FPT vừa mua sàn TMĐT 123mua.vn

FPT vừa mua sàn TMĐT 123mua.vn

Doanh nghiệp… đi săn

(ĐTCK) CTCP Dược Hậu Giang (DHG) vừa tổ chức một đoàn 20 cán bộ khảo sát thị trường Myanmar để tiến một thêm một bước trong quyết định mua lại 72% cổ phần của một doanh nghiệp dược khác tại Việt Nam.

Với mong muốn tạo ra động lực tăng trưởng mới, doanh nghiệp niêm yết có tiềm lực đang tăng cường tìm kiếm cơ hội qua M&A.

Trực tiếp phỏng vấn các nhà thuốc, người tiêu dùng, cơ quan quản lý và các bên tham gia thị trường, DHG đã thu được những kết quả khá thú vị. Theo ông Đoàn Đình Duy Khương, Phó tổng giám đốc DHG, với 65 triệu dân, tiềm năng thị trường Myanmar rất lớn, tuy nhiên, cạnh tranh tại đây cũng rất khốc liệt vì thuốc giá rẻ nhập lậu từ Ấn Độ, Bangladesh… tràn ngập thị trường này. Tương tự Việt Nam, người dân Myanmar cũng có nhu cầu và xu hướng sử dụng thuốc chất lượng với giá cả hợp lý, bởi vậy đây là cơ hội cho những doanh nghiệp như DHG.

Nếu chỉ xuất khẩu thuốc đơn thuần, DHG khó có thể cạnh tranh với hàng giá rẻ tại Myanmar, bởi vậy doanh nghiệp này chọn một hướng đi khác. Công ty sẽ mua lại 72,86% cổ phần của CTCP Dược phẩm Ánh Sao Việt. Đây là doanh nghiệp có giấy phép tham gia liên doanh đầu tư nhà máy sản xuất thuốc tại Myanmar. DHG sẽ cử người tham gia HĐQT của liên doanh tại Myanmar, tổ chức mô hình hoạt động, đặc biệt là hệ thống phân phối, đào tạo, phổ cập kiến thức cho khách hàng  tại đất nước chùa Vàng tương tự hệ thống các nhà thuốc của Công ty tại Việt Nam.

“Kế hoạch đầu tư vào Myanmar rất khả thi, mọi việc diễn ra khá thuận lợi. Chúng tôi hy vọng, với tiến độ như hiện nay, đến cuối năm 2014, hai bên sẽ ký kết được thỏa thuận hợp tác, mua bán cổ phần”, ông Khương nói.

Là doanh nghiệp có vị thế dẫn đầu ngành dược Việt Nam, song bên cạnh thị trường trong nước, DHG đang triển khai các kế hoạch để bước ra thị trường khu vực và thế giới, nhằm duy trì động lực đảm bảo cho kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao 14 - 19%/năm trong 5 năm tới. Khoản tiền dự kiến bỏ ra mua cổ phần tại doanh nghiệp đối tác ước gần 100 tỷ đồng không lớn, nhưng khoản đầu tư lớn hơn, theo lãnh đạo DHG là những chi phí để tổ chức và đào tạo hệ thống phân phối, marketing chuyên nghiệp và bài bản tại Myanmar.

Một “ông lớn” khác là FPT ngày 9/7 đã hoàn tất hợp đồng chuyển nhượng sàn thương mại điện tử (TMĐT) 123mua.vn với CTCP VNG (được bình chọn trong Top 5 website TMĐT uy tín, chất lượng nhất tại Việt Nam). Với lượng khách hàng đông, số lượng người truy cập website từ 5,5 - 6 triệu người/tháng, trong đó mỗi tháng 123mua.vn có khoảng 2.500 gian hàng mới đăng ký. Hiện nay, trên trang web này có khoảng 80.000 sản phẩm được bày bán, chủ yếu là các sản phẩm về thời trang và công nghệ dành cho giới trẻ.

Sau chuyển nhượng, 123mua.vn sẽ sáp nhập với  Sendo.vn, sàn TMĐT của FPT. FPT sẽ tiếp quản và thực hiện các hợp đồng đã ký với khách hàng của 123mua.vn. Ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc sàn TMĐT Sendo.vn cho biết, thương vụ này là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của Sendo.vn trong năm 2014 và giai đoạn tiếp theo. Mục tiêu của FPT là sở hữu trang TMĐT có nhiều giao dịch nhất theo mô hình mua bán đảm bảo.

Theo Hãng kiểm toán PwC, thương mại điện tử là thị trường đầy tiềm năng tại Việt Nam với 90 triệu người tiêu dùng, có mức thu nhập ngày càng tăng và sẵn sàng chi tiêu cho các mục đích ngoài thiết yếu. Số người dùng Internet sẽ tăng từ 30 triệu (năm 2011) lên 37 triệu vào năm 2016 (theo BMI) cùng sự phát triển nhanh đường truyền Internet tốc độ cao, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hình thức mua sắm trực tuyến. PwC dự đoán, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình 75%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015 và có thể đạt 2,8 tỷ USD vào năm 2015.

Tìm kiếm những cơ hội duy trì sự tăng trưởng như DHG và FPT đang trở thành nhu cầu thiết yếu của nhiều doanh nghiệp niêm yết. Đây là một trong những nội dung cũng được bàn thảo nhiều nhất tại ĐHCĐ 2014 của nhiều doanh nghiệp lớn trên sàn. Giá cả không phải là yếu tố quan trọng nhất dẫn tới các hợp đồng M&A, nhưng là yếu tố không thể thiếu để các thương vụ thành công. Thời điểm này năm ngoái, nhiều doanh nghiệp có tài sản tốt, nhưng yếu về dòng tiền đang đứng trước bờ vực mất thanh khoản, phải chấp nhận bán cả những tài sản tốt nhất để duy trì hoạt động. Nay tình hình đã chuyển biến khác, khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp qua đi, đàm phán mua bán, sáp nhập doanh nghiệp do đó khó hơn, có lẽ là yếu tố thúc đẩy nhiều doanh nghiệp lớn quyết định xem xét “chốt” hợp đồng.         

Tin bài liên quan