Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng tới hết năm 2021.

Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng tới hết năm 2021.

Doanh nghiệp dệt may thời Covid: Kẻ mừng người lo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu như nhiều doanh nghiệp dệt may ở vùng dịch phía Nam đang phải xin giãn hoặc hủy đơn hàng thì các doanh nghiệp phía Bắc lại đứng trước "thời cơ vàng”.

Buồn vui theo Covid

Đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư ở trong nước đang tác động mạnh đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, mà doanh nghiệp dệt may tại các tỉnh phía Nam lần này chịu tác động không nhỏ.

Ở các tỉnh phía Nam, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên việc duy trì sản xuất đồng thời đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch là bài toán lớn các doanh nghiệp dệt may - lĩnh vực thâm dụng lao động, với hàng trăm, hàng nghìn công nhân làm việc trong một nhà máy - phải đối mặt.

Một số công ty may, trong đó có Công ty TNHH May mặc Dony ở Bàu Cát 2 (quận Tân Bình, TP.HCM) đã phải ngừng hoạt động vì không đảm bảo điều kiện hoạt động “3 tại chỗ” (người lao động ăn, ngủ, làm việc tại nhà máy).

Trong khi đó, hơn 600 công nhân may của Công ty TNHH Puku Việt Nam (Khu công nghiệp Đồng An 1, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) đã phải đi cách ly tập trung vì một nữ công nhân dương tính với Covid-19.

Những ngày này, nhà máy của Công ty cổ phần Dệt may- Đầu tư- Thương mại Thành Công (mã TCM) tại quận Tân Phú, TP.HCM đang bố trí cho 2.000 công nhân trong tổng số 4.000 công nhân làm việc theo phương án “3 tại chỗ”.

Theo ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị TCM, việc chỉ thu xếp được 50% công nhân làm việc khiến Công ty chịu áp lực lớn về tiến độ giao hàng.

Với các đơn hàng chưa yêu cầu gấp về thời hạn bàn giao, Công ty xin hoãn giao hàng, tuy vậy, theo ông Tùng, “có khách đồng ý, có khách không đồng ý, buộc chúng tôi phải căn cứ theo hợp đồng để xử lý”.

TCM đã có ký được đơn hàng đến hết năm 2021, nhưng ông Tùng không dám chắc về tính khả thi của việc thực hiện các đơn hàng này. “Nếu một, hai tuần nữa, số lượng ca nhiễm bệnh giảm, dịch bệnh dần đi vào kiểm soát, công nhân được đến nhà máy làm việc thì mới có hy vọng”, ông nói.

Năm nay, TCM đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 4.218,3 tỷ đồng, lợi nhuận là 290 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 22% và 5% so với thực hiện trong năm 2020.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu 1.865 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận đạt 117,3 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với tình hình hiện tại, ông Tùng cho biết, TCM sẽ cố gắng tăng tốc từ cuối quý III, nhưng “việc có hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2021 hay không phụ thuộc rất nhiều vào thời gian dịch bệnh được kiểm soát”.

TCM nằm trong số ít doanh nghiệp dệt may ở phía Nam duy trì sản xuất trong những ngày này. Tuy vậy, để đảm bảo yêu cầu ăn, ở, làm việc cho 2.000 công nhân trong nhà máy, chi phí của Công ty đội lên rất nhiều.

Để đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” cho 2.000 công nhân trong nhà máy, chi phí của TCM đội lên rất nhiều.

TCM tiến hành xây dựng cấp tốc hàng trăm nhà vệ sinh, nhà tắm khép kín. Dẫu vậy, mối quan tâm lớn của lãnh đạo Công ty lúc này là liệu rằng tới đây, nhà máy có đủ điều kiện hoạt động theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế hay không.

Tại Công ty cổ phần May Nhà Bè, theo ông Nguyễn Ngọc Lân, Tổng giám đốc Công ty, hiện toàn bộ 1.500 công nhân và người lao động đã được tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 1. Hiện Công ty đang hoạt động “3 tại chỗ”, đảm bảo cơ sở vật chất và an toàn chống dịch.

