4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 6,55 tỷ USD

4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 6,55 tỷ USD

Doanh nghiệp dệt may sẽ khởi sắc nhờ TPP

(ĐTCK) Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), từ đầu năm đến nay, số lượng nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành dệt may vẫn gia tăng, nhằm đón đầu cơ hội từ Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như các hiệp định thương mại tự do với EU, Hàn Quốc…
 

Kỳ vọng lớn vào TPP

Theo Bộ Công thương, trong 4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 6,55 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ 2015. Riêng trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu  dệt may ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ 2014. Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều có đơn hàng ổn định đến hết quý II, gần 62% doanh nghiệp có đơn hàng quý II tăng so với quý I.

Thông tin tiến trình đàm phán TPP đang đi đến chặng cuối đang đem lại luồng không khí mới cho các doanh nghiệp dệt may. Để đón đầu cơ hội phát triển của ngành dệt may Việt Nam khi thuế suất xuất nhập khẩu giảm về 0% khi Việt Nam gia nhập TPP, theo ghi nhận của Vitas, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành dệt may trong nước từ đầu năm đến nay đang gia tăng.

Các doanh nghiệp dệt may trong nước cũng đang có những bước chuẩn bị tích cực cho cơ hội từ TPP. CTCP Dệt may -  Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) cho biết, Công ty chuẩn bị khánh thành nhà máy tại Khu công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long. Nhà máy có công suất thiết kế 800.000 sản phẩm/tháng. Nếu chạy hết công suất sẽ cho doanh thu hàng năm khoảng 30 triệu USD, giúp doanh thu xuất khẩu mảng áo của TCM đạt khoảng 100 triệu USD/năm. TCM hiện đang khẩn trương lắp đặt máy móc thiết bị, đào tạo nhân sự để chuẩn bị cho nhà máy đi hoạt động từ tháng 6.

Mới đây, CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (GMC) đã quyết định mua lại toàn bộ phần vốn góp của Công ty TNHH MTV Blue Exchange trong Công ty TNHH May Sài Gòn Xanh (công ty con của GMC) với giá gần 31 tỷ đồng. Mục đích của thương vụ này là để Sài Gòn Xanh có đủ điều kiện để thực hiện những đơn hàng lớn. Ngoài ra, việc gia tăng sở hữu tại Sài Gòn Xanh cũng giúp GMC thuận lợi hơn trong việc vay vốn phục vụ sản xuất-kinh doanh.

Trước đó, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) đã đưa vào hoạt động nhà máy mới Đại Từ, nhằm gia tăng sản lượng. 

Nhiều doanh nghiệp khởi sắc

Trong bối cảnh tích cực chung của toàn ngành, nhiều doanh nghiệp dệt may niêm yết đã ghi nhận kết quả kinh doanh khá tích cực trong quý I, 4 tháng đầu năm.

Tại TCM, doanh thu thuần quý I đạt 609 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ, lãi sau thuế đạt 33,5 tỷ đồng. Sang tháng 4, Công ty đạt kết quả kinh doanh khá ấn tượng với doanh thu 11,714 triệu USD, đạt 110% kế hoạch; lợi nhuận đạt 152% so với kế hoạch đề ra.

Quý I/2015, TNG cũng có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu bán hàng đạt 297 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 11,3 tỷ đồng, tăng 180% so với cùng kỳ. Trong tháng 4, TNG đạt 115 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 5,7 tỷ đồng. Luỹ kế 4 tháng, Công ty đạt 412 tỷ đồng doanh thu, lãi luỹ kế 17 tỷ đồng. Theo TNG, việc tăng trưởng mạnh doanh thu và lợi nhuận là nhờ nhà máy TNG Đại Từ được đưa vào hoạt động trong quý.

Với GMC, doanh thu thuần hợp nhất quý I đạt 293 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 15,5 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Kết quả này, theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch GMC, một phần nhờ sự đóng góp của Công ty Sài Gòn Xanh. Đáng lưu ý, Chi nhánh Công ty Sài Gòn Xanh tại Mỹ (thành lập tháng 9/2013) đã đóng góp khoảng 1,5 tỷ đồng vào lợi nhuận thuần quý I của Công ty.

“Con số không lớn, nhưng là tín hiệu cho thấy GMC có thể tự phát triển thị trường, tự tìm kiếm được khách hàng”, ông Hùng nói.

CTCP Everpia Việt Nam (EVE), doanh nghiệp chuyên sản xuất chăn ga gối nệm cũng có kết quả kinh doanh quý I ấn tượng với doanh thu thuần 179 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ 2014; lợi nhuận sau thuế hơn 17 tỷ đồng, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ 2014.

Dẫu vậy, không phải doanh nghiệp dệt may nào cũng có kết quả kinh doanh thuận chiều với đà tăng trưởng xuất khẩu. 

Trong quý I, CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) có doanh thu 198,3 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ, nhưng lãi sau thuế của GIL là 8,16 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ 2014. Theo GIL, nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận của Công ty sụt giảm là do không còn khoản thu từ dịch vụ và chi phí bù lương tối thiểu vùng tăng cao so với năm 2014.

Còn với CTCP Mirae (KMR), do giá vốn hàng bán tăng cao nên Công ty lỗ ròng 7,8 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với số lỗ 3 tỷ đồng cùng kỳ. Theo giải trình của Công ty, nguyên nhân thua lỗ là do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, quý I lại có kỳ nghỉ tết và theo chu kỳ kinh doanh của Công ty thì quý I thường là quý có doanh thu thấp nhất.

Tin bài liên quan