Nhiệt điện lao đao
Quý III/2021, Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (HND) đạt lợi nhuận sau thuế hơn 6 tỷ đồng, giảm 96,5% so với cùng kỳ năm 2020, do biên lợi nhuận gộp giảm từ 11,6% xuống 1,6%, bởi giá vốn bán hàng tăng mạnh.
Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) có giá vốn bán hàng trong quý III/2021 cao hơn doanh thu, dẫn đến lỗ ròng 35 tỷ đồng, trong khi quý III/2020 lãi 90 tỷ đồng. Đây là quý thứ hai liên tiếp, PPC thua lỗ.
Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (POW) cho biết, quý III, doanh nghiệp đạt 32 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dịch Covid-19 bùng phát trên khắp cả nước khiến nhu cầu phụ tải trên hệ thống giảm mạnh, giá thị trường điện toàn phần giảm. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng năng lượng tại nhiều khu vực trên thế giới dẫn đến giá khí, giá than tăng cao, gây áp lực lên các doanh nghiệp nhiệt điện không chỉ trong quý III/2021 mà còn trong tháng 10 và cả thời gian tới.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế ghi nhận, 9 tháng đầu năm 2021, nhu cầu than toàn cầu tăng 4,5%, nhưng giá than trung bình tăng 110% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 75% so với đầu năm 2021, lập kỷ lục cao nhất trong lịch sử. Giá khí thiên nhiên còn có mức tăng mạnh hơn giá than.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, với sản lượng phát của nhiệt điện than và dầu chiếm tỷ lệ 51% trên tổng các loại hình nguồn phát trong hệ thống điện quốc gia, giá than nhập khẩu và giá dầu thế giới đã và đang tác động rất lớn đến chi phí mua điện của Tập đoàn, nhất là các nhà máy nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu và các nhà máy nhiệt điện khí có giá khí theo giá thị trường.
Tính toán sơ bộ, chi phí mua điện của EVN năm 2021 có thể tăng 16.600 tỷ đồng so với năm 2020.
Thuỷ điện gặp khó
Công ty cổ phần Thủy điện Bắc Hà (BHA) đạt 49,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý III/2021, giảm hơn 30% so với quý III/2020, do doanh thu giảm vì lưu lượng nước về thấp nên sản lượng điện thương phẩm bị thu hẹp.
Tương tự, Công ty cổ phần Thuỷ điện Miền Trung (CHP) đạt 51,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý III/2021, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2020. Theo lãnh đạo CHP, điều kiện thuỷ văn tháng 7 và 8/2021 không thuận lợi nên tổng sản lượng điện thương phẩm quý III của Nhà máy thuỷ điện A Lưới giảm.
Cũng do điều kiện thuỷ văn không thuận lợi, Công ty cổ phần Thuỷ điện Hủa Na ghi nhận sản lượng điện quý III/2021 giảm, dẫn tới doanh thu và lợi nhuận giảm, trong đó lợi nhuận sau thuế đạt hơn 43 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty cổ phần Thuỷ điện Thác Bà (TBC) ghi nhận 24,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý III/2021, giảm 60,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Miền Bắc 2 (ND2) đạt 85,4 tỷ đồng lợi nhuận trong quý III/2021, giảm 13% so với cùng kỳ. ND2 chia sẻ, doanh thu sản xuất điện của doanh nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào thủy văn. Quý III năm nay, lượng mưa ít hơn so với cùng kỳ năm ngoái dẫn đến sản lượng giảm.
Trái ngược với các nhà máy thuỷ điện khu vực miền Bắc và miền Trung, điều kiện thuỷ văn ở khu vực miền Nam trong quý III thuận lợi, giúp cải thiện mực nước và dung tích hữu ích ở các hồ thuỷ điện, bao gồm hồ Thác Mơ tại Bình Phước.
Vì thế, sản lượng của Công ty Thủy điện Thác Mơ trong quý III/2021 được Công ty Chứng khoán SSI ước tính đạt 195 triệu kWh, tăng 10,3%; lợi nhuận sau thuế ước đạt 60 tỷ đồng, gấp 1,7 lần cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý IV/2021, các doanh nghiệp thủy điện được nhìn nhận sẽ có kết quả kinh doanh khả quan hơn, do giá huy động thấp hơn hẳn các doanh nghiệp điện than và điện khí. Bên cạnh đó, theo EVN, cuối năm là mùa mưa nên thủy điện sẽ được ưu tiên khai thác.
Công ty Chứng khoán Dầu khí đánh giá, trong ngắn hạn, nhiều nhà máy thủy điện sẽ tiếp tục hoạt động tốt nhờ hiện tượng La Nina kết hợp với yếu tố mùa (nửa cuối năm là mùa mưa, tập trung ở miền Trung), sản lượng nước nhiều giúp thủy điện được ưu tiên huy động sản lượng.