Thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng
Thông tin tại cuộc bàn tròn “Giải pháp hạn chế tác động của dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra đối với Du lịch Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức mới đây cho thấy, từ cuối tháng 1 đến nay, tình trạng khách hủy tour, phòng khách sạn, không lên kế hoạch đi du lịch liên tiếp tăng lên.
Ước tính, thiệt hại đối với ngành công nghiệp không khói có thể lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Có hãng lữ hành bị 10.000 khách hủy tour, hay giảm tới 90% lượng khách, thậm chí, có những khách sạn 4 - 5 sao hàng trăm phòng không có nổi 25 khách để phục vụ ăn sáng tự chọn. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc vì không có khách.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nêu thực trạng buồn: “Nhiều khu, điểm du lịch đã trở thành ‘sa mạc’, thậm chí còn chịu ảnh hưởng xấu hơn so với dịch SARS cách đây 17 năm. Dịch bệnh theo dự báo có thể sẽ kéo dài và khó có thể khắc phục được trong vòng vài tháng tới. Do vậy, có thể xem đây là một cuộc khủng hoảng, tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch”.
Tình hình đã khó khăn, một loạt điểm di tích, danh thắng trên cả nước lại đồng loạt đóng cửa theo công điện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chiều ngày 4/2, các điểm đón khách du lịch là các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tại Hà Nội cũng tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND Thành phố khiến doanh nghiệp than trời.
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “20 hiệp hội du lịch tại các địa phương đồng loạt kiến nghị gửi cơ quan chức năng xem xét lại quy định đóng cửa các di tích, danh thắng. Tại nhiều địa phương, lượng khách sụt giảm 20 - 30%, thậm chí có địa phương đã giảm tới 60 - 70%. Tác động rất tiêu cực”.
Trong khi đó, Phó giám đốc Thai Son Travel (Nghệ An) đã bật khóc và cho biết, 95% du khách của đơn vị lo sợ dịch nCoV nên đã hủy tour và yêu cầu trả tiền đặt cọc. Nhưng, các đối tác mà Công ty đã chuyển tiền cọc để giữ chỗ không đồng ý hoàn tiền, ngay cả việc hoãn thời gian sử dụng dịch vụ cũng không được chấp nhận. Nếu tình trạng này tiếp diễn, doanh nghiệp sẽ thiệt hại hàng tỷ đồng và đứng trước nguy cơ phá sản.
Về tác động đối với các nhà hàng, đơn vị kinh doanh dịch vụ ẩm thực, ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Chủ tịch Hội Những nhà quản lý ẩm thực Việt Nam chia sẻ: từ khi có thông tin về dịch nCoV, lượng khách sụt giảm khoảng 30% và dự báo còn tiếp tục giảm với đối tượng khách quốc tế. Thay vì đến nhà hàng, hiện nhiều khách hàng có xu hướng đặt mua bằng hình thức online và yêu cầu ship đến nhà để phòng bệnh.
Chuẩn bị nhiều sản phẩm kích cầu
Theo ông Vũ Thế Bình, kinh nghiệm xử lý dịch bệnh SARS trước đây cho thấy, du lịch là ngành đầu tiên bị tác động và chịu ảnh hưởng nặng nhất. Diễn biến của dịch nCoV lần này một lần nữa đặt ra vấn đề đối với ngành du lịch là không nên quá phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào. Để phục hồi du lịch sau dịch, thị trường nội địa có tầm quan trọng hàng đầu; tiếp đến, ngành du lịch cần mở rộng một số thị trường mục tiêu khác như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…
“Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ xây dựng một chương trình kích cầu du lịch nội địa mạnh mẽ ngay trước và sau khi dịch đi qua; hình thành liên minh kích cầu toàn quốc với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, lữ hành kết nối với hàng không, vận chuyển, khách sạn, nhà hàng…”, ông Bình chia sẻ.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng lưu ý các doanh nghiệp giữ gìn lực lượng nhân sự, điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng và khi dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn, vì nếu giai đoạn khó khăn này mà “buông tay” cho nhân viên nghỉ việc, thì sau này rất khó để tuyển lại. Bên cạnh đó, cần chú trọng bồi dưỡng chuyên môn; chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật; đổi mới công tác quản lý và kinh doanh của doanh nghiệp trên cơ sở áp dụng công nghệ 4.0.