Để động viên cán bộ, công nhân Công ty vượt qua khó khăn, hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh, Công ty thù lao thêm cho công nhân từ 50 - 100 nghìn đồng/người/ngày, tuỳ vào vị trí sản xuất.

Trong khi những doanh nghiệp dệt may phía Nam đang gặp nhiều khó khăn, chi phí tăng, trong khi nguy cơ bị hủy đơn hàng, phạt đơn hàng hiện hữu thì tình hình sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp cùng ngành ở phía Bắc lại khá tích cực. Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty cổ phần May Sông Hồng, hai doanh nghiệp dệt may đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán vẫn duy trì nhịp độ sản xuất bình thường.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG tiết lộ, “đây là thời gian rất thuận lợi đối với Công ty”. Một doanh nghiệp tại Đồng Nai đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng đơn hàng của Decathlon và số đơn hàng đó được chuyển sang TNG.

TNG vừa báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm rất tích cực, với doanh thu đạt 2.366 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 80 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 29% và 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Thời tin tưởng, năm nay, Công ty có thể đạt kế hoạch kinh doanh năm và tăng trưởng 30 - 40% so với năm ngoái.

Triển vọng thị trường xuất khẩu dệt may tích cực

Một năm trước, bức tranh kinh doanh của ngành dệt may Việt Nam khá u ám, do các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU là tâm điểm của đại dịch toàn cầu. Các lệnh phong tỏa được đưa ra và người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu nên nhu cầu mua sắm các sản phẩm thời trang giảm mạnh.

Các doanh nghiệp dệt may trong nước nỗ lực bù đắp sự sụt giảm của các đơn hàng thời trang bằng khẩu trang phòng dịch, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm của dệt may năm 2020 vẫn suy giảm gần 10% so với năm 2019, đạt khoảng 35 tỷ USD.

Tuy nhiên, từ đầu năm nay, tình hình xuất khẩu dệt may đã có nhiều khởi sắc. Số liệu của Bộ Công thương cho biết, giá trị xuất khẩu hàng dệt may 6 tháng đầu năm nay đạt 15,2 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ.

Nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... tăng rõ rệt khi dịch bệnh được kiểm soát, các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) dự báo, với kịch bản dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn trên thế giới, xuất khẩu dệt may năm 2021 của nước ta có thể đạt khoảng 39 tỷ USD (tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái).

Hàng dệt may Việt Nam đang được hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do. Việc xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc gia tăng, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý III và cả năm.

Hiện Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, trong khi thị trường EU vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Hiệp định EVFTA sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội vào thị trường EU, bởi thuế suất ưu đãi vào thị trường này sẽ tạo điều kiện để hàng dệt may Việt Nam giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) không yêu cầu vải nguyên liệu phải sản xuất tại Việt Nam hay các nước nội khối, mà chỉ yêu cầu công việc cắt may được thực hiện tại Việt Nam là có thể được hưởng ưu đãi thuế khi xuất vào Nhật Bản.

Trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may lúc này không phải là sức cầu thị trường, mà là đảm bảo ổn định sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh và sự ách tắc trong khâu logistics (cụ thể là giá thuê container tăng vọt và thiếu hụt nguồn cung container ở các tuyến vận tải biển quốc tế).

Tuy vậy, nhận định được đưa ra từ các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán ACBS, với những nỗ lực của cả nước trong việc kiểm soát dịch bệnh và tiếp cận vắc-xin, đà tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu dệt may sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.

Thực tế, một số doanh nghiệp dệt may đặt mục tiêu kinh doanh về gần giai đoạn trước khi đại dịch xuất hiện, một số doanh nghiệp thậm chí đặt mục tiêu cao hơn trước dịch. Nhiều doanh nghiệp đã nhận được đơn đặt hàng cho đến quý III, quý IV, cho thấy các đơn hàng đang quay lại.

Tin bài liên quan