẩn các tiêu chuẩn sản phẩm với mục tiêu tháo dỡ các rào cản trong đầu tư, thương mại và nâng cao năng lực của đội ngũ công nhân lành nghề.

Xét từ góc độ kinh tế, khu vực Đông Nam Á là địa điểm đầu tư vô cùng hấp dẫn trên thế giới, với lợi thế hơn 600 triệu người tiêu dùng. Các doanh nghiệp Đức cũng ra nhận ra điểm mạnh đó để hướng đến đầu tư lâu dài, bền vững trong khu vực đầy tiềm năng này.

So với thị trường châu Âu thì hội nhập của AEC vẫn còn giai đoạn sơ khởi. Tuy nhiên, việc thành lập AEC vào cuối năm 2015 đã đẩy mạnh hội nhập kinh tế trong khu vực, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên.

AEC hứa hẹn là cột mốc quan trọng, đưa khu vực này trở thành tâm điểm chú ý trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.

Vậy các doanh nghiệp Đức đã làm gì để tận dụng các cơ hội mà AEC mang lại?

Từ thực tế này, các phòng thương mại song phương Đức tại nước ngoài (AHK) từ năm 2012 đã thành lập hệ thống các phòng thương mại và công nghiệp Đức tại Đông Nam Á (AHK-ASEAN), bao gồm các phòng công nghiệp và thương mại Đức tại Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Nhiệm vụ then chốt của các tổ chức AHK-ASEAN là củng cố quan hệ hợp tác trong khu vực, đồng thời thúc đẩy phát triển quan hệ thương mại - đầu tư giữa Đức với các quốc gia Đông Nam Á. Điều này cũng cho thấy những cam kết của Chính phủ Đức trong nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, đồng thời thừa nhận thị trường ASEAN đầy tiềm năng này.

Thị trường Việt Nam quan trọng với doanh nghiệp Đức như thế nào trong mối liên hệ với thị trường ASEAN nói chung?

Thị trường Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Theo kết quả các nghiên cứu kinh tế trong năm 2015 của chúng tôi, 37% số công ty Đức tham gia phỏng vấn cho biết, họ có kế hoạch kinh doanh và mở rộng sản xuất tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tính đến ngày 20/12/2015, đầu tư trực tiếp của Đức vào Việt Nam đạt tổng giá trị hơn 1,48 tỷ USD, với 260 dự án, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, chế biến, lắp ráp, năng lượng, kinh doanh bán lẻ...

Hiện có khoảng 300 doanh nghiệp Đức hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có các công ty danh tiếng như Siemens, Mercedes, BMW. Hiện tại, hầu hết các công ty Đức đều có loại hình đầu tư trực tiếp hoặc 100% vốn nước ngoài (với 182 dự án trị giá 880 triệu USD).

Với Liên minh châu Âu thì sao, thưa ông?

Việt Nam là quốc gia thứ hai trong khu vực Đông Nam Á (sau Singapore) sẽ ký hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Hiệp định này sẽ là cơ hội mới cho các bên mở rộng khả năng tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ. Hiệp định cũng sẽ thúc đẩy dòng vốn chất lượng cao từ châu Âu cũng như cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo những cam kết mà các bên đã thỏa thuận.

Chúng tôi cho rằng, Việt Nam sẽ hưởng lợi rất nhiều từ việc tham gia AEC, EVFTA và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tin bài liên quan