Ông Lưu Đức Kế, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt cho rằng, với doanh nghiệp du lịch, sau khi qua đỉnh dịch, có thể xem xét lựa chọn các điểm đến mới, nơi không có dịch hoặc không có khả năng tái phát dịch để thu hút khách du lịch nội địa phù hợp với điều kiện, năng lực, sở trường của mỗi doanh nghiệp. Đồng thời, cần đầu tư các tuyến du lịch nội địa mới, chú trọng khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường.
“Đặc biệt, các doanh nghiệp phục vụ khách Trung Quốc phải cùng liên kết giảm giá sâu để kích cầu thị trường khách nội địa và các thị trường khác, thà chịu lỗ ít còn hơn không có khách”, ông Kế nhấn mạnh.
Cùng với đó, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực như: miễn, giảm tiền điện nước, tiền thuê đất, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, nới lỏng chính sách visa và các ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất…; đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm soát thông tin chặt chẽ, tránh gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh du lịch.
Yêu cầu một số điểm đến mở cửa trở lại
- Ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TP. Hà Nội
Sở Du lịch TP. Hà Nội đã thành lập Ban Phòng chống dịch, công bố số điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ du khách. Tính đến 15 giờ ngày 5/2, có 12.862 khách quốc tế hủy tour đến Hà Nội, tập trung chính vào đối tượng khách đến từ Trung Quốc (9.937 lượt), còn lại là từ Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, Indonesia, châu Âu, Mỹ…; 11.650 lượt khách Việt Nam hủy tour đi du lịch nước ngoài, chủ yếu là tour du lịch Trung Quốc (8.138 lượt); hơn 7.819 khách nội địa hủy tour đi lễ hội. Số ngày phòng bị hủy là 13.286; số lượng khách đặt đã thông báo hủy phòng là 17.923 lượt.
Chiều ngày 5/2, Sở đã yêu cầu một số điểm đến trên địa bàn mở cửa đón khách trở lại, từ ngày 6/2. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục chú trọng công tác phòng, chống dịch liên quan đến khách du lịch, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách và người lao động; đồng thời, tăng cường phát huy thế mạnh các điểm đến, thực hiện những sản phẩm du lịch đặc trưng, khẳng định Hà Nội luôn là điểm đến an toàn, thân thiện.
Đẩy mạnh xúc tiến các thị trường trọng điểm
- Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam
Ngành du lịch cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch và dự kiến thời điểm tổ chức hoạt động xúc tiến lại các thị trường du lịch quốc tế và nội địa; tập trung nghiên cứu sát tình hình thị trường du lịch trong nước và quốc tế trong bối cảnh diễn ra dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các đối tác du lịch của Việt Nam ở thị trường nguồn; tăng cường phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn, vận chuyển du lịch…
Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ triển khai thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa Hiệp hội và Hiệp hội Lữ hành Hoa Kỳ, Hiệp hội Lữ hành Nhật Bản để thu hút khách du lịch từ 2 thị trường này. Hiệp hội cũng sẽ phối hợp các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch tổ chức các hội thảo du lịch chuyên đề, các khóa đào tạo cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp và hiệp hội của các địa phương về công nghệ 4.0 trong du lịch, xu hướng phát triển của du lịch Việt Nam và kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng…
Liên kết để kích cầu du lịch nội địa
- Ông Lưu Đức Kế, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam liên tiếp hủy, hoãn tour gây thiệt hại nặng nề. Do đó, chúng ta cần liên kết để kích cầu nội địa ngay khi đỉnh dịch đi qua. Các nước trong khu vực cũng sẽ có những giải pháp cạnh tranh thu hút khách Việt, vì thế, rất cần liên kết như giảm giá vé máy bay, ô tô, khách sạn, điểm du lịch..., thậm chí phải giảm giá quyết liệt để giữ khách trong nước, kích cầu trong nội địa và thu hút khách quốc tế.
Muốn làm được điều đó, không chỉ cần sự chung tay của các doanh nghiệp, mà còn cần cả sự hỗ trợ về chính sách mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ.
Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần tích cực tham gia các sự kiện xúc tiến du lịch trong nước và nước ngoài để thu hút khách du lịch ngay khi dịch bệnh được khống chế; liên kết chặt chẽ thành các liên minh, group để tăng cường tính hấp dẫn và hiệu quả.
Nếu làm tốt, chúng ta sẽ cải thiện được tình hình du lịch và các ngành liên quan